Đề nghị xem xét cho chủ trương nhân rộng mô hình “Tổ nhân dân tự quản cộng đồng”

Cập nhật ngày: 09/09/2016 06:39:13

ĐTO - Ngày 8/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện thí điểm mô hình “Tổ nhân dân tự quản cộng đồng”. Tại điểm cầu cấp tỉnh, các đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN; Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và Nguyễn Tôn Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp cùng đến dự.


Khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động “Tổ nhân dân tự quản cộng đồng”

Mô hình “Tổ nhân dân tự quản cộng đồng” tiền thân là mô hình “Tổ Dân phòng - Khuyến học”. Do mô hình “Tổ Dân phòng - Khuyến học” có phạm vi hoạt động tập trung cơ bản vào 3 lĩnh vực (dân phòng, khuyến học, văn hóa) nên giới hạn việc tham gia của nhiều tổ chức, thành phần và giới, làm cho việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân còn những hạn chế nhất định, cần được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng đoàn Ủy ban MTTQVN tỉnh nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo chuyên đề về tổ chức và hoạt động của “Tổ Dân phòng - Khuyến học” và đổi tên mới là “Tổ nhân dân tự quản cộng đồng” cho phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu phát triển của địa phương.

Cuối năm 2014, toàn tỉnh đã thành lập thí điểm 36 “Tổ nhân dân tự quản cộng đồng” ở 12 huyện, thị, thành. Nội dung hoạt động tập trung vào tuyên truyền, vận động thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gắn với nhu cầu cần thiết của nhân dân, nhất là các vấn đề về dân sinh, xây dựng nông thôn mới như: môi trường; học tập; y tế; trật tự xã hội, tệ nạn xã hội; cầu, đường, đê bao, kênh rạch; hỗ trợ người nghèo; phòng cháy, chữa cháy; đoàn kết tương trợ cộng đồng; sản xuất, kinh doanh, thu nhập; ánh sáng đường quê;... Phương thức hoạt động theo nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm các điều kiện để mỗi gia đình và cộng đồng thực hiện quyền tự chủ, tự quản của mình; những vấn đề đặt ra được Ban quản lý các tổ bàn bạc dân chủ, thống nhất trong nhân dân, được người dân trực tiếp thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện, tự nguyện đóng góp, tự chịu trách nhiệm và cùng nhau thụ hưởng những thành quả đóng góp của mình.

Qua hơn 1 năm triển khai thí điểm cho thấy, hoạt động của mô hình “Tổ nhân dân tự quản cộng đồng” phù hợp với thực tiễn, nhất là việc chia nhỏ địa bàn (cơ cấu mỗi Tổ từ 15 - 35 hộ) sống liền kề nhau, để mọi người hiểu biết về điều kiện sống, dễ bàn bạc, cảm thông chia sẻ, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, chuyển tải thông tin nhanh, thuận lợi và hiệu quả hơn. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội cũng như được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đồng tình ủng hộ. Vì thế, Đảng đoàn Ủy ban MTTQVN tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Dịp này, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tặng Bằng khen cho 18 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động “Tổ nhân dân tự quản cộng đồng” trên địa bàn tỉnh.

Hồng Ngự

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn