Thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương:
Diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống người dân được nâng cao
Cập nhật ngày: 04/01/2022 05:45:47
ĐTO - Qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (viết tắt Nghị quyết số 26) trên địa bàn tỉnh đạt và vượt nhiều chỉ tiêu như sản lượng lúa, hệ thống thủy lợi, giao thông, nông thôn mới, nước sạch nông thôn, thu nhập dân cư nông thôn,... góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần của người dân địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (bìa phải) thăm và tìm hiểu tình hình trồng hoa kiểng năm 2021 của nông dân Trần Văn Út Hùng ở xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc
Xây dựng nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại
Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 26, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai, quán triệt với nhiều hình thức đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân. Đồng thời ban hành Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 - 2015; thống nhất thông qua Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) ban hành Kết luận số 23 về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững. Tính đến năm 2021, qua triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 2010) ước đạt 45.449 tỷ đồng, tăng 3,04% so với cùng kỳ, tương đương 1.340 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 3,14%.
Các địa phương tiếp tục tập trung triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; phát triển mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác loại hình du lịch sinh thái; chú trọng hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất - tiêu thụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật truy xuất nguồn gốc. Khuyến khích trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước đạt 28.570 tỷ đồng, tăng 3,49% so với cùng kỳ. Sản xuất lúa đạt kết quả tốt, cơ cấu giống phù hợp với thị trường xuất khẩu, lợi nhuận đảm bảo, giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo đạt 15.731 tỷ đồng, tăng 0,04% so với cùng kỳ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được người dân quan tâm, từng bước chuyển đổi để cải thiện về kinh tế. Diện tích gieo trồng hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày ước tính 33.178ha, giá trị sản xuất trồng trọt ước đạt 3.403 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Ngành hoa kiểng ngày càng phát triển mở rộng và mang lại lợi ích kinh tế cao, diện tích trồng hoa kiểng ước tính 2.742ha, giá trị sản xuất năm 2021 ước đạt 5.060 tỷ đồng, tăng 8,67% so với cùng kỳ.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, nông dân theo hướng hiện đại, bền vững, nhất là thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, theo cơ chế thị trường, chú trọng về chất lượng và giá trị gia tăng. Phát triển sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa hộ nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao hiệu quả. Nhân rộng các mô hình giảm giá thành, bón phân thông minh, mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sạch gắn với thương hiệu.
Nhà vườn huyện Lai Vung chăm sóc quýt hồng để cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán (ảnh tư liệu)
Nâng cao đời sống người dân nông thôn
Thời gian qua, tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ đã đầu tư gần 9.800 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi và các công trình xây dựng NTM. Triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển địa phương, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với sản phẩm khởi nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí NTM. Xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng NTM như: Quy chế thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; cơ chế hỗ trợ đối với xã điểm, huyện điểm giai đoạn 2016 - 2020; cơ chế Nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động hướng đến phát triển tinh thần cộng đồng, tự lực, chăm chỉ, hợp tác của người dân.
Đồng Tháp sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng liên kết vùng, hạ tầng thủy lợi nội đồng; các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; khởi nghiệp, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đặc biệt, thực hiện đồng bộ nhóm chính sách hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh, tiếp cận các dịch vụ xã hội thông qua cho vay tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh; tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo. Đồng thời hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân các xã biên giới, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; hưởng ứng tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 47,02 triệu đồng, tăng gấp 4,11 lần so với năm 2008 (tăng 35,58 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Giai đoạn 2006 – 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,14% (từ 13,59% giảm còn 2,45%, bình quân giảm 2,22%/năm); giai đoạn 2011 – 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm 12,06% (từ 15,73% giảm còn 3,67%, bình quân giảm 2,41%/năm); tỷ lệ hộ cận nghèo 4,92%; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 được nâng lên 1,9 lần so với cuối năm 2010. Giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,12% (từ 9,98% giảm còn 1,86%, bình quân giảm 1,62%/năm), tỷ lệ hộ cận nghèo 4,98%. Thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 tăng 2,01 lần so với cuối năm 2015. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Cuối năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% (tăng 48% so với năm 2011), tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100% (tăng 40% so với năm 2009), nước sạch theo quy chuẩn Bộ Y tế đạt 85,46%. Đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh ước đạt 56,45 triệu đồng (tương đương 2.412 USD), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,36% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tiếp tục được tăng tốc thực hiện, duy trì và nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn NTM đến năm 2025 theo Bộ tiêu chí hiện hành. Đến nay, toàn tỉnh có 103 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có 17 xã đạt tiêu chí xã NTM nâng cao; huyện Cao Lãnh đạt chuẩn NTM và 2 huyện Châu Thành và Lấp Vò cơ bản đạt các tiêu chí huyện NTM. Tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh xây dựng Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp”.
Cấp ủy cơ sở đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và tham gia tích cực vào việc huy động các nguồn lực phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Nhiều phong trào của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đi vào chiều sâu: mô hình “Hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng NTM”, “Tổ Dân phòng khuyến học liên kết”, “Gia đình người cao tuổi không vi phạm pháp luật”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Nông dân sản xuất giỏi”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Hùn vốn xây nhà kiên cố”, “Thắp sáng đường quê”... góp phần quan trọng giải quyết vấn đề an sinh xã hội từ cơ sở.
|
DŨNG CHINH