Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay

Cập nhật ngày: 02/07/2024 10:26:08

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240702102658dt2-1.mp3

 

ĐTO - Trong giai đoạn hiện nay, cả nước đang tiếp tục thực hiện mạnh mẽ công cuộc đổi mới đất nước và tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải vừa tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội vừa tham gia hội nhập sâu rộng với môi trường thế giới với đầy rẫy những thời cơ và thách thức đan xen. Trước hoàn cảnh lịch sử mới và bối cảnh cụ thể có cả thời cơ, vận hội và thách thức, khó khăn, hơn bao giờ hết vấn đề đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam càng trở nên cấp thiết.

Như vậy, đổi mới nội dung là đổi mới vấn đề gì? Đổi mới phương thức hoạt động ra sao? đã trở thành yêu cầu cấp thiết về sự nhận thức đúng đắn, nhất quán, thông suốt không chỉ trong toàn bộ hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà còn là của cả hệ thống chính trị ở nước ta.

Theo từ điển tiếng Việt “nội dung là mặt bên trong của sự vật, cái được hình thức chứa đựng hoặc biểu hiện”. Như vậy nội dung hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì và vì sao cần đổi mới? Nhiệm vụ không ngừng củng cố, tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân, phát triển thêm nhiều tổ chức thành viên mới, hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên ngày càng hướng mạnh về địa bàn dân cư, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Ủy ban Mặt trận Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên phát động và triển khai thực hiện phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cuộc sống của Nhân dân.

Nhưng dù có bao nhiêu phong trào, bao nhiêu cuộc vận động với những tên gọi khác nhau thì mục tiêu cuối cùng là góp phần đưa đất nước sớm đạt đến: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Khi lập luận và nhận thức vấn đề thì như vậy, nhưng để đưa lý luận vào thực tiễn thì Mặt trận cần phải trả lời với Nhân dân, với Đảng câu hỏi lớn là: Qua việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở từng địa bàn cơ sở, từng địa phương, từng khu vực, từng vùng miền và phạm vi cả nước thì hoạt động của Mặt trận tập trung hướng mạnh vào giải quyết những vấn để gì? Mà khi giải quyết tốt những vấn đề đó sẽ góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện, thế nước ngày càng vững mạnh, vị thế quốc gia, uy tín của Đảng và Nhà nước ta không ngừng được nâng cao trên thế giới, làm cho mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng rõ hơn, gần hơn, mang đến hạnh phúc hơn cho toàn thể Nhân dân.

Từ quy định của Hiến pháp; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (2011) đến Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều này đã rõ, nhưng trong quá trình thực tiễn tạo ra cơ chế hoặc nhận thức của các cấp, các ngành trong việc phát huy vai trò của Mặt trận thì không phải lúc nào và ở đâu cũng đầy đủ và nghiêm túc. Thậm chí có lúc, có nơi còn xem Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như là một tổ chức chuyên để đi vận động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong Nhân dân, điều này không sai, nhưng dừng lại ở mức độ này là một thiếu sót nghiêm trọng, vì nhiệm vụ chính trị của Mặt trận còn phải đại diện cho các tầng lớp nhân dân để tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ thể chế chính trị, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ đất nước chứ không phải “giám sát đối trọng” hay “giám sát đối lập”, vì mọi hoạt động của Mặt trận phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng cụ thể là cấp ủy từng cấp.

Về đổi mới phương thức hoạt động, vậy phương thức hoạt động là gì? Nói một cách tóm tắt chúng ta có thể hiểu phương thức hoạt động chính là phương pháp, cách thức để thực hiện các hoạt động của một tổ chức, một đối tượng nào đó bao hàm cả ý nghĩa là không đơn độc trong quá trình thực hiện, vì nó là tổng hợp các cách thức và các phương pháp một cách có hệ thống đồng bộ.

Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó các yếu tố căn bản cần phải xác định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc trước hết là khẳng định và làm sáng tỏ vị trí, vai trò và mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với Đảng, Nhà nước (bao gồm các cơ quan chính quyền), với các giai cấp, các tầng lớp nhân dân trong hoàn cảnh cụ thể của từng giai đoạn cách mạng cụ thể.

Nếu xét với góc độ trong mối quan hệ giữa Mặt trận với Đảng và Nhà nước thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội) là một bộ phận cấu thành thống nhất, có mối quan hệ chặt chẽ với Đảng và Nhà nước, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng và phối hợp chặt chẽ với Nhà nước về tổ chức, cán bộ, kinh phí và nội dung hoạt động, thì việc đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như thế nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu đổi mới và vai trò kiến trúc của Đảng.

Hướng mạnh các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc về cơ sở, tập trung cho cơ sở; đổi mới phương thức quan hệ giữa các tổ chức thành viên, các vị ủy viên trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; phát huy vai trò chủ động sáng tạo của các tổ chức thành viên; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan dân cử, với UBND cùng cấp là những vấn đề mang tính nguyên tắc.

Về đổi mới các mối quan hệ bao gồm: Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng, với chính quyền, với các tổ chức thành viên, với người đại diện tiêu biểu trong các giai tầng xã hội; đổi mới mối quan hệ giữa Ban Thường trực với các tổ chức thành viên, với các vị ủy viên trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Về đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức các phong trào, các cuộc vận động Nhân dân, đòi hỏi trước hết cán bộ Mặt trận (bao gồm cán bộ chuyên trách và các Ủy viên trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp) phải thay đổi nhận thức, bám sát vào hoàn cảnh cụ thể mà có những giải pháp từ nhận thức đến hành động phù hợp, ví dụ như đối với cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” phải nâng tầm đòi hỏi và đặt ra mục tiêu thoát nghèo cho hộ nghèo có điều kiện trong lộ trình từ 3 - 10 năm, có nội dung, có giải pháp khả thi, có nguồn lực bảo đảm thực hiện... chứ không chỉ là tập trung các hoạt động “xin - cho” trong cuộc vận động này; hay trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đến lúc những người làm công tác Mặt trận cần nhận thức sâu sắc rằng, vận động người Việt dùng hàng Việt phải song song và đồng bộ với vận động doanh nghiệp Việt sản xuất hàng hóa đủ sức chinh phục người tiêu dùng Việt Nam; xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh phải gắn với xây dựng con người mới, nhận thức mới... còn nhiều lĩnh vực khác đòi hỏi chúng ta phải nhận thức tính 2 mặt của vấn đề đúng với quan điểm triết học Mác - Lênin để tạo thành sự thống nhất trước nhất về mặt nhận thức trong xã hội thì mới có hành động thống nhất và hiệu quả tốt.

Về phương pháp làm việc của cán bộ Mặt trận cũng cần đòi hỏi phải ứng dụng thành thạo các phương tiện công nghệ hiện đại vào quản trị nội dung công việc để giảm bớt thời gian và công sức, tăng độ chính xác và đảm bảo tính khoa học, gắn kết thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn.

Đổi mới nhận thức và tiếp cận với công việc, triển khai thực hiện nhiệm vụ là cả một quá trình ngoài việc nghiên cứu, học tập, đào tạo, bồi dưỡng cần có sự quyết tâm chính trị của cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận các cấp trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và trước Nhân dân. Bởi vì nguồn lực và sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc là ở chỗ biết tập hợp và khai thác từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh đó chỉ được tập hợp và phát huy thông qua các tổ chức thành viên và các đại diện tiêu biểu của các giai tầng trong xã hội, kể cả người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Chỉ khi nào Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhận thức sâu sắc điều này và các tổ chức thành viên, các vị ủy viên nhận thức rõ điều này thì nguồn lực mới được tập hợp, sức mạnh mới được phát huy. Chính vì vậy nên cần: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Mặt trận, tăng cường bằng chủ trương, nghị quyết, sự quan tâm sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Võ Hoàng Cương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn