Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong (1/6/1904 - 1/6/2024)
Đồng chí Hoàng Đình Giong cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng
Cập nhật ngày: 01/06/2024 05:20:05
ĐTO - Đồng chí Hoàng Đình Giong hy sinh ở tuổi 43, nhưng đã có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng và cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Hoàng Đình Giong (Ảnh: Tư liệu)
Quá trình hoạt động cách mạng
Đồng chí Hoàng Đình Giong, sinh ngày 1/6/1904, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, sau chuyển sang thôn Nà Toàn, xã Xuân Phách (nay thuộc phường Đề Thám, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng), người dân tộc Tày.
Là học sinh thông minh, học giỏi, sớm có tinh thần yêu nước. Từ năm 1923 - 1924, đồng chí bí mật tuyên truyền tinh thần yêu nước trong học sinh các trường Tiểu học ở Thị xã Cao Bằng, huyện Hòa An và Hà Quảng. Từ năm 1925 - 1926, đồng chí học ở Trường Bách Nghệ (Hà Nội), tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh và bị đuổi học, trở về Cao Bằng. Với nhiệt huyết và sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí tích cực tham gia tuyên truyền, vận động cách mạng tại quê hương.
Năm 1927, đồng chí bí mật sang Long Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, năm 1928, đồng chí được kết nạp vào Hội. Tháng 12/1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, được bầu làm Bí thư Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc). Với tư cách là Bí thư Chi bộ, đồng chí chỉ đạo tổ chức, gây dựng, phát triển phong trào cách mạng, thành lập nhiều Chi bộ ở Cao Bằng và Lạng Sơn.
Tháng 3/1935, đồng chí làm Trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao (Trung Quốc) và được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương khóa I, phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.
Ngày 4/2/1936, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và đày đi khắp các nhà tù đế quốc: Cao Bằng, Hỏa Lò - Hà Nội, Sơn La, Bắc Mê - Hà Giang, rồi bị đày đi biệt xứ tận đảo Ma-đa-ga-xca (Châu Phi).
Là người có kinh nghiệm đấu tranh trong nhà tù đế quốc, đồng chí luôn khôn khéo tranh thủ lực lượng đồng minh và cùng bạn tù chính trị trở về Tổ quốc an toàn. Năm 1943, trong “chuyến đi thử lửa” trở về nước lần thứ nhất, đồng chí được giao nhiệm vụ đưa yêu sách nhờ Đảng Cộng sản Ấn Độ tạo áp lực dư luận, buộc quân Tưởng thả lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tháng 10/1944, sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở về nước, nhảy dù xuống Cao Bằng, bắt liên lạc với tổ chức.
Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đồng chí được giao làm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh Cao Bằng, tổ chức lãnh đạo lực lượng đánh chiếm các nơi chiếm đóng của quân Nhật, đối phó quân Tưởng; bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, giành chính quyền cách mạng ở Cao Bằng. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Bác Hồ giao làm Chỉ huy trưởng Đội quân Nam tiến. Thời gian này, đồng chí được Đảng giao giữ nhiều chức vụ quan trọng: Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính ủy) Quân giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) đầu tiên Khu IX, Khu Bộ trưởng Khu VI. Năm 1947, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Ninh Thuận.
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Từ khi tham dự các lớp huấn luyện của tổ chức Hội tại Long Châu (Trung Quốc), đồng chí trở thành người cộng sản và là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn bộc lộ rõ khí chất và tài năng, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát hiện, dìu dắt. Khi Nam Bộ kháng chiến, được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Đội quân Nam tiến, đồng chí thể hiện rõ một người vừa có văn, vừa có võ, vừa có đức, xứng với tên Võ Văn Đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên hết; sống giản dị, chân thành, gần gũi, gắn bó mật thiết, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân đặc biệt yêu mến, tin tưởng, cảm phục. Đồng chí luôn là tấm gương sáng ngời của người cộng sản sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.
Với công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Hoàng Đình Giong được Đảng, Nhà nước truy tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1998); Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2009); Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (năm 2018).
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Hoàng Đình Giong là dịp chúng ta bày tỏ lòng thành kính, tri ân công lao đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Học tập và noi theo tấm gương đồng chí Hoàng Đình Giong, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân luôn nỗ lực phấn đấu, tập trung xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh... góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phú Nghĩa