Dự báo những điều “khó dự báo”

Cập nhật ngày: 22/04/2025 05:12:11

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250422051244dt2-3.mp3

 

ĐTO - Từ xưa đến nay, con người thường ca ngợi những tổ chức hay cá nhân có những tiên đoán đúng về thời cuộc mà nhất là sự kiện ấy được nói trước “trăm năm”. Lịch sử cũng đã ghi chép những câu chuyện thành công của một số nhà tiên tri. Ngày nay, việc dự báo đúng tình hình là không dễ, nhưng không vì thế mà chúng ta “cúi đầu”. Một số xu hướng tự nó mang tính quy luật có thể cung cấp những dữ liệu như tín hiệu. Cố gắng tìm ra những điều “khó dự báo” để dự báo chính xác là rất cần thiết, nhất là phục vụ xây dựng quyết sách chính trị.

Dự báo là đoán trước tình hình (sự việc) nào đó có thể xảy ra, dựa trên số liệu, thông tin đã có. Dự báo được hình thành thông qua phân tích một tập hợp các dữ liệu. So với dự báo, dự đoán mang tính chủ quan hơn, tiếp cận từ nguồn dữ liệu lịch sử, dựa vào trực giác nhiều hơn phân tích khoa học. Để có thể dự báo chính xác, người dự báo phải sử dụng các phương pháp khoa học, nhất là phương pháp luận của chủ nghĩa Marx - Lennin (khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển) và phương pháp phân tích (ở đây yêu cầu “nhìn thẳng vào sự thật”).

Từ thế kỷ 19, dự báo trở thành nhu cầu ngành hàng hải, nông nghiệp (dự báo bão, lũ, động đất, sóng thần...). Ngày nay, dự báo cần cho các lĩnh vực mà nhất là quản lý vĩ mô và hoạt động kinh doanh (dự báo sự gia tăng hoặc suy giảm nền kinh tế, tỷ giá hối đoái...). Cũng như tất cả quốc gia trên thế giới, Việt Nam có nhu cầu dự báo về thời cuộc mà nhất là bối cảnh quốc tế để có thể xây dựng được quyết sách phù hợp. Tuy nhiên, bản thân dự báo được tình hình thế giới trong giai đoạn hiện nay là rất khó. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cho rằng: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo” (tr105). Nhưng, việc đi sâu phân tích những xu hướng chính của sự kiện sẽ làm cho những vấn đề “khó dự báo” bị “lộ diện”. Hãy cùng nhau xem xét một vài nội dung dưới đây:

Toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa nói chung mà nhất là toàn cầu hóa về kinh tế là xu hướng tất yếu bởi những nhân tố nội tại của thế giới đương đại. Trong đó, nổi bật là sự phát triển nền kinh tế thị trường và phát triển khoa học - công nghệ. Cũng như nhiều nước, Việt Nam “mở cửa” và gia nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với nhiều cấp độ khác nhau. Hiện nay, Việt Nam có 12 Đối tác chiến lược toàn diện, 20 Đối tác chiến lược, 14 Đối tác toàn diện và tham gia nhiều tổ chức quốc tế. Mặc dù “Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tr106) đang cản trở tiến trình này, nhưng xu hướng toàn cầu hóa là không thể đảo ngược được.

Cách mạng khoa học - công nghệ

Theo dòng chảy của lịch sử, xã hội loài người đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đã và đang phát triển kỳ diệu với nhiều lĩnh vực, nhất là việc sử dụng AI (Artificial Intelligence), số hóa (digitalization), internet... Như bao tiến trình khác, có thời đoạn, cuộc cách mạng công nghiệp bị ngưng trệ bởi nhiều yếu tố. Nhưng như Marx từng dự báo, lực lượng sản xuất (khái niệm lực lượng sản xuất rộng hơn Cách mạng khoa học - công nghệ) luôn luôn phát triển. Cuộc cách mạng này đang tiến triển như “vũ bão” và sẽ làm thay đổi tận gốc rễ đời sống kinh tế - xã hội. Chỉ một cách duy nhất, con người phải tiếp nhận và áp dụng nó.

Chiến tranh

Đại đa số con người yêu chuộng hòa bình và luôn phấn đấu vì một thế giới không có chiến tranh. Nhưng, con người phải “sống chung” với chiến tranh bởi nhiều nguyên nhân sâu xa từ chính mình. Hiện nay, một số ngòi nổ chiến tranh chưa được tháo gỡ lại xuất hiện dấu hiệu bùng phát ở vài khu vực khác. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có nhận định: “cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế” (tr105). Hy vọng về một thế giới hòa bình có lẽ còn xa lắm.

An ninh phi truyền thống

Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng đã, đang và sẽ là nỗi lo cho các tầng lớp nhân dân và sự đau đầu đối với những người quản trị mạng. An ninh mạng trực tiếp gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Sự cố máy tính năm 2000 (Y2K) vẫn còn ám ảnh nhiều người có liên quan. Các thông tin cho thấy, số lượng hacker ngày càng nhiều và hoạt động ngày càng tinh vi.

Thay đổi môi trường

Nhiều nhà khoa học trên lĩnh vực khí hậu đã luận giải và thực tế cho thấy, thiên tai đã và đang diễn ra với tầng suất cao và cực đoan. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cho rằng: “biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp” (Văn kiện, tr 107). Tuy nhiên, hành trình đi đến Net-zero (phát thải ròng bằng 0) còn xa (dự tính của nhiều nước đến năm 2050) và bị trì hoãn bởi nhiều quan niệm khác nhau.

Dịch bệnh

Các nguồn tư liệu đã cho thấy, các loại dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi... xuất hiện với phạm vi rộng, thường xuyên và tác hại lớn. Đại dịch Covid-19 vừa qua cảnh tỉnh loài người về sức mạnh phi thường của một loài cực nhỏ. Nó cũng nhắc nhở con người về cách hành xử khoa học và sự ứng phó trong tình thế khẩn cấp.

Bên cạnh những xu hướng lớn được đề cập bên trên có tính hiện diện thường xuyên và tác động trực tiếp đến xã hội, vài “tiềm năng” nổi lên đã và sẽ ảnh hưởng trong dài hạn đối với mỗi quyết sách. Có thể thấy, nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn và cạn kiệt dần; sự già hóa dân số với nhiều hệ lụy liên quan năng suất lao động và chính sách an sinh xã hội... Nó hiện diện một cách “âm thầm” rất cần lưu tâm khi tính toán các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trong vài năm gần đây, những câu tuyên bố hay lắp đi lắp lại về sự việc “không có tiền lệ”. Thực tế cho thấy, tình hình trong và ngoài nước luôn chứa đựng các yếu tố đan xen giữa cơ hội và nguy cơ, giữa tiềm năng và thách thức, giữa thuận lợi và khó khăn. Tất cả được diễn ra nhanh chóng. Và do vậy, nó rất “khó dự báo”. Dù thế, chúng ta vẫn có thể “điểm danh” những xu hướng chính để tiên liệu cho cuộc sống riêng và góp phần xây dựng những kế hoạch, quyết sách của địa phương và đất nước phát triển thịnh vượng, văn minh.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn