Ghi công và hàm ơn
Cập nhật ngày: 27/07/2021 06:21:43
Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), xin bàn đôi điều về hai thuật ngữ ghi công và hàm ơn như là một thao tác thiết thực, nhằm tiếp cận một cách thấu đáo hai khái niệm này, qua đó nhắc nhau những việc, những điều cần có, cần làm khi thấm nhuần và thực thi đạo lý thiêng liêng của dân tộc: Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây... trong mỗi chúng ta.
Ghi công và hàm ơn là những kiểu từ ghép thường thấy trong tiếng Việt, gồm hai thành tố Hán Việt + thuần Việt hoặc ngược lại. Ghi công là ghi lại, chép lại, ghi nhớ... công lao, sự nghiệp của ai đó (ghi - thuần Việt (ghi; chép...) + công - Hán Việt đã Việt hóa (công ơn; công lao; công sức...). Hàm ơn là chịu ơn, mang ơn của ai đó, vốn là ghép từ Hán Việt hàm ân (hàm (chịu; mang...) + ân (ơn).
Trước hết, nói về từ ghi công. Đi đến bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, chúng ta đều gặp những nghĩa trang liệt sĩ mà ở đó bao giờ cũng hiện lên một cách thiêng liêng, trang trọng đài tưởng niệm với dòng chữ Tổ quốc ghi công. Đây hoàn toàn không phải là một dòng chữ mang tính hình thức, như một định danh thiên về mỹ cảm, mà hơn thế, là một ẩn dụ, một biểu tượng mang tính tâm linh và đạo lý. Hai chữ ghi công tác động mạnh đến thị giác, trực giác và lay động tâm thức, ý thức của mỗi người. Nhìn dòng chữ Tổ quốc ghi công, nhất là từ ghi công, một trái tim dẫu hời hợt, vô cảm cũng phải tự biết kích hoạt những nhịp đập mạnh mẽ và rung cảm nhất. Ấy là vì, trừ những kẻ biến thái và tha hóa, còn lại, không người nào, đã, đang và được sống trong khí quyển thanh bình này lại không nhận ra, những người đang nằm đây đã tự nguyện nhận hết hy sinh để nhường sự sống cho mình.
Như vậy, ghi công, cần phải hiểu thấu đáo hơn, đó không chỉ là ghi lại, nhớ lại công lao của các liệt sĩ như là một thao tác kỷ niệm, tưởng niệm thường niên trong một vài ngày hay trong vài nhắc nhở thảng hoặc nhân sự kiện nào đó, mà cao hơn, là phải biết khắc ghi, khắc sâu như là một ấn tượng về sự hy sinh của thương binh - liệt sĩ trong mọi hoạt động và hành vi thường nhật của mỗi người. Khái niệm ghi công chỉ có ý nghĩa đích thực khi nó thấm đẫm, lan tỏa một cách thường trực và hài hòa trong cuộc sống chúng ta. Hãy biết sống bằng ý nghĩ thiêng liêng: Mình sẽ không thể tồn tại, nếu không có những anh hùng liệt sĩ đang nằm quanh đài Tổ quốc ghi công này! Và cần phải sống sao cho xứng với sự hy sinh của các liệt sĩ. Đó mới đích thực là ghi công...
Và, ghi công ở đây, ngầm hiểu là ghi công cả những thương binh. Hay chí ít, khi nhìn dòng chữ Tổ quốc ghi công trên đài liệt sĩ thì chúng ta không chỉ nghĩ đến việc ghi công những chiến sĩ anh dũng hy sinh đang nằm ở đây mà còn nhớ đến và ghi công các thương binh trên khắp mọi miền đất nước, trong đó, hầu hết hiện đang sống khá chật vật, khó khăn sau khi trở về từ chiến trường, đã ít nhiều mất một phần thân thể. Cần có sự liên tưởng, kết nối một cách biện chứng và nhân văn trong hoạt động ghi công liệt sĩ và thương binh. Ghi công các liệt sĩ chủ yếu bằng ý thức, tiềm thức, bằng ý niệm tâm linh, bên cạnh phải thực thi nghĩa vụ quan tâm một cách cao nhất, thực chất nhất đối với gia đình họ, nhất là với các Mẹ Việt Nam anh hùng. Còn ghi công các thương binh chủ yếu bằng hành động, hoạt động cụ thể, thiết thực thường xuyên, giúp họ vượt qua sự mất mát thân thể để sống một cách công bằng, nếu không muốn nói có cuộc sống tốt như hoặc hơn chúng ta.
Thứ nữa là nói về từ hàm ơn. Tác giả bài viết này không muốn dùng từ biết ơn (như hiện nay, mọi người thường dùng) mà dùng từ hàm ơn bởi lý do sau đây:
Biết ơn và hàm ơn, tuy đồng nghĩa, nhưng cấp độ có sự khác biệt. Trong nhận thức của con người, biết ơn ở cấp độ nhận biết, tuy cũng là nhận thức lý tính nhưng còn ở mức thấp, có phần trực giác. Còn hàm ơn là nhận thức lý tính ở cấp độ cao hơn, ở mức suy lý, phân tích, đánh giá... Công lao và chiến tích của những thương binh - liệt sĩ, hy sinh (hay hy sinh một phần) vì độc lập, tự do và hòa bình của Tổ quốc là vô giá, vô lường, vô bờ bến. Những người được sống trong hiện tại không thể chỉ biết ơn (tức nhận biết công ơn đó) mà cao hơn, thiêng liêng hơn là phải biết hàm ơn, tức thấy mình đang mang ơn, chịu ơn.... Hàm ơn nghĩa là ơn huệ của thương binh - liệt sĩ đã trở thành một trong những hành trang tinh thần, đạo lý và tâm linh đi theo, mang theo suốt cuộc đời mỗi người. Đã mang ơn, chịu ơn tức thường trực ý thức trả ơn, đền đáp công ơn. Thương binh - liệt sĩ là những người không bao giờ đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm trả ơn như dòng thơ đã trở thành danh ngôn: Làm ơn há dễ trông người trả ơn (trong truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu). Nhưng chúng ta bao giờ cũng phải nhớ và biết làm điều đó như là một cách biểu dương và thể hiện đạo lý truyền thống cực kỳ thiêng liêng và cao đẹp của dân tộc ta.
Hàm ơn cùng với ghi công, không phải là một khái niệm chỉ tồn tại trong suy nghĩ, trong tư duy mà phải thể hiện bằng việc làm thiết thực hàng ngày của mọi người. Hàm ơn và ghi công không phải bằng lý thuyết suông, hô hào bởi những khẩu hiệu đao to búa lớn, đại ngôn hay giả trang, làm màu mà phải bằng hành động đích thực, phải biết thường xuyên làm những việc cụ thể, hiệu quả, dù nhỏ, cho các thương binh, gia đình thương binh và gia đình liệt sĩ.
Từ thuật ngữ, khái niệm đến hành động và thực tiễn cuộc sống bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định. Để ghi công và hàm ơn thương binh - liệt sĩ, không chỉ rộ lên trong một ngày kỷ niệm mà phải là hoạt động thường xuyên, thiết nghĩ, trước hết phải thấm nhuần, thẩm thấu ý nghĩa của các từ này một cách đúng đắn và phù hợp nhất như ít nhiều đã nêu ở trên.
TAO ĐÀN