Giải trình ý kiến, kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
Cập nhật ngày: 17/07/2023 19:18:37
ĐTO - Tại kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa X, ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình những ý kiến kiến nghị của đại biểu qua thảo luận Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại các địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn báo cáo giải trình kiến nghị qua thảo luận Tổ đại biểu tại các địa phương
Trong đó, về đề nghị tỉnh cho chủ trương nếu các dự án đã giao cho nhà đầu tư nhưng không đủ năng lực theo quy định pháp luật thì thu hồi lại, UBND tỉnh cho biết đã ban hành nhiều khi văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao các sở, ngành, địa phương hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án; đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra các dự án trên địa bàn, xem xét xử lý theo pháp luật đối với dự án chậm triển khai, dự án ngưng triển khai hoặc không liên hệ được nhà đầu tư, dự án đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động hoặc đã thu hồi chủ trương đầu tư.
Đối với đề nghị tỉnh cần có giải pháp để phát huy hiệu quả công tác mời gọi đầu tư xã hội hóa trong thời gian tới, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút được 2 dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục (có 1 dự án đưa vào hoạt động Bệnh viện mắt Sài Gòn Cao Lãnh).
Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp năm 2023; dự kiến tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư giữa doanh nghiệp Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 8/2023. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp mời gọi đầu tư xã hội hóa trên địa bàn tỉnh.
Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm có ý kiến là tìm nguồn vật liệu thay thế cát san lấp trong tình hình khan hiếm cát, giải trình về vấn đề này, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ khảo sát, đánh giá hiện trạng, đề xuất định hướng quản lý, khai thác khoáng sản cát trên lòng sông Tiền, sông Hậu và khoáng sản sét, than bùn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050), được phê duyệt tại Quyết định số 362 ngày 29/3/2023. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, được phê duyệt tại Quyết định số 1439 ngày 29/12/2022.
UBND tỉnh thông tin thêm, tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành chuyên môn nghiên cứu vật liệu khác thay thế cát nước ngọt để sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp; rà soát, giảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vật liệu san lấp, nhằm giảm áp lực phải cung cấp cát nước ngọt.
Về đề nghị đầu tư khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Cần Lố (huyện Cao Lãnh), Kênh xáng Lấp Vò, cầu chợ Định Hòa (huyện Lai Vung) và sạt lở tại những nơi khác, UBND tỉnh cho biết, hiện nay, tình trạng thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tình trạng sạt lở nội đồng tại các huyện, thành phố. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tỉnh đang tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các huyện, thành phố trên địa bàn Tỉnh; sau khi kết thúc kiểm tra, UBND tỉnh chỉ đạo áp dụng cụ thể các giải pháp khắc phục các điểm sạt lở nội đồng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, UBND Tỉnh đã giao ngành chuyên môn thực hiện điều tra, đánh giá, thiết lập hành lang sạt lở sông, kênh, rạch nội đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đối với đề nghị tỉnh có giải pháp đồng bộ để phòng ngừa hiệu quả trình trạng đuối nước ở trẻ em, UBND tỉnh cho biết, những năm qua, các ngành, các cấp rất quan tâm công tác phòng ngừa đuối nước và đã có nhiều giải pháp, mô hình hiệu quả. UBND tỉnh ghi nhận ý kiến của đại biểu và sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn Tỉnh sẽ sơ kết, đánh giá và sẽ đút kết, bổ sung thêm các giải pháp đồng bộ để phòng ngừa hiệu quả hơn tình trạng đuối nước.
Về kiến nghị tỉnh cần có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên vì hiện nay việc hợp đồng giáo viên về hưu để tiếp tục thực hiện công tác giảng dạy không phải là giải pháp bền vững, lâu dài, theo UBND tỉnh, việc hợp đồng giáo viên về hưu (có sức khoẻ, bảo đảm trình độ chuẩn đào tạo) là giải pháp giải quyết nhanh tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Để mang tính bền vững, lâu dài, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40 ngày 8/2/2023 về khắc phục việc thừa, thiếu cục bộ giáo viên và thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh, trong đó, có nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện lâu dài để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Nhằm đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm lợi dụng mạng xã hội để hoạt động, nhất là tội phạm lừa đảo, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 50 ngày 17/2/2022 về tăng cường giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao giai đoạn 2022 - 2026 để tổ chức triển khai sâu rộng đến các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, chỉ đạo Công an tỉnh chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đấu tranh quyết liệt với tội phạm sử dụng công nghệ cao…
THANH TRÚC