Giám sát việc thực hiện chính sách tuyển dụng đào tạo, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức
Cập nhật ngày: 22/04/2013 04:58:28
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do ông Nguyễn Hữu Đức - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn vừa đến giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tại huyện Thanh Bình và Sở Nội vụ.
Giám sát tại Sở Nội vụ
Đối với huyện Thanh Bình, việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ CBCCVC trên địa bàn đã được Phòng Nội vụ tham mưu đề xuất kịp thời cho UBND huyện nên công tác này được thực hiện có kết quả, chính sách pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm theo đúng quy trình thủ tục quy định. Tuy nhiên tồn tại là cơ chế đề bạt bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo hiện nay còn mang nặng tư tưởng “đến hẹn lại lên”, “sống lâu lên lão làng” làm cho người thật sự có tâm, có tài, người trẻ chưa có môi trường phát triển.
Trong ý kiến trao đổi, nhiều vấn đề cần được làm rõ như: cần có chính sách ưu đãi cho những người có nguyện vọng về hưu trước tuổi, vẫn còn sự phân công chưa đúng sở trường, chuyên môn ở cả hai cấp huyện, xã; bộ máy cấp huyện, xã do cơ chế nên ngày càng cồng kềnh...
Tại Sở Nội vụ, ưu điểm là công tác quy hoạch cán bộ đã đi vào nề nếp, làm căn cứ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo tính kế thừa liên tục giữa các thế hệ, giữ gìn sự đoàn kết nội bộ và sự ổn định của hệ thống chính trị; công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiệu quả thực thi công vụ đảm bảo chuẩn hóa; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm CBCCVC thực hiện theo đúng quy trình thủ tục, đảm bảo các tiêu chuẩn điều kiện.
Tuy nhiên, tồn tại hạn chế của công tác này là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương quy định về tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đội ngũ còn chậm, chưa đồng bộ, thiếu nhất quán nên trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn; công tác tuyển dụng chưa thực sự khoa học để lựa chọn người tài; công tác quy hoạch cán bộ chưa sâu sát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển nhân lực của cơ quan, đơn vị; công tác quản lý đào tạo các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên môn hệ không chính quy và sau đại học chưa nghiêm túc, thiếu chặt chẽ nên chất lượng sau đào tạo chưa chuyển biến, nhiều CBCCVC sau khi tốt nghiệp về không phát huy năng lực...
Các ý kiến trao đổi xoay quanh việc hiện nay ở cấp tỉnh vẫn còn khoảng 10% cán bộ chưa được đào tạo và cấp huyện là trên 13%; từ trước tới nay, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ yếu là xét tuyển, vì vậy Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp để thực hiện việc thi tuyển trong ngành giáo dục.
Đoàn đoàn ĐBQH đã ghi nhận các ý kiến của huyện Thanh Bình và Sở Nội vụ tỉnh. Các ý kiến và kiến nghị sẽ được đoàn tổng hợp ghi chép đầy đủ, báo cáo với các bộ, ngành để xem xét và trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Duy Tân