Gửi gắm niềm tin vào nhiệm kỳ mới

Cập nhật ngày: 21/10/2015 13:07:33

Những ngày này, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đang hướng về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Trước thềm Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiều người đã có những gửi gắm, kỳ vọng ở nhiệm kỳ mới. Báo Đồng Tháp ghi nhận và xin giới thiệu một số ý kiến.

Đảng viên Nguyễn Văn Hùng (SN 1937, nguyên Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa Tỉnh đội): Cần tăng mức hỗ trợ chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh nhà tiếp tục phát triển, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên. Đặc biệt, nông dân tiếp tục chuyển đổi diện tích sản xuất lúa sang trồng cây hoặc con theo mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Phần lớn diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, thu hoạch bằng máy để tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Công tác an sinh xã hội cũng được các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng mức hỗ trợ các chế độ, chính sách đối với những người có công với cách mạng, nhất là xem xét giải quyết chế độ đối với những trường hợp có công với cách mạng nhưng chưa được hưởng chế độ vì các yếu tố khách quan nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước “Ăn trái nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Phương (ngụ ấp 2, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh): Nhiều vấn đề cần tháo gỡ đối với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh.

Ông Nguyễn Hồng Phương cho biết, là nông dân chuyên sản xuất lúa, bản thân ông cũng được thụ hưởng thành quả trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Nhưng theo ông, qua tham gia thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh (chỉ ký hợp đồng bao tiêu nông sản) thì có nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: mô hình liên kết sản xuất, năng lực của doanh nghiệp (DN), năng lực tài chính và trình độ quản lý của các hợp tác xã (HTX) còn hạn chế, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ... Để khắc phục những hạn chế trên, Đảng, Nhà nước cần có cơ chế chính sách rõ ràng hơn đối với vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: đầu tư tài chính, đẩy mạnh đào tạo cán bộ về trình độ chuyên môn và quản lý cho các HTX để HTX có đủ sức ký kết hợp đồng với DN trong việc bao tiêu sản phẩm; cần có cơ chế chế tài đối với DN, nhất là trường hợp DN “bẻ kèo” sau khi đã ký hợp đồng với HTX; rà soát, quy hoạch những vùng chuyên canh sản xuất lúa, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế vì ngành hàng vịt đang gặp khó khăn do chưa có đầu mối tiêu thụ ổn định... Đặc biệt, tỉnh cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các DN, nhất là các DN tích cực tham gia Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhằm tạo điều kiện cho quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày càng vững chắc hơn.

Ông Bùi Duy Thanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phường 3, TP.Cao Lãnh: Quan tâm hơn về chế độ đối với cán bộ không chuyên trách

Ông Thanh hy vọng các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh sẽ sáng suốt lựa chọn, bầu các cán bộ tiêu biểu, có năng lực, uy tín vào Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa X. Mong rằng với sự lãnh đạo của các đồng chí, kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh nhà tiếp tục phát triển, nhất là thực hiện các chủ trương lớn như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển du lịch, đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. Ông mong muốn, lãnh đạo tỉnh quan tâm nhiều hơn đến chế độ, chính sách cho đối tượng cán bộ, công chức ở xã, phường, đặc biệt là cán bộ không chuyên trách; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức cơ sở; tiếp tục có những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể. Ông bày tỏ sự phấn khởi khi công trình cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh được xây dựng và kỳ vọng các đồng chí trong BCH khóa mới sẽ tiếp tục quan tâm lãnh, chỉ đạo, kiến nghị cấp trên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cho tỉnh, nhất là các công trình trọng điểm.

Phạm Minh Phúc (SN 1993 ngụ phường An Hòa, TP.Sa Đéc: Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên

Vừa tốt nghiệp ngành Cao đẳng Công nghệ Thông tin, Trường Cao Đẳng nghề Đồng Tháp, Phạm Minh Phúc mong muốn trong nhiệm kỳ mới, vấn đề đào tạo nghề và việc làm cho thanh niên (TN) cần được quan tâm đúng mức, giúp tuổi trẻ thực hiện lý tưởng, hoài bão của mình, cần tăng cường hướng nghiệp đúng đắn để sinh viên, học sinh chọn đúng ngành, nghề phù hợp với bản thân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của mỗi địa phương, tránh tình trạng TN bị thất nghiệp. “TN là lực lượng lao động lâu dài của xã hội, cần khuyến khích họ vào học tại các trường hoặc trung tâm dạy nghề, đảm bảo có tay nghề vững, chuyên môn chắc, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Các trường dạy nghề phải nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên; mặt khác, cần chủ động đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp để sau khi tốt nghiệp hoặc nhận được chứng chỉ nghề, học viên có thể tìm kiếm được việc làm đáp ứng nguyện vọng của bản thân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên về chủ trương, chính sách của Đảng cần đi sâu vào thực tiễn” - Minh Phúc chia sẻ.

D.C-H.N-N.A-K.N

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn