Hãy cháy lên nhà báo đất Sen hồng
Cập nhật ngày: 21/06/2019 11:12:42
Một lần tham gia Chương trình đào tạo của Trung ương, tôi thật sự ấn tượng khi đứng trước câu khẩu hiệu: "Được phục vụ quốc gia là niềm tự hào của chúng tôi" được đặt trang trọng trong tiền sảnh Trường Đào tạo công chức - công vụ ở một đất nước tiên tiến. Một câu khẩu hiệu ngắn gọn, súc tích nhưng mang lại sức mạnh lan toả, tiềm tàng, đánh động vào ý thức, nghĩa vụ của mỗi công dân, công chức đối với đất nước. Câu khẩu hiệu đó có thể thẩm thấu vào mỗi con người, bất kỳ làm việc trong lĩnh vực nào, ngành nghề nào trong xã hội.
Mỗi người đều có thể chọn cho mình một nghề, một vị trí trong xã hội. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức chúng ta đều có quyền tự hào chính đáng về nghề nghiệp của mình. Không có tự hào, chúng ta không thấy giá trị trong công việc nghề nghiệp của mình. Ngược lại, không tìm thấy giá trị công việc của mình thì chúng ta sẽ không tự hào. Ai mà không muốn sống một cách xứng đáng thông qua cống hiến một phần công sức của mình cho cộng đồng, cho xã hội. Tuy nhiên, trong bộn bề cuộc sống, mỗi người đôi khi không tránh khỏi có lúc cân phân giữa cống hiến và thụ hưởng, giữa quyền lợi và trách nhiệm, giữa ra đi và ở lại...
Nghề nào cũng mang lại giá trị tốt đẹp cho con người, nghề làm báo cũng vậy, thậm chí còn có chức năng làm lan toả những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Trong xu thế xã hội ngày càng phát triển, bằng trí tuệ nhân tạo, người ta sáng tạo ra những rô-bốt có thể thay thế con người. Rô-bốt có thể làm được những việc như con người, thậm chí còn nhanh hơn, chính xác hơn. Rô-bốt có thể biểu hiện cảm xúc buồn vui, biết quan sát, lắng nghe, tương tác gần giống như con người. Tuy nhiên, như chính nhà khoa học đã sáng tạo ra một rô-bốt siêu thông minh cũng tự thừa nhận rằng ông không biết cách nào có thể gieo ý thức cho rô-bốt. Như vậy, vô hình trung mỗi người chúng ta còn hơn rô-bốt ở chỗ có ý thức, ý thức về sự tồn tại của mình, về thái độ của mình với công việc, với cuộc sống.
Thường để thành công trên lĩnh vực nào đó, mỗi người cần phải có năng lực. Năng lực bao gồm hai yếu tố: kiến thức và kỹ năng. Nhưng có một tổng kết rằng, còn một yếu tố quan trọng hơn và có tính quyết định hơn, đó chính là thái độ, thái độ đối với nghề nghiệp, công việc và rộng hơn là với cuộc sống. Thái độ có được từ ý thức trong mỗi người, được tích luỹ dần qua năm tháng, bằng sự trải nghiệm, bằng suy tư, trăn trở, bằng sự so sánh giữa mình và người khác, bằng sự quan sát một cách tinh tế cuộc sống và những người chung quanh mình. Không xác định thái độ đúng mực thì công việc trở nên vô hồn, thậm chí rơi vào đơn điệu, nhàm chán, nhạt nhoà. Không xác định thái độ đúng mực, mắt sẽ không "sáng", tai sẽ không "thính", đầu sẽ "trống rỗng". Và khi ấy, bút sẽ không "sắc", ảnh sẽ "mờ", giọng sẽ "nhạt"...
Giá trị tạo ra thêm giá trị là nhờ tính lan toả của nó. Đối với nhà báo, do đặc điểm chức năng nghề nghiệp của mình, tính lan toả càng nhanh, càng rộng. Như vậy, khi đứng trước bản thảo một bản tin, một chuyên mục, một bài báo, một khuôn hình, người làm báo đứng trước hai sự lựa chọn. Một là, đơn thuần là kể lại một câu chuyện từ cuộc sống; hai là, từ câu chuyện đó để đánh thức những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, mặc dù bản thân câu chuyện đó là những mảng mờ, đốm tối.
Phép biện chứng chỉ ra rằng, trong mỗi sự vật, hiện tượng và kể cả con người đều có hai mặt đối lập hoà quyện vào nhau, khó cân phân rạch ròi như hai mặt của đồng xu. Cảm xúc tiêu cực thường lan toả nhanh hơn, sâu hơn và lưu lại lâu hơn trong ký ức con người, nhất là lại còn bị chi phối bởi quy luật "tâm lý đám đông". Mạng xã hội, một loại báo chí phi chính thức đã minh chứng điều đó. Đừng để cảm xúc tiêu cực bất chợt lúc nào đó trong người làm báo dẫn dắt và làm bùng lên cảm xúc tiêu cực trong xã hội. Đằng sau một tác phẩm báo chí là cả một đám đông, đám đông đó có những con người hôm nay và cả con người của tương lai. Vậy, phải làm sao để mặt tích cực lấn áp mặt tiêu cực trong đám đông ấy, những con người ấy, làm sao để mọi người thêm tin yêu cuộc sống này, để làm việc tốt hơn, sản xuất, kinh doanh tốt hơn, học tập tốt hơn.
Cuộc sống đâu hoàn hảo và mãi mãi không thể hoàn hảo. Trách nhiệm của mỗi người chúng ta là góp phần làm cho cuộc sống mỗi ngày hoàn hảo hơn và chúng ta tự hào trong cái "hoàn hảo hơn" đó có "bóng dáng" của mình. Quê hương chúng ta có được vị thế hôm nay cũng là nhờ bao nhiêu thế hệ đi trước "đắp nền" để qua năm tháng được "hoàn hảo hơn". Tuy nhiên, con đường đi đến thịnh vượng con xa lắm, gập ghềnh lắm! Con đường đó chắc chắn không trải bằng "hoa hồng" mà bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của bao thế hệ người, trong đó có mỗi người chúng ta. Chúng ta vừa đi vừa dọn dẹp chướng ngại vật, những điều "chướng tai, gai mắt", nhưng đồng thời vừa đi cũng vừa trồng thêm những "luống hoa", tạo thêm những "bóng râm" cho người đi sau. Chúng ta không thể lầm lũi một mình, mà phải nắm tay nhau cùng tiến về phía trước bằng những bước chân vững chãi, bằng niềm tin rằng "những việc gì người khác làm được thì mình chắc chắn làm được, thậm chí là làm tốt hơn".
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng là thuộc tính của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Tốc độ nhanh đó được minh chứng rằng, cái mới chưa kịp định hình thì cái mới hơn nữa đã xuất hiện. Sự thay đổi đó tác động đến từng ngõ ngách của cuộc sống, không loại trừ bất kỳ ngành, nghề nào. Nhiều khái niệm, quan niệm được mở rộng hoặc bị thay thế bằng khái niệm mới, quan niệm mới. Báo chí truyền thống đang song hành cùng "Báo chí 4.0, nhà báo "có thẻ" song hành cùng nhà báo "xã hội".
Đứng trước sự thay đổi, mỗi người muốn không bị bỏ lại phía sau thì không có cách nào khác là phải học, học suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi, mọi người. Học gì thì học, nhưng một lần nữa chúng ta cần xác định "thái độ" mới là yếu tố quyết định thành công, thành công không chỉ trong công việc và cả trong cuộc sống, trong mỗi chúng ta.
Nhân ngày Nhà báo Việt Nam, chúc đội ngũ nhà báo đất Sen hồng luôn tràn đầy năng lượng để làm nghề, làm công dân đất Sen hồng bằng "tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn".
Bí thư Tỉnh uỷ
Lê Minh Hoan