Hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 14/03/2024 16:40:03

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240314044105DT2-2.mp3

 

ĐTO - Qua 3 năm thực hiện Kết luận số 245 ngày 23/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là Kết luận số 245) đạt nhiều kết quả tích cực. Tiêu biểu là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.


Nâng cấp, mở rộng đường giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Hồng Ngự

Theo đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 245 với 37 chỉ tiêu, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 5 nhiệm vụ cụ thể thực hiện Kết luận số 245. Trong đó, lồng ghép các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến phát triển của khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, tạo được sự đồng bộ, nhất quán trong xây dựng và phát triển khu vực biên giới.

Sản xuất nông nghiệp khu vực biên giới tiếp tục phát triển theo đúng định hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng, gia tăng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt được kết quả tích cực, các ngành hàng chủ lực tiếp tục phát triển. Ngành hàng lúa phát triển ổn định theo chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu. Sản lượng lúa duy trì tương đối ổn định qua các năm, năm 2023 ước đạt trên 672 ngàn tấn, đóng góp 20,2% vào tổng sản lượng lúa cả tỉnh. Trong đó, lúa chất lượng ước đạt gần 464.700 tấn (tăng 10,5% so với năm 2020).

Thống kê của ngành chức năng tỉnh cho thấy, năm 2023, đối với khu vực biên giới, diện tích áp dụng GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) trên lúa là 158ha, diện tích được cấp đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên lúa là 1.914ha; đã thực hiện cấp 67 mã số vùng trồng cho hơn 17.800ha lúa. Ngành thủy sản phát triển khá tốt, phục hồi sau đại dịch Covid-19 (năm 2021), đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt trên 246.000 tấn, đóng góp 38,2% vào tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh. Trong đó, sản lượng cá tra chiếm tỷ trọng lớn với 78%, ước đạt 192.000 tấn, tăng trưởng bình quân 3 năm (2021 - 2023) đạt 16%/năm. Tốc độ phát triển ngành thủy sản khá đồng đều tại 3 địa phương, riêng huyện Tân Hồng tiếp tục duy trì mức đóng góp vượt trội hơn với tỷ trọng 50%.

Kinh tế tập thể ở vùng biên giới tiếp tục phát triển, phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động tương đối hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên cùng người dân trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2023, khu vực biên giới có 41 hợp tác xã, tăng 4 hợp tác xã so với năm 2020, trong đó, có 35 hợp tác xã nông nghiệp và 146 tổ hợp tác.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, năm 2023, khu vực biên giới ước tính có thêm 3 xã được công nhận, nâng tổng số lên 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt mục tiêu 5 năm đề ra). Công tác thúc đẩy khởi nghiệp tại khu vực biên giới diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động thiết thực, nổi bật như: thành lập Chi hội Doanh nhân trẻ TP Hồng Ngự, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp khu vực TP Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng. Các dự án khởi nghiệp được đánh giá cao tại các cuộc thi, tiêu biểu là Dự án Lạp xưởng cá lóc (huyện Tân Hồng) đạt giải Nhất; Dự án chế tạo máy nén thức ăn (huyện Hồng Ngự) đạt giải Nhì; Dự án sản xuất phân hữu cơ trùn quế (huyện Tân Hồng) đạt giải Khuyến khích... cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp.

Việc hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ đạt được kết quả quan trọng. Qua 3 năm (2021 - 2023), các đơn vị hữu quan đã hỗ trợ cho 40 lượt cơ sở thiết kế và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thông thường của 3 huyện, thành phố với tổng kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân vùng biên giới.

DŨNG CHINH

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn