Hiểu sớm và hiểu sâu
Cập nhật ngày: 22/05/2019 16:59:12
Hiểu là cơ sở của hành động. Hiểu sớm và hiểu sâu giúp người ta hành động kịp thời và khoa học. Người thành công do hiểu sớm và hiểu sâu. Từ ý nghĩa ấy, việc tìm hiểu thêm về hiểu sớm và hiểu sâu là rất cần thiết.
Hiểu hay biết hoặc ghép lại hiểu biết là khái niệm biểu thị sự nhận thức của con người về một đối tượng nào đó. Hiểu sớm khác với trạng thái hiểu muộn màng và hiểu sâu là bước tiến lớn so với hiểu nông cạn, hời hợt. Nói hiểu sớm và hiểu sâu là diễn đạt sự mong muốn chủ quan và đề cập đến những vấn đề giản đơn, hiển nhiên, cái điều rõ ràng “mười mươi” hay việc: “Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu”.
Thật ra, hiểu sớm và hiểu sâu là cả một quá trình. Có thể ở thời kỳ trước đây, ta cho điều ấy là đúng nhưng bây giờ thì không phải vậy nữa và ngược lại. Đôi khi, con người không hiểu nỗi về một hiện tượng nào đó. Chẳng phải dân gian ta đã từng lưu ý: “Dò sông, dò bể dễ dò. Có ai lấy thước mà đo lòng người”. Có những trường hợp cả đời mới “ngộ” ra. Rõ ràng, hiểu sớm và hiểu sâu không dễ dàng chút nào. Và cũng chính lý do đó, việc hiểu sớm và hiểu sâu mới có ý nghĩa.
Nó càng có ý nghĩa hơn ở cái tính chất, giá trị và phạm vi của sự việc ấy đối với con người và xã hội. Đối với một người, việc hiểu hoặc không hiểu sớm và hiểu sâu có thể làm cho người ta túng thiếu hay giàu có, sống hay chết, vinh hay nhục. Đối với một địa phương hay quốc gia, nhóm lãnh đạo có hiểu hoặc không hiểu sớm và sâu sẽ hình thành các quyết sách mà từ đó làm cho địa phương hay quốc gia ấy thì nghèo đói hay thịnh vượng, tụt hậu hay phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: cán bộ phải biết lo trước cái lo của thiên hạ. Sự lưu ý này cũng là một trong những biểu hiện của việc hiểu sớm và hiểu sâu để có hành động trước.
Thực tế cho chúng ta thấy, một số nước sớm hóa “rồng” bởi chính người lãnh đạo nhận thức được đặc điểm đất nước và dân tộc của họ, phát hiện được xu thế của thời đại nên đã có những quyết sách đúng đắn, mềm dẻo và tổ chức thực hiện với một khát vọng trong sáng, quyết tâm cao. Thấu hiểu những thách thức đối với toàn cầu đang nổi lên như thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh, nghèo đói, bất bình đẳng, xung đột..., lãnh đạo của các nhóm quốc gia đã xây dựng các tiêu chí để định hướng cho đất nước mình phát triển bền vững, hạnh phúc. Ngược lại, một số quốc gia bị loay hoay trong các cuộc thử nghiệm và hậu quả là lỡ chuyến hành trình...
Đa số những người học lý luận chính trị đều thấm nhuần lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân” nhưng trong nhiều khâu của quá trình giáo dục, chúng ta đều làm ngược lại. Ngoài ra, một số lĩnh vực được xem là “quốc sách” thì xếp vào hàng cuối bảng. Ở vài trường hợp khác, sự hiểu cũng bị lổ hỏng tương tự. Ví như: Kinh tế thị trường bị lên án là xấu xa, Nhà nước pháp quyền thì cho là mị dân... Cần lưu ý thêm, có khi “sai một ly, đi một dậm”.
Giờ đây, chúng ta bắt đầu hiểu được những giá trị, tính ưu việt và cả mặt hạn chế của nó để có thể điều chỉnh theo định hướng tốt đẹp hơn. Toàn cầu hóa về mặt kinh tế kéo theo sự hội nhập một cách toàn diện và sâu sắc về mọi mặt, cộng với tiến trình của cuộc cách mạng công nghiệp (4.0) đã làm cho hành tinh này đổi khác. Chỉ riêng xu hướng của công nghệ 4.0, chúng ta sẽ thấy mọi thứ và mọi người đang vận động nhanh chóng; người nào dừng lại hoặc chỉ cần đi chậm sẽ là người thua thiệt. Theo một nghĩa nào đó, thế giới mà chúng ta sống đã trở thành “ngôi nhà chung”. Chúng ta hiểu sớm và hiểu sâu xu hướng này để chủ động tham gia chứ không chỉ thích nghi, thích ứng.
Về “tiểu cuộc”, có rất nhiều điều buộc ta phải suy ngẫm. Do không hiểu sớm và hiểu sâu, một số người rơi vào trạng thái tuyệt vọng hoặc hay phàn nàn về những việc đã “lỡ”. Chính sự ân hận cũng là trạng thái của sự không hiểu sớm và hiểu sâu, nhất là chưa thấu hiểu các quy luật của cuộc đời. Chẳng hạn, ai cũng có thể hiểu ăn cắp là xấu, vượt đèn vàng là vi phạm giao thông, giết người là tàn bạo và phải bị xử lý nhưng không phải ai cũng đã hiểu sâu về những hậu quả sau này của việc làm ấy, nhất là khi bước vào vòng lao lý. Lúc ấy, người vi phạm mới thấm thía câu: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Tương tự, ai cũng có thể nói: “sức khỏe quý như vàng” nhưng chắc chắn khi đứng bên bờ vực của “tử thần” mới hiểu ra sự hơn vàng của sức khỏe. Hay ai cũng biết uống rượu quá độ, hút thuốc lá, nghiện ma túy... là có hại; nên ăn uống điều độ, năng vận động cơ thể... để đảm cuộc sống vui, khỏe... nhưng đâu phải ai cũng làm được.... Rất nhiều câu chuyện quanh ta trở thành bài học hữu ích đối với việc hiểu sớm và hiểu sâu. Để có thể hiểu sớm và hiểu sâu, chúng ta phải học, đọc, lắng nghe, phân tích với một tinh thần cầu thị.
Không quá khi nói rằng, người Đồng Tháp đã hiểu sớm và hiểu sâu về nhiều vấn đề để đưa quê hương mình theo nhịp bước của thời đại. Trong những năm gần đây, chỉ riêng việc xây dựng chính quyền năng động và tái cơ cấu nền kinh tế đã khơi dậy những tiềm lực còn ẩn chứa. Lãnh đạo tỉnh đã có lý khi tin tưởng vào tương lai của quê hương: “Vững nội lực sen hồng tỏa sắc. Đón vận hội Đồng Tháp vươn xa” hay cũng có thể diễn đạt rằng: Tích nội lực, Sen hồng tỏa sắc. Đón thời cơ, Đồng Tháp thăng hoa.
Hiểu sớm và hiểu sâu là việc cần phải làm trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong lĩnh vực mà ta đang đảm trách. Ngoại trừ những vấn đề cần có độ thời gian nhất định để thấu hiểu, những việc “rõ như ban ngày” cần phải hiểu sớm và hiểu sâu.
Dân Biện