Hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh phát huy hiệu quả

Cập nhật ngày: 07/03/2023 10:32:59

ĐTO - Thực hiện Quy chế hoạt động, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Đồng Tháp (viết tắt BCĐ Cuộc vận động) chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện Cuộc vận động mang lại nhiều kết quả thiết thực. BCĐ Cuộc vận động phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận thường xuyên tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến các ngành, các cơ quan, các doanh nghiệp và người tiêu dùng, thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt Hội quán, Tổ Nhân dân tự quản... Đồng thời vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, các cơ sở khởi nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu bảo đảm chất lượng, sản xuất hàng hóa Việt an toàn, đủ sức cạnh tranh, chinh phục người tiêu dùng. Đặc biệt tuyên truyền đến người tiêu dùng khi phát hiện hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái nhãn mác, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm... kịp thời báo cáo đến các cơ quan chức năng xử lý.


Đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh (thứ 2, từ trái sang) tham quan, tìm hiểu các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh tại TP Hồ Chí Minh

BCĐ Cuộc vận động thường xuyên phối hợp vận động doanh nghiệp mở rộng, phát triển thị trường qua các hình thức tổ chức hội chợ, triển khai chương trình khuyến mãi hàng Việt nhằm kích cầu tiêu dùng, nhất là vào dịp lễ, Tết. Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển thị trường, BCĐ Cuộc vận động chú trọng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động kết nối thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Theo đó, đối với thị trường trong nước, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp được phục hồi và tăng trưởng trở lại. Ngành thương mại năm 2022 ước đạt khoảng 8.400 tỷ đồng (tăng hơn 10%) so với năm 2021. Tình hình hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, các đơn vị kinh doanh thương mại đã tập trung triển khai tốt việc dự trữ, khai thác nguồn hàng, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh. Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong tỉnh, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi...) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt gần 109.000 tỷ đồng (tăng 20% so với năm trước).

BCĐ Cuộc vận động phối hợp tổ chức “Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp tại TP Hồ Chí Minh”, không gian trưng bày đã giới thiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp gồm: các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đạt an toàn thực phẩm, sản phẩm có tiềm năng cung ứng cho các kênh phân phối trong nước, xuất khẩu.... Điểm nhấn của tuần hàng đặc sản nói trên là trình diễn và dùng thử các món ăn từ cá, sen, xoài, bột Sa Đéc. Tại đây có hơn 300 sản phẩm của hơn 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản suất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong khuôn khổ “Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp tại TP Hồ Chí Minh”, còn có Hội nghị kết nối tiêu thụ hàng hóa Đồng Tháp giữa doanh nghiệp Đất Sen hồng với các nhà phân phối lớn tại TP Hồ Chí Minh. Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hội quán tỉnh Đồng Tháp cùng với các đơn vị phân phối lớn tại TP Hồ Chí Minh đã giao lưu, trao đổi, liên kết hợp tác đầu tư, kinh doanh và quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong thời gian tới. Đáng ghi nhận, tỉnh Đồng Tháp còn khai trương Cửa hàng đặc sản tại TP Hồ Chí Minh, cửa hàng là nơi trưng bày và bán khoảng 200 mặt hàng đặc sản Đồng Tháp của 40 doanh nghiệp.

Để hỗ trợ, thúc đẩy việc phát triển ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, BCĐ Cuộc vận động phối hợp tổ chức 3 hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh như: Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP”; tổ chức Tuần hàng sản phẩm OCOP Đồng Tháp trên sàn thương mại điện tử; thực hiện chương trình Livestream quảng bá sản phẩm OCOP Đồng Tháp trên trang Fanpage truyền hình Đồng Tháp. BCĐ Cuộc vận động tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức 3 hội nghị “Gặp gỡ kết nối cung - cầu nông sản” năm 2022 tại 3 cụm thi đua trong tỉnh. Tại hội nghị, các địa phương tham gia trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, OCOP để các doanh nghiệp, nhà phân phối, siêu thị và hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở khởi nghiệp trao đổi thông tin về nhu cầu, điều kiện cần để các sản phẩm nông sản có thể tham gia các chuỗi bán hàng, định hướng người sản xuất đổi mới trong quy trình sản xuất, đóng gói, bao bì, chất lượng sản phẩm và sản lượng hiện có để trao đổi thông tin, tìm hiểu lẫn nhau. Sau hội nghị có 13 doanh nghiệp, nhà phân phối tiến hành ký 43 bảng ghi nhớ với cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tiếp tục tìm hiểu, trao đổi thông tin và hướng tới ký kết hợp đồng mua - bán chính thức trong thời gian tới.

Đối với thị trường nước ngoài, kinh tế thế giới dần hồi phục và trở nên sôi động sau dịch Covid-19, từ đó hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh cũng ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: thủy sản, gạo, bánh phồng tôm, giày da... đều đạt được mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đặc biệt 2 mặt hàng thủy sản và gạo (chiếm khoảng 80% giá trị xuất khẩu). Xuất khẩu nông sản tươi cũng ghi nhận bước tiến mới khi lô xoài đầu tiên của tỉnh đã được xuất khẩu thành công sang thị trường Châu Âu. Đồng thời tiếp cận ngày càng nhiều thị trường giàu tiềm năng như: EU, Nhật, hàn Quốc, Úc... Vì thế, cơ cấu thị trường xuất khẩu không có nhiều biến động, kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vẫn đến từ thị trường châu Á (hơn 50%); theo sau là thị trường Châu Mỹ (gần 32%); Châu Âu (10%), còn lại là các thị trường khác. Song song đó, hoạt động xuất khẩu của tỉnh có nhiều thuận lợi và đạt mức tăng trưởng cao, hầu hết các mặt hàng đều có giá trị xuất khẩu cao hơn so với năm trước, cụ thể: thủy sản tăng 37,98%, gạo tăng 34,08%, sản phẩm may mặc tăng 39,9% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 1.729 triệu USD, tăng 35,15% so với năm 2021.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn