Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”
Cập nhật ngày: 27/02/2023 12:38:25
ĐTO - Sáng ngày 27/2, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” bằng hình trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp
Dự tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, nhà nghiên cứu khoa học. Tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp, đồng chí Huỳnh Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, văn nghệ sĩ tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời vào tháng 2/1943 được xem là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là 1 trong 3 mặt trận: chính trị, kinh tế, văn hóa. Trải qua 80 năm, Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn giữ nguyên vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Vì vậy, Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” là dịp để tôn vinh, nhận thức sâu sắc hơn giá trị lịch sử, chính trị, khoa học và tầm vóc dài hạn của Đề cương văn hóa Việt Nam trong tiến trình phát triển của nền văn hóa và sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Từ đó tìm ra những định hướng, giải pháp khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới. Qua đó, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và cụ thể hóa lộ trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030...
Tại hội thảo, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tạp chí cộng sản, các nhà nghiên cứu khoa học, đại diện tỉnh, thành phố tham gia trình bày nhiều tham luận về các nội dung: Đề cương văn hóa Việt Nam - Nền tảng lý luận và động lực phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; Sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở Việt Nam; Phát huy giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; Vận dụng tư tưởng Đề cương văn hóa Việt Nam tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Đồng thời, đại biểu các điểm cầu được nghe phiên thảo luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, tập trung phân tích bối cảnh ra đời, giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương văn hóa Việt Nam, góp phần tạo động lực phát triển văn hóa, xây dựng con người theo hướng bền vững. Theo các đại biểu, trước những biến động của bối cảnh lịch sử và các yêu cầu phát triển mới, Đề cương văn hóa Việt Nam đã được vận dụng, kế thừa, bổ sung, hoàn thiện trong hệ thống các văn kiện của Đảng về văn hóa. Cụ thể là quá trình chuyển dịch từ 3 nguyên tắc: dân tộc, đại chúng, khoa học của nền văn hóa cách mạng, cho đến các giá trị văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế vẫn là một trong những vấn đề cơ bản của đất nước giai đoạn mới. Do vậy, muốn phát triển bền vững đất nước, không chỉ văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, mà phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người - tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững…
P.L