Kết quả bước đầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cập nhật ngày: 07/06/2013 06:18:02

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm: nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo các cấp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.


Quan tâm, khen thưởng giáo viên, học sinh, sinh viên đạt thành tích cao

UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch về thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Tháp năm 2012 - 2015. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.

Trong năm qua, công tác giáo dục và đào tạo được đầu tư phát triển toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục từ cấp Mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên (GDTX). Trong đó, quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe và nuôi dạy trẻ; phương pháp dạy và học tích cực đổi mới công tác kiểm tra đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất... Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và hiệu quả đào tạo các cấp học phổ thông được nâng lên, số lượng thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học tăng lên theo từng năm...

Hệ thống đào tạo các cấp được xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập; quy hoạch, sắp xếp các trường nghề theo khu vực, triển khai xây dựng mô hình trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng, xây dựng đề án sáp nhập Trung tâm GDTX và Trung tâm dạy nghề; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng giáo viên dạy nghề bằng nhiều hình thức.

Các cấp ủy, chính quyền thường xuyên chăm lo công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong năm 2012, đào tạo cho 1.332 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trình độ từ trung cấp trở lên bồi dưỡng ngắn hạn cho 6.686 người theo 17 lĩnh vực, trong đó 4.500 CBCCVC cấp xã. Chương trình mekong 1000, giai đoạn 1 (2006-2012) đã thực hiện 45/50 chỉ tiêu, đạt 90% kế hoạch. Từ năm 2013, sẽ không tuyển dụng mới CBCC chưa đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.

Tỉnh cũng quan tâm đào tạo, dạy nghề cho cán bộ quản lý, lực lượng lao động kỹ thuật ở các hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất, xã điểm nông thôn mới, trong đó lĩnh vực kinh tế tập thể đã đào tạo, bồi dưỡng cho 2.795 người theo nhu cầu phát triển ngành nghề của địa phương, đơn vị (cấp tỉnh).

Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên như chương trình học bổng, hỗ trợ học phí, xây dựng nhà ở sinh viên tập trung...

Những nỗ lực trên bước đầu đạt kết quả tích cực. Số lượng CBCC có trình độ ngày càng cao, trình độ người lao động đáp ứng cơ bản nhu cầu tuyển dụng trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng, chính quyền từng lúc, từng nơi chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này, công tác phối hợp tham mưu, đề xuất giữa các ngành có lúc còn thiếu đồng bộ nên hiệu quả mang lại chưa cao...

Thời gian tới, việc tuyên truyền quán triệt Nghị quyết cần tiếp tục được tập trung nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Kim Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn