Khai mạc Phiên toàn thể “Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024”

Cập nhật ngày: 15/03/2024 16:30:19

ĐTO - Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024, chiều ngày 15/3, tại Khách sạn Rex (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Phiên toàn thể “Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024”.

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang - Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; thành viên Ban Tổ chức Hội báo toàn quốc năm 2024; cùng các chuyên gia truyền thông, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong nước.


Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (bìa trái) dự Phiên toàn thể “Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024”

Phát biểu chào mừng đại biểu dự phiên toàn thể, đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cảm ơn Ban Tổ chức đã chọn TP Hồ Chí Minh là đơn vị đăng cai Hội báo toàn quốc năm 2024 với rất nhiều hoạt động, diễn đàn báo chí hấp dẫn, thu hút đông đảo chuyên gia, các cơ quan báo chí cả nước tham gia. Đây là cơ hội để TP Hồ Chí Minh quảng bá hình ảnh và những thành tựu phát triển trên các lĩnh vực.

Đồng chí Phan Văn Mãi cũng cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ truyền thông và góp ý của cơ quan báo chí trong sự phát triển của thành phố thời gian qua. Đồng thời mong muốn, đội ngũ những người làm báo bằng kinh nghiệm thực tiễn, hiểu biết trong quá trình tác nghiệp sẽ tiếp tục có những góp ý, chỉ ra “điểm nghẽn”, đề xuất giải pháp góp phần giúp TP Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xứng tầm là vùng kinh tế trọng điểm của Quốc gia.


Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại phiên toàn thể

Tại Phiên toàn thể “Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024”, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, công nghệ số phát triển đang ảnh hưởng mạnh mẽ và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực báo chí, truyền thông. Điều này đòi hỏi báo chí phải đổi mới để thích nghi và tồn tại. “Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, lực lượng, nguồn lực sản xuất mới, đó là công nghệ số. Do vậy, đầu tư vào công nghệ số là đầu tư vì tương lai của báo chí. Những khó khăn, thách thức, công nghệ số, internet và truyền thông xã hội là những cơ hội để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.


Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày chuyên đề “Báo chí Việt Nam - thách thức và cơ hội”

Để giúp đại biểu có cái nhìn tổng quan hơn về thách thức và yêu cầu đổi mới báo chí, đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày chuyên đề “Báo chí Việt Nam - thách thức và cơ hội”. Chuyên đề là kết quả của cuộc khảo sát báo chí Việt Nam năm 2023 do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam và Cục Báo chí, Cục Phát thanh và Truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp thực hiện với sự tham gia của 223 cơ quan báo chí (báo, tạp chí, phát thanh và truyền hình) trong nước.

Trong đó, đồng chí Lê Quốc Minh chỉ ra những số liệu thu thập về quy mô tòa soạn, độ tuổi trung bình trong cơ quan báo chí, biến động doanh số phát hành (so với năm 2022), lượt truy cập và lượng độc giả trên website, các nền tảng số. Cùng với đó là các vấn đề nguồn thu, khó khăn và những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển cơ quan báo chí. Từ những kết quả khảo sát, chuyên đề cũng chỉ ra sự phát triển của công trí tuệ nhân tạo AI trong hoạt động báo chí, tạo nên sự cạnh tranh thông tin và cơ hội để các cơ quan báo chí truyền thống đổi mới, phát triển bền vững...

Sau phiên toàn thể, đại biểu tham dự các phiên thảo luận với nhiều chuyên đề như: “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí”; “ Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”;  “Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội”. Báo Đồng Tháp online tiếp tục thông tin diễn biến các phiên thảo luận nói trên.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn