Khát vọng

Cập nhật ngày: 04/10/2021 16:38:51

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211004044231khatvong23sd.mp3

ĐTO - Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Từ mỗi cá thể người đến tầm cỡ quốc gia và từ một hành vi vụn vặt đến những hoạt động lớn lao của con người. Theo đó, mỗi người có bước chuyển căn bản trong nhận thức và tình cảm. Người ta nói đến sống chậm, sống vị tha khi nghĩ về sự vô thường của đời người với quy luật “cát bụi trở về với cát bụi”. Và từ đây, hai tiếng “bình an” mang âm hưởng tiêu cực đã và đang “xâm thực” trong xã hội của chúng ta. Mặc dù chưa phải là dòng nhận thức chủ đạo, nhưng “tiếng than” ấy sẽ cản đường đối với dân tộc đang có nguyện vọng cháy bỏng về xây dựng một xã hội thịnh vượng và hạnh phúc. Nhận ra mạch ngầm khát vọng cuộc sống sẽ giúp chúng ta có đủ dũng khí vươn tới bình an chứ không rơi vào trạng thái “cầu an” và bất lực.

Khát vọng là mong muốn làm được, đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống. Khi con người có khát vọng, nó sẽ là động lực thôi thúc con người ta sống, nỗ lực để đạt đến điều đó. Khát vọng có các cấp độ và tính chất. Có loại khát vọng sâu xa và cháy bỏng. Từ bản năng và môi trường xã hội, con người luôn có khát vọng. Đây là nguồn cội kích hoạt mỗi người, cộng đồng và dân tộc làm được những chuyện “như mơ”. Chính khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và “sánh vai với các cường quốc năm châu” nên đất nước ta mới “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Kết quả của sự nghiệp vĩ đại ấy được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, máu sông, xương núi của các thế hệ người Việt. Chỉ mong ước “bình an” mà được thế sao. Để có đủ ăn, đủ mặc rồi ăn ngon, mặc đẹp, mỗi người phải trải qua biết bao gian khổ trong tìm kế sinh nhai. Để đến bến bờ tri thức, người học phải trải qua bao nhọc nhằn, “lao tâm, khổ tứ”. Để biết một ngoại ngữ, người đam mê phải lượm từng chữ, ráp từng vần. Có thể hình dung về trường hợp cụ thể gần đây nhất để dễ hiểu, bằng việc dày công thí nghiệm, thực nghiệm với nhiều đối tượng khác nhau theo các tiêu chí khoa học nghiêm ngặt nhất, các nhà khoa học mới tạo nên loại vaccine chất lượng. Chỉ tổ chức “cầu siêu”, cầu nguyện” mà thành được sao. Như vậy, khát vọng là một cuộc hành trình. Và nếu hiểu đầy đủ, “hạnh phúc là đấu tranh” đúng như Marx đã từng nói.

Hiện nay, dẫu mỗi người hay quốc gia có được thế và lực mới, nhưng phần lớn hộ gia đình nói riêng và quốc gia nói chung vẫn trong tình trạng mức thu nhập trung bình thấp và đang đối mặt với những khó khăn, trở ngại, thách thức cùng những nguy cơ từ bên trong và bên ngoài làm cho chúng ta có thể bị tụt hậu xa hơn so cộng đồng và các nước khu vực. Đại dịch lại là một trong những tác nhân chồng chất thêm khó khăn. Trong tình thế này, khát vọng, nỗ lực phải được nhân đôi cùng với giải pháp, biện pháp thích hợp, thông minh.

Nhìn về quá khứ và hướng mắt chung quanh, chúng ta bắt gặp nhiều cá nhân, tổ chức và dân tộc khác đang nung nấu khát vọng. Trước đây, mục sư Martin Luther King, một trong những người da đen Mỹ rất có cảm tình và ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam chống xâm lược Mỹ, đã nói: Tôi có một giấc mơ. Giấc mơ của ông là xóa nghèo đói, dốt nát, sự kỳ thị chủng tộc... và từ tấm gương hoạt động không mệt mỏi, ngay cả đánh đổi sinh mạng của mình, cộng động của ông đã tạo bước chuyển lớn trên hành trình tự do, dân chủ trên đất nước ấy. Tuy thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống nước Mỹ vừa rồi, cựu Tổng thống Donal Trump đã gửi đến những người ủng hộ của mình với thông điệp: Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Tương tự như vậy, bên bờ phương Đông, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa Tập Cận Bình đã kêu gọi toàn đảng, toàn quân và thế hệ trẻ của đất nước ông phải hiện thực hóa giấc mơ về phục hưng dân tộc Trung Quốc. Với khoa học hiện đại và công nghệ tiên tiến, một vài tổ chức và công ty đã có các dự án đưa con người tham quan khoảng không vũ trụ; tạo ra xe chạy bằng điện, xe bay, xe không người lái, robot thay thế người lao động; xây dựng nhà máy thu khí CO2 để giảm mức độ gia tăng sự nóng lên của khí quyển. Gần đây nhất, Time Magazine đã bình chọn nữ vận động viên thể dục dụng cụ Sunisa Lee đưa vào Danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Sunisa Lee vừa tròn 18 tuổi, người Mỹ gốc Hmong đã đoạt Huy chương vàng Olympic Tokyo 2020. Tấm gương của cô đã truyền cảm hứng cho cộng đồng người Hmong cũng như mọi người cùng cảnh ngộ trên thế giới với khuyến nghị về ước mơ lớn bởi mọi thứ đều có thể. Từ khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc, cả dân tộc Việt Nam đã “lên đường” và đang trên con đường lớn. Giờ đây, hướng đến năm 2045, “Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” càng thúc giục chúng ta tiến bước nhanh chân. “Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta” như Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác quyết.

Chính khát vọng cháy bỏng cùng với phương pháp thích hợp có thể đưa một người, một cộng đồng hay dân tộc làm nên sự nghiệp vinh quang. Khát vọng thôi thúc hành động kiên trì, mạnh mẽ, gan góc và có cả sự hy sinh. Khát vọng bình an nhưng tuyệt nhiên không phải là cầu an, an phận, một sự sắp đặt, an bài của ai đó. Khát vọng là một cuộc hành trình với đầy đủ cay đắng ngọt bùi để làm người và làm cho đời mãi mãi xanh tươi, bền vững.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn