Khi Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã

Cập nhật ngày: 16/12/2013 06:20:39

Là một trong những địa phương được chọn làm điểm mô hình “nhất thể hóa” chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, Đảng ủy, UBND xã Tân Thạnh (huyện Thanh Bình) đã chủ động, thống nhất trong việc quyết định những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả. Song bên cạnh đó, vẫn còn đôi điều trăn trở.


Xã Tân Thạnh có hướng phát triển nghề nuôi bò vỗ béo

Phát huy thế mạnh nông nghiệp, từ các nguồn vốn khác nhau, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi. Đến nay, các trạm bơm điện đã phục vụ nước tưới tiêu hơn 83% diện tích trồng lúa. Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Tân Tiến được củng cố, kiện toàn; đang thành lập một HTXNN mới. Địa phương có hướng phát triển mô hình nuôi bò vỗ béo, tiến tới thành lập Tổ nuôi bò vỗ béo. Mô hình này đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Hiện xã còn 11,18% hộ nghèo, giảm hơn 2,7% so với năm trước. Đời sống nhân dân được cải thiện; trên 97% hộ dân đạt gia đình văn hóa; huy động trẻ ra lớp hàng năm đạt 100%.

Việc một người “giữ hai vai” đã phát huy được tính chủ động trong công tác điều hành cả hệ thống chính trị. Sự đoàn kết của cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên; kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, nhất là vai trò, trách nhiệm của các đồng chí cấp phó cao nên công việc diễn ra thuận lợi, giúp đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã hoàn thành nhiệm vụ.

Mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã giúp việc điều hành các hội nghị, các cuộc họp đạt hiệu quả hơn. Nhiều nội dung đề xuất, kiến nghị được giải quyết kịp thời. Về nhận nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh chưa lâu nhưng đồng chí Nguyễn Văn Phương cho rằng: Khi Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã thì công việc giải quyết nhanh, kịp thời, hiệu lực hơn, không qua nhiều cấp, mất thời gian. Nếu có vấn đề nảy sinh trong thẩm quyền, Bí thư đồng thời là Chủ tịch quyết định xử lý và chịu trách nhiệm. Trường hợp đặc biệt có thể họp Đảng ủy để xin chủ trương. Như vậy, sự điều hành, quản lý luôn nhanh chóng, thuận lợi.

Công tác phân công nhiệm vụ tới từng khối, ngành và cán bộ (có quy định thời hạn hoàn thành) được thực hiện. Tránh được tình trạng đùn đẩy, chồng lấn hoặc không rõ trách nhiệm, phát huy tốt hơn tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ cơ sở; tạo sự thống nhất, liên thông trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giữa tổ chức đảng, UBND, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song theo đồng chí Nguyễn Văn Phương, cùng một lúc đảm nhiệm hai nhiệm vụ chủ chốt, áp lực công việc rất lớn. Nhiều cuộc họp do Huyện ủy và UBND huyện triệu tập đích danh, nên bị trùng hay phải đi họp cả hai nơi tốn nhiều thời gian.

Qua tìm hiểu ở một số địa phương khác trong tỉnh được thí điểm mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, cũng do công việc quá nhiều nên có lúc chức năng Bí thư cấp ủy trong công tác cán bộ bị hạn chế, chức năng quản lý điều hành của Chủ tịch bị chi phối, nhất là việc đi sâu, đi sát, nắm bắt tình hình cơ sở. Chế độ, chính sách đối với chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã cũng như với đội ngũ cán bộ ở mặt nào đó vẫn chưa phù hợp...

Để khắc phục những vấn đề còn khó khăn, hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu và có các văn bản hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền khi họ giữ “một vai, hai gánh”; xây dựng các cơ chế, quy chế quản lý, kiểm tra, giám sát cụ thể, sát thực; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; phát huy tinh thần đoàn kết trong cán bộ, đảng viên. Và, điều không thể thiếu là phải có chế độ lương, phụ cấp phù hợp đối với đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch cũng như các Phó Bí thư, Phó Chủ tịch để các đồng chí có điều kiện, an tâm công tác.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn