Không hiểu pháp luật hay là lạm quyền
Cập nhật ngày: 10/08/2016 04:22:21
ĐTO - “Cường hào, ác bá” là tên gọi của nhân dân đặt cho những quan chức làng xã thời phong kiến, thực dân, đế quốc - những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn dù rất nhỏ nhoi đè đầu, cởi cổ dân đen.
Tưởng đâu bọn cường hào, ác bá đã bị chôn theo ách cai trị của phong kiến, thực dân, đế quốc, nhưng ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, XII đã nói: “Có sự xuất hiện trở lại của một bộ phận cường hào, ác bá thời phong kiến ở nông thôn trong thời kỳ văn minh này” khi bày tỏ bức xúc trước tình trạng lạm thu ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Không chỉ chuyện lạm thu ở Thanh Hóa. Mới đây, có chuyện một lão nông ở Quảng Nam xây chuồng nuôi vịt trong đất nhà bị xã phạt 1,5 triệu đồng vì sai mục đích sử dụng đất.
Trước đó, ở Cao Bằng có chuyện làm chuồng gà phải xin phép, ở TP.Hồ Chí Minh có người suýt bị khởi tố vì dựng chòi nuôi vịt.
Ở Đồng Tháp chưa nghe chuyện bi hài như vậy, nhưng đã có cán bộ chủ chốt xã bị kỷ luật vì thu, chi, lập quĩ trái phép từ nguồn đóng góp an sinh xã hội của nhân dân.
Cường hào ác bá thời nay đã biến tướng, nhưng bản chất vẫn vậy.
Nhức nhối câu hỏi: tại sao?
Trong khi theo qui định, khi bố trí cán bộ, phải căn cứ bằng cấp văn hóa, chính trị, chuyên môn; phẩm chất đạo đức, lịch sử chính trị, tín nhiệm của tập thể.
Trong khi có cả một hệ thống kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, giám sát, kiểm sát của cơ quan đảng, chính quyền, của nhân dân thông qua cơ quan cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Trong khi việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai sâu rộng; Nghị quyết 12 Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đạt kết quả tích cực.
Để ngăn ngừa, tiêu diệt tận gốc bọn cường hào, ác bá mới, không chỉ mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, vì nước vì dân mà các cơ quan chức năng, cụ thể là cán bộ thực thi chức trách nhiệm vụ của cơ quan chức năng cần nêu gương khi thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình.
Hữu Ý