Kinh tế - xã hội khu vực biên giới khôi phục và phát triển theo tình hình chung của cả tỉnh
Cập nhật ngày: 13/08/2024 11:42:14
ĐTO - Ngày 13/8, tại TP Hồng Ngự, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Kết luận số 245-KL/TU ngày 23/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Kết luận số 245-KL/TU). Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp và đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đại biểu dự hội nghị
Quán triệt quan điểm, chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch (KH) số 60/KH-UBND ngày 25/2/2022 thực hiện Kết luận số 245-KL/TU. Kế hoạch bao gồm 37 chỉ tiêu chủ yếu, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 5 nhiệm vụ cụ thể, trong đó, lồng ghép các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến phát triển của khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, qua đó, tạo được sự đồng bộ, nhất quán trong xây dựng và phát triển khu vực biên giới. Công tác triển khai, cụ thể hoá được thực hiện đồng bộ; bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo đó, UBND huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn khu vực biên giới và một số sở, ban, ngành tỉnh đã cụ thể hoá, triển khai bằng kế hoạch; một số cơ quan, đơn vị theo tính chất đặc thù đã thực hiện lồng ghép vào kế hoạch hằng năm của ngành để thực hiện.
Thực hiện Kết luận số 245-KL/TU, đến nay có 6/10 chỉ tiêu có tiến độ thực hiện tốt, cơ bản đạt và vượt mục tiêu hằng năm, cụ thể: thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2024 ước tăng bình quân 13,19%/năm, vượt mục tiêu 5 năm (KH 10 - 12%); giá trị xuất, nhập khẩu hàng hoá biên mậu giai đoạn 2021 - 2024 ước tăng bình quân 28,5%/năm, vượt mục tiêu 5 năm (KH tăng 8%/năm); thu nhập bình quân đầu người các huyện, thành phố khu vực biên giới giai đoạn 2021 - 2024 ước tăng bình quân từ 9,11 - 11,87%/năm (KH tăng 9 - 11%/năm).
Dự kiến đến cuối năm 2024, có 94,32% dân cư khu vực biên giới tham gia bảo hiểm y tế (KH là 95%); 93,2% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (KH là 92,3%); 94% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch (KH 98%); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,85% (KH dưới 3,0%); có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100% KH), có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 100% KH); chưa có huyện đạt chuẩn nông thôn mới (KH là có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới).
Các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo đạt mức bình quân của tỉnh: chất lượng giáo dục các địa phương khu vực biên giới từng bước được nâng cao, tuy nhiên, một số chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo của các địa phương biên giới chưa đạt so với mặt bằng chung của tỉnh, trong đó, phần lớn ở huyện Tân Hồng. Hằng năm, hỗ trợ việc làm cho khoảng 8.708/6.150 lao động, trong đó, có khoảng 336/285 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2025, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý và phân bổ hỗ trợ các địa phương biên giới 7.925 tỷ đồng (toàn tỉnh 30.142 tỷ đồng). Đến nay, phần vốn tỉnh đầu tư đã phân bổ khoảng 6.371/7.925 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm tại khu vực biên giới.
Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư từ vốn bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho khu vực biên giới thực hiện một số dự án khoảng 1.770 tỷ đồng, gồm: dự án kè An Lạc (820 tỷ đồng); dự án nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng (950 tỷ đồng). Tỉnh đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ khoảng 1.238 tỷ đồng cho dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Dinh Bà - Hồng Ngự.
Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, khu vực biên giới thu hút 17 dự án đầu tư; phát triển mới được 439 doanh nghiệp (DN) tại khu vực biên giới (TP Hồng Ngự 146 DN, huyện Hồng Ngự 166 DN và huyện Tân Hồng 127 DN), chiếm hơn 19,82% tổng số DN phát triển mới toàn tỉnh (2.215 DN), với tổng nguồn vốn đăng ký hơn 3.559 tỷ đồng, chiếm 21,97% toàn tỉnh (khoảng 16.200 tỷ đồng).
Theo đánh giá của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội khu vực biên giới được khôi phục và phát triển theo tình hình chung của cả tỉnh, đảm bảo mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn luôn được quan tâm, ưu tiên xem xét hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn, chính sách, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhiều khởi sắc. Thu ngân sách trên địa bàn đạt khá, thu nhập bình quân người dân ngày càng được nâng cao…
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội khu vực biên giới khôi phục và phát triển nhưng chưa toàn diện giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương. Một số chỉ tiêu tiến độ thực hiện còn chậm cần tăng cường lãnh, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới: thu ngân sách nhà nước, xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ đô thị hoá, phát triển sản phẩm OCOP 5 sao, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút dự án đầu tư, hình thành không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, thực hiện Kết luận số 245-Kl/TU đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều lĩnh vực có sự phát triển mang tính động lực cho vùng biên giới. Tuy nhiên, còn một số chỉ tiêu về xã hội chưa đạt, nguồn thu chưa mang tính bền vững, các tiềm năng, thế mạnh chưa khai thác đúng mức…
Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phát huy kết quả, tăng cường giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới phù hợp với tình hình mới; tập trung thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt; đánh giá sâu nguyên nhân, bài học, kinh nghiệm trong quản lý, điều hành thời gian qua, nhất là đề ra các chính sách, cơ chế, giải pháp tạo đột phá, triển khai nhanh các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn biên giới để sớm phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế biên giới; tiếp tục giữ ổn định, đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới;.. Các địa phương phát huy nội lực, tinh thần khắc phục khó khăn để tạo chuyển biến mới, phát huy hiệu quả các mô hình; sớm ban hành các quy hoạch phù hợp, tạo thuận lợi kêu gọi đầu tư, định hướng phát triển từng ngành, lĩnh vực…; tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị mới đối với tỉnh để có sự chỉ đạo kịp thời cho sự phát triển, xác định những nhiệm vụ đột phá trong thời gian tới…
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ngành, đơn vị, trong việc hỗ trợ, đồng hành vì sự phát triển của các địa phương vùng biên giới; ghi nhận những nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn của các địa phương để có nhiều mô hình, cách làm hay, tạo được lòng tin của Nhân dân, tạo nhiều chuyển biến tích cực trên địa bàn.
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Trước mắt, các ngành, địa phương hoàn thiện báo cáo, bổ sung các giải pháp để phát huy các mục tiêu đã đạt, quyết tâm thực hiện đạt các chỉ tiêu còn lại trong năm 2025…
TN