Người Đồng Tháp

Kỳ cuối: Sáng tạo - kỹ năng của tương lai

Cập nhật ngày: 20/02/2025 16:38:28

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250220043939dt2-1.mp3

 

ĐTO - Ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử phát triển của xã hội, do nhu cầu cuộc sống, sức sáng tạo của con người luôn xuất hiện và được cộng đồng ngưỡng mộ. Dù chưa ghi vào “sử sách” lớn, người Việt Nam ở Đồng Tháp có những dấu ấn đáng kể về tính sáng tạo. Sinh sống, sản xuất và chiến đấu trong vùng đất mới với “mùa nước nổi” nhiều tháng trong năm, họ phải liên tục thích ứng và tìm cách thay đổi hoàn cảnh để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nền tảng ấy đã tạo nên những tiến bộ đáng kể ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội và sẽ dựng những cột mốc lớn trong xã hội hiện đại như chính khát vọng của người dân: “Kỷ nguyên mới, Sen hồng tỏa sáng”.

>> Kỳ 1: Yêu nước - nguồn lực của thịnh vượng

>> Kỳ 2: Đoàn kết - tự nhiên và trong sáng

>> Kỳ 3: Trung thực - sáng mãi với thời gian

>> Kỳ 4: Tự lực - cơ sở của sự độc lập và thích ứng trong giai đoạn mới

>> Kỳ 5: Chăm chỉ - nền sáng tạo

>> Kỳ 6: Hợp tác - tất yếu và tiền đề

>> Kỳ 7: Nghĩa tình - vốn có và “vốn” quý

>> Kỳ 8: Năng động - “mầm” của sức sống mới

Sáng tạo là luôn say mê, tìm tòi nghiên cứu để tạo ra cái mới về vật chất và tinh thần. Đó là quá trình tạo ra cái mới, khám phá ý tưởng mới hoặc phát triển điều gì đó một cách độc đáo. Nó thường được liên kết với trí tuệ, khả năng tưởng tượng, sự đổi mới và năng lực thích ứng với môi trường. Còn tư duy sáng tạo là quá trình tạo ra những ý tưởng, giải pháp, biện pháp, phù hợp để khơi gợi sự sáng tạo. Trong đó, con người sử dụng trí tưởng tượng, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của mình để tạo ra những ý tưởng mới mẽ, đột phá và có giá trị. Tư duy sáng tạo yêu cầu sự linh hoạt, tò mò, khả năng tưởng tượng và sự sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới. Đây được xem là một kỹ năng quan trọng trong thế giới hiện đại.

Do vậy, ít người đánh giá cao về khả năng sáng tạo của người Đồng Tháp. Xuất phát điểm của nhận thức này cho rằng đa số người ở đây có nguồn gốc nông dân với lối canh tác bao đời “con trâu đi trước, cái cày theo sau” thì chỉ cần “lấy cần cù bù thông minh”. Nhưng, cách nhìn ấy thiếu toàn diện và không xác thực đối với hoàn cảnh ở Đồng Tháp.

Do sinh sống, sản xuất và chiến đấu ở “cánh đồng hoang” với “mùa nước nổi”, người Đồng Tháp có những cách nghĩ, cách làm độc đáo. Họ luôn tìm cách xây dựng các kiểu nhà để có chỗ ở ổn định, thay đổi phương pháp sản xuất để làm ra những “hạt ngọc”, cải tiến công cụ đánh bắt các loài vật. Khi buộc phải chiến đấu, chiến sĩ và dân quân sáng tạo, tự tạo ra các loại vũ khí (chông, bẫy chông, bẫy ong, nạng dàn thun...), cách đánh và che giấu nơi trú ẩn (đào hầm, “chém vè”...). Trong công cuộc “chinh phục vùng Đồng Tháp Mười”, nông dân Đồng Tháp đã nghiên cứu cách “ém phèn” để làm hồi sinh một vùng đất hoang gây bao kinh ngạc đối với các nhà khoa học.

Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới mà nhất là những năm gần đây, các phong trào “khởi nghiệp”, “tuổi trẻ sáng tạo”, những sản phẩm nghiên cứu, sự áp dụng thiết bị tiên tiến, thiết kế trong sản xuất và trưng bày hoa kiểng... đã thêm nhiều bằng chứng ghi nhận người Đồng Tháp sáng tạo. Có thể còn nhiều đánh giá và bàn cãi, việc đưa cây sen từ ruộng sâu (“Trong đầm gì đẹp bằng sen”) lên đường phố cũng là điều không ai tưởng tượng được trong thời gian trước đây. Tuy nhiên, đặc điểm canh tác nông nghiệp và lối sống nông thôn, không ít người bị sức ỳ của những lối mòn. Họ “an phận thủ thường”, ngại thay đổi và không muốn thay đổi, “Ăn xổi ở thì”, nghi ngờ và đôi khi khước từ những gì mới lạ, chậm hoặc ít áp dụng tiến bộ công nghệ thông tin, thiếu vắng công trình nghiên cứu cơ bản... Yếu điểm này là “nút thắt” trong sự phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và sẽ là nguy cơ làm cho địa phương tụt hậu xa hơn so với nhiều nơi trong tương lai.

Hiện nay, một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang sáng tạo những điều mà trước đây được cho là viễn tưởng. Bên cạnh việc tiếp tục đưa con người vào vũ trụ, sống dưới lòng đất và khám phá biển sâu, khá nhiều nơi đã và đang tạo ra robot người, xe điện, xe tự lái, xe bay, đồng tiền ảo, đồng tiền điện tử, internet, trí tuệ nhân tạo (AI)... Tất cả những yếu tố kể trên đòi hỏi người Việt Nam nói chung, người Việt Nam ở Đồng Tháp nói riêng phải có năng lực cao về sáng tạo. Cách nghĩ và làm từ trong nhà ra xã hội, từ cách sống đến hoạt động phải được đổi mới theo “dòng thác” của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ. Cuộc cách mạng này đã, đang và sẽ thay đổi sâu rộng đời sống xã hội. Ở điểm xuất phát thấp của cuộc đua, các chủ thể ở Đồng Tháp phải lựa chọn cách đi phù hợp với đặc điểm tự nhiên - xã hội và con người. Và vì thế, cùng với sự nỗ lực của mỗi cá nhân, các cơ quan chức năng phải có kế hoạch chi tiết với lộ trình cụ thể tạo điều kiện cho mỗi người, nhất là giới trẻ (học sinh, sinh viên, doanh nhân, người lao động ở các lĩnh vực) phát triển năng lực sáng tạo. Đổi mới sáng tạo thường thì bắt đầu từ những cá thể và đôi khi cá biệt.

Sáng tạo không phải là điều xa lạ đối với người Đồng Tháp. Do môi trường tự nhiên khắc nghiệt, người Đồng Tháp đã sáng tạo để “mở mang bờ cõi” và chiến đấu giành lại độc lập cho Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền Quốc gia. Các thế hệ kế tiếp đã “chinh phục” vùng đất, thuần phục vật nuôi và đang “khởi nghiệp”. Với nền tảng không gian sáng tạo của xã hội hiện đại và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người Đồng Tháp sẽ có cơ hội để phát triển kỹ năng sáng tạo của mình tiến cùng thời đại. Con người Đồng Tháp sẽ là chủ nhân xứng của một quê hương trù phú, văn minh, hiện đại.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn