Đảng ủy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Lãnh đạo xây dựng mô hình phát triển du lịch đặc trưng của Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 09/12/2015 13:07:12

Theo Đảng ủy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, trong 5 năm qua, du lịch tỉnh nhà có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tốc độ tăng trưởng nhanh, giai đoạn 2011 - 2014 tổng lượt khách du lịch tăng bình quân 16,03%, trong đó khách quốc tế là 17,12% với tổng doanh thu từ du lịch tăng 33,6%. Kết cấu hạ tầng du lịch được cải thiện, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tăng với 10 doanh nghiệp du lịch, lữ hành; 1 công ty đặc sản Đồng Tháp, 85 cơ sở lưu trú, 7 khu điểm tham quan du lịch trọng điểm của tỉnh.


Khách nước ngoài tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở TP.Sa Đéc

Quy mô dịch vụ ngày càng được mở rộng và bổ sung, chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên, sản phẩm du lịch phong phú hơn, đặc biệt là xây dựng các chương trình du lịch theo chuyên đề, theo mùa (chương trình du lịch sắc Xuân Đồng Tháp gắn với Làng hoa Sa Đéc và Quýt hồng Lai Vung, chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi gắn với cuộc sống ngư dân vùng Đồng Tháp Mười tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, chương trình du lịch mỗi ngày một nghề gắn với Làng nem Lai Vung, Làng gạch gốm Châu Thành, ruộng ấu Lấp Vò...).

Hình ảnh du lịch Đồng Tháp được cải thiện, quảng bá đến đông đảo công chúng, doanh nghiệp và du khách. Đã có nhiều công ty du lịch, lữ hành quan tâm, tìm hiểu, đưa khách, liên kết hợp tác (có trên 300 đơn vị kinh doanh du lịch ngoài tỉnh ký kết hợp tác với các doanh nghiệp du lịch, khu điểm du lịch trong tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, TP.Cần Thơ và TP.Hồ Chí Minh). Bước đầu đã có những nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát và lập dự án xin chủ trương đầu tư phát triển du lịch tại Đồng Tháp như: Công ty TNHH Thương mại Du lịch TST, Tập đoàn Sao Mai An Giang, Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Hưng Thịnh,...

Nhìn tổng thể, du lịch Đồng Tháp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần sớm khắc phục như: kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch yếu kém, nhất là hệ thống đường giao thông dẫn vào các khu, điểm du lịch; sản phẩm du lịch còn thô sơ, trùng lắp; chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm để tạo cảm giác hứng thú, hấp dẫn, giữ chân du khách lưu lại lâu hơn (đa số khách lưu lại 1 - 1,5 ngày). Kỹ năng nghề của lao động phục vụ trong ngành chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch thiếu ấn tượng, hiệu quả chưa cao. Mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch còn thấp, chủ yếu mang tính tự phát.

Tiếp tục phát huy những tiềm năng, lợi thế và khắc phục những hạn chế của du lịch tỉnh Đồng Tháp, thời gian tới, Đảng ủy phối hợp với Ban lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Đồng Tháp mang nét riêng có so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo sự khác biệt, hấp dẫn du khách. Chẳng hạn, cũng là du lịch sinh thái, ngắm hoa sen nhưng là những cánh đồng sen bạt ngàn gắn với thương hiệu du lịch “Đồng Tháp: thuần khiết như hồn Sen”, Tháp Mười quê hương của hoa sen, Cao Lãnh thủ phủ Đất Sen hồng. Cũng là du lịch sinh thái, tham quan làng hoa Sa Đéc, nhưng gắn với trải nghiệm mỗi ngày một nghề với nghệ nhân trồng hoa, tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê gắn với câu chuyện “Người tình”. Hay là du lịch tìm hiểu văn hóa, truyền thống, nhưng gắn với tham quan di tích Quốc gia đặc biệt khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp và nền văn hóa Óc Eo - Phù Nam đã có từ trên 1.500 năm, hoặc tham quan khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan di tích Xẻo Quít - căn cứ kháng chiến trước đây của Tỉnh ủy - địa đạo dưới nước độc nhất vô nhị và rừng tràm cổ nhất Việt Nam...

Thực hiện thật tốt các định vị các khu, điểm du lịch trọng điểm Đề án phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 đã chỉ ra. Cụ thể, Khu di tích Xẻo Quít (huyện Cao Lãnh) phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề “Bảo tồn lịch sử - gìn giữ hồn quê” và bộ sưu tập hoa súng. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo là “Làng ẩm thực đồng quê” và bộ sưu tập tre. Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) phát triển thành một công viên chim với các bộ sưu tập về chim, bảo tàng trứng chim, khu trưng bày cá nước ngọt và khu vui chơi giải trí sinh thái.

Đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế; rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện quy hoạch định hướng các khu, điểm du lịch, đặc biệt là các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, nâng cao tay nghề cho lực lượng phục vụ chuyên nghiệp hơn để nâng chất lượng dịch vụ và tập huấn kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư vùng có khu, điểm du lịch để người dân có điều kiện tham gia vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Xây dựng môi trường du lịch an ninh, an toàn, thân thiện; bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết... nhằm phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

DŨNG CHINH

Văn kiện Đại hội X Đảng bộ tỉnh xác định tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nét đặc sắc, riêng có của du lịch Đồng Tháp. Nâng chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, tổ chức liên kết với khu vực và cả nước. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia kinh doanh du lịch theo quy hoạch và định hướng chung. Thu hút, triển khai các dự án du lịch nhằm vào khách nước ngoài, khách nội địa có thu nhập cao’’. Mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, tổ chức đưa, đón và phục vụ 3,5 triệu lượt khách, tăng gấp đôi; tổng doanh thu du lịch đạt 900 - 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2014".

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn