Mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp” lan tỏa trong cộng đồng

Cập nhật ngày: 28/05/2023 14:50:02

ĐTO - Thực hiện Thông báo Kết luận số 1878 ngày 20/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh xây dựng Kế hoạch số 57 ngày 10/6/2020 về việc thực hiện thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”. Theo đó, tỉnh chọn 5 huyện thực hiện thí điểm theo nhóm cây trồng gồm: huyện Lấp Vò sản xuất rau màu an toàn; huyện Cao Lãnh sản xuất cây xoài, cây mít; huyện Châu Thành sản xuất cây nhãn; huyện Lai Vung sản xuất cây ăn quả có múi; huyện Tháp Mười sản xuất cây lúa, cây mít.


Nhà vườn tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh tích cực thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”

Mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” tập trung thực hiện ở 2 nhóm trên lĩnh vực xã hội và sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cụ thể hóa thành 8 tiêu chí thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” liên quan trực tiếp hộ gia đình cần phấn đấu thực hiện. Cụ thể: tất cả thành viên trong gia đình trong độ tuổi tự nguyện tham gia vào tổ chức chính trị - xã hội; tự nguyện tham gia vào hợp tác xã, Hội quán; thành viên còn trong độ tuổi đều đến trường học tập; không có người vi phạm pháp luật; sản xuất hàng hóa nông sản phải tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường; sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng về kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; tham gia đóng góp vào các chương trình an sinh xã hội... tạo sự đồng thuận cao trong người dân.

Tại huyện Cao Lãnh, hưởng ứng hoạt động thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”, các xã đã thực hiện các mô hình như: sản xuất lúa theo hướng cánh đồng mẫu lớn tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến (xã Gáo Giồng), “Cây xoài nhà tôi” (xã Mỹ Xương), liên kết sản xuất lúa giống (xã Tân Hội Trung)... thu hút hàng trăm hộ tham gia. Qua đó, tạo nền tảng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Mách (SN 1962, ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh), cho biết: “Từ khi tham gia mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”, tôi cùng nhiều nhà vườn của mô hình “Cây xoài nhà tôi” đều thực hiện quy trình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, nhiều nhà vườn trồng xoài trên địa bàn xã Mỹ Xương cũng chú trọng sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ đó, hình ảnh những người nông dân ngày càng có trách nhiệm và chuyên nghiệp hơn trong sản xuất ngành hàng chủ lực của địa phương”.

Thông qua thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”, bước đầu, người nông dân hiểu được nông nghiệp phải tích hợp đa giá trị, chú trọng đến tính tiện ích của hàng hóa, sản phẩm. Nhận thức được thị trường đã chuyển từ nhu cầu “ăn cho no” sang “ăn cho ngon”, “ăn cho sạch, an toàn, nhiều dinh dưỡng”. Từ đó, sản xuất cũng phải phân ra nhiều luồng theo nhu cầu của xã hội, phải sản xuất sạch, tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn; tự giác tuân thủ theo hướng dẫn của tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, sản xuất thân thiện với môi trường, phải sạch, an toàn, có trách nhiệm, có đạo đức với bản thân và cộng đồng.


Người dân sử dụng cơ giới hóa thu hoạch lúa, góp phần giảm thất thoát trong sản xuất nông nghiệp

Theo Ủy ban MTTQVN tỉnh, qua 2 năm triển khai thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” trên địa bàn tỉnh, nông dân ngày càng nhận thức rõ hơn, tự nguyện tham gia vào chuỗi sản xuất ứng dụng kỹ thuật mới; phát huy được tinh thần đoàn kết, tự chủ, tự quản trong liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Đặc biệt, mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” đã làm chuyển biến mạnh mẽ vai trò chủ thể và ý thức trách nhiệm của người nông dân trong việc tự nguyện, tự giác tham gia phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững. Xây dựng nền tảng để nâng cao chất lượng về kinh tế tập thể trên lĩnh vực nông nghiệp ở địa phương..., góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn