Năm 2024: Tiếp tục thực hiện các giải pháp để tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương

Cập nhật ngày: 13/06/2023 05:43:52

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024.


Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tiếp tục thực hiện các giải pháp để tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương

Chỉ thị nêu rõ, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh nước ta phải chịu sự tác động nặng nề với hậu quả còn lâu dài của dịch Covid-19.

Do đó, các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong phát triển KTXH, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Chỉ thị nêu rõ định hướng, nhiệm vụ chủ yếu, trong đó kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực…

Chỉ thị cũng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng dự toán NSNN năm 2024 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2024-2026 cần tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về hỗ trợ thuế, phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tăng, giảm thu ngân sách khi Chính phủ thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư nước ngoài; phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2024 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu xây dựng dự toán chi NSNN năm 2024 phải đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách gắn với việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập; tiếp tục thực hiện các giải pháp để tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII)...

Từ ngày 1/7/2023 sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo PHAN THẢO (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn