Nghị quyết HĐND tỉnh về giao thông nông thôn đi vào cuộc sống

Cập nhật ngày: 03/07/2013 05:53:41

Với vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, tại kỳ họp lần thứ nhất HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa VIII đã xem xét Tờ trình của UBND tỉnh và thông qua Nghị quyết số 49/2011/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.


Hệ thống đèn thắp sáng đường quê xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười

Thực hiện Nghị quyết trên, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Kế hoạch & đầu tư và UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu theo lộ trình mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Quy hoạch, Kế hoạch và triển khai thực hiện tại các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh như: hệ thống đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh; đường tỉnh; đường huyện, đường giao thông nông thôn; các tuyến đường thủy, cảng, bến thủy nội địa; bến, bãi đỗ xe tải, xe khách, xe công cộng. Đồng thời tùy theo cấp độ, vị trí và hệ thống của từng tuyến đường mà phân định thẩm quyền xây dựng để có giải pháp thực hiện cụ thể.

Kết quả 2 năm (2011 - 2012) thực hiện Nghị quyết cho thấy, song song với hệ thống cầu, đường quốc lộ, tỉnh lộ từng bước xây dựng thì hệ thống đường huyện, đường giao thông nông thôn cũng được chú trọng. Hiện nay toàn tỉnh đã kiên cố hóa hơn 420,8km đường giao thông nông thôn phù hợp với tiêu chuẩn của tiêu chí xã nông thôn mới, xây dựng 223 cầu nông thôn các loại với tổng chiều dài 3.237m và xây dựng 855 cống. Đây là kết quả của việc thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Riêng về hệ thống giao thông nông thôn theo tiêu chí 2 ở các xã điểm qua 2 năm xây dựng về nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn đường trục xã, liên xã đã xây dựng được 111, 61km với số vốn đầu tư là hơn 146 tỷ đồng; cứng hóa đạt chuẩn đường trục ấp, xóm: đã xây dựng 137,30km với số vốn đầu tư là 127 tỷ 319 triệu đồng; cứng hóa đường trục chính nội đồng (xe cơ giới đi lại thuận tiện): đã xây dựng 79.00km với số vốn đầu tư hơn 31 tỷ đồng; đã xây dựng được 126 cây cầu bê tông nông thôn với số vốn đầu tư gần 16,5 tỷ đồng.

Hiện nay toàn tỉnh có 10 xã đạt tiêu chí 2 về giao thông nông thôn, trong đó huyện Tháp Mười được đánh giá là địa phương thực hiện khá tốt công tác này. Qua kết quả khảo sát và giám sát cho thấy huyện Tháp Mười đã thực hiện đồng bộ 3 giải pháp chính như: Xã hội hóa xây dựng cầu, đường; huy động hợp lý các nguồn lực để thúc đẩy nông thôn phát triển nhanh; tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia thực hiện, nhất là lực lượng có uy tín ở địa phương làm nòng cốt.

Trong 2 năm qua, huyện Tháp Mười cũng đã thực hiện nhiều chương trình thiết thực như: thắp sáng đường quê, xây dựng cầu bê tông thay cho cầu tạm, rải đá chống lầy, xây dựng đê bao, thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện,... với tổng mức đầu tư trên 280 tỷ đồng. Đáng chú ý là huyện Tháp Mười vận dụng tốt phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm vì lợi ích chung đã huy động từ các nguồn lực xã hội chiếm trên 50% kinh phí, đặc biệt là sự đóng góp hơn 108 tỷ đồng từ người dân địa phương, xấp xỉ 39% để cùng chung tay với chính quyền xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung, qua 2 năm (2011- 2012) thực hiện Nghị quyết số 49/2011/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, nhất là việc xây dựng hệ thống giao thôn nông thôn, bước đầu đã đạt được kết quả đáng phấn khởi, xe 4 bánh (ô tô) đã đến tận hầu hết các xã trong tỉnh, góp phần quan trọng việc đưa công nghiệp vào nông thôn, thúc đẩy giao lưu kinh tế và văn hóa trong và ngoài tỉnh; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn, tạo tiền đề cho những bước xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Trần Quốc Thành

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn