Nghĩ về công tác lịch sử
Cập nhật ngày: 02/09/2022 06:02:41
ĐTO - Từ khi xuất hiện và trải qua quá trình hoạt động, con người của từng bộ lạc, dân tộc, vùng, miền... đều làm nên lịch sử của riêng mình. Lịch sử chứa đựng hoạt động cùng những giá trị văn hóa - vật thể và phi vật thể - do con người sáng tạo ra. Muốn hiểu biết dân tộc, vùng, miền, làng, ấp... và cả con người nào thì tìm qua văn hóa của những nơi, những con người đó. Nói cụ thể hơn, người Việt Nam chúng ta ngày hôm nay, muốn biết lịch sử của dân tộc mình sống và hoạt động từ 4.000 năm qua, trải qua lịch sử từng thời đại, từng thời kỳ, từng vùng, miền, từng con người trở thành vĩ nhân..., nhờ ở những sách sử ghi chép, những di vật (được trưng bày trong các bảo tàng) và kể cả những pho sử sống (tức được truyền miệng từ đời này qua đời sau), ở những di tích lịch sử, những nhà truyền thống... Nói gần gũi hơn, những con em chúng ta sanh ra từ sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, muốn hiểu biết ông cha mình, những đơn vị bộ đội, du kích, các mẹ, các chị... ở xã, ấp, ở huyện, tỉnh mình..., đã sống và chiến đấu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược như thế nào, là nhờ giáo dục truyền thống qua các quyển sách lịch sử truyền thống và cách mạng của tỉnh, huyện, xã, của các ngành công an, quân sự, giao bưu, tuyên huấn..., qua những buổi nghe kể chuyện truyền thống của các cựu chiến binh, qua xem bảo tàng tỉnh, các bia, tượng đài, các nhà lưu niệm, qua các di tích như: Xẻo Quít, Gò Tháp, mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc...
Ở tỉnh Đồng Tháp, kể từ sau ngày giải phóng, lãnh đạo Đảng, nhất là các đồng chí: Trần Anh Điền, Nguyễn Thế Hữu, Nguyễn Xuân Trường, rất quan tâm đến công tác lịch sử. Các đồng chí còn chỉ đạo cụ thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng xung quanh khu di tích Xẻo Quít, xây dựng Bảo tàng Quân đội ở Gò Động Cát, phục chế cầu 72 nhịp ở Sa Rài... Thành lập Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, Phòng Nghiên cứu lịch sử dân tộc. Bộ Văn hóa đã chỉ đạo ngành văn hóa - thông tin thành lập Bảo tàng tỉnh và hướng dẫn các huyện thị, các xã... có nhà hoặc Phòng Truyền thống. Công an và Quân sự tỉnh có Tổ Sử để viết lịch sử của ngành và các đơn vị trực thuộc của mình. Công an tỉnh có Phòng Truyền thống trưng bày hình ảnh, hiện vật ngành mình. Tỉnh đã viết hoàn chỉnh lịch sử Đảng bộ từ 1930 - 1975. Một số ngành cấp tỉnh như: ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Dân vận, Bưu điện tỉnh, Nhà in... Đã viết lịch sử của ngành mình. Ở tất cả các huyện, thị xã đều viết xong lịch sử địa phương mình. Nhiều xã cũng đã viết xong. Riêng xây dựng Nhà Truyền thống có Khu di tích Xẻo Quít, Khu mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, bưu điện (ở xã phú cường, Tam Nông), huyện Thanh Bình, huyện Cao Lãnh (ở Tràm Dơi). Một số ngành dành phòng treo ảnh chân dung các đồng chí lãnh đạo ngành mình qua các thời kỳ như: Tỉnh Đoàn thanh niên, Ban Tuyên giáo...
Tuy vậy, qua thời gian và thay đổi nhân sự lãnh đạo, người tiếp sau ít biết thời kỳ qua của ngành, của những người tiền nhiệm của mình, làm đứt mạch truyền thống ngay trong ngành mình. Tổ chức bộ máy ngày càng tinh giản nên các cơ quan không có người làm công tác truyền thống. Đơn cử vài cụ thể: từ 1 Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng 26 người, giải thể còn 3 người thành Phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng nằm trong Ban Tuyên giáo tỉnh và hiện nay chỉ còn 1 người. Ở ngành văn hóa thông tin, ở cấp huyện không có người làm công tác bảo tồn, bảo tàng. Chủ trương của Bộ Văn hóa trước đây có Nhà Truyền thống ở mỗi huyện, Nhà hoặc Phòng Truyền thống ở xã, nay chủ trương đó không còn. Chỉ đạo của tỉnh xây dựng 2 Nhà Truyền thống ở 2 xã điểm anh hùng là Đốc Binh Kiều và Thanh Mỹ đều không thực hiện được. Rất tiếc là hàng mấy trăm hiện vật thời chống Pháp, chống Mỹ do các địa phương sưu tầm được, giờ không biết còn mất ở đâu? Từ giải phóng đến nay đã hơn 47 năm, ở tỉnh Đồng Tháp, từng huyện thị, từng xã... có biết bao thay đổi trên mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, vùng biên giới, vùng sâu Đồng Tháp Mười... Nhưng chẳng nơi nào có chủ trương, biện pháp sưu tầm, lưu giữ những hiện vật, hình ảnh, tư liệu... của những đổi thay kỳ diệu, lớn lao đó.
Sự thật đau lòng trên đặt ra câu hỏi: Cơ quan nào chịu trách nhiệm về công tác lịch sử (viết thành sách, tài liệu và bảo tồn, bảo tàng hiện vật, hình ảnh, tư liệu lịch sử...) ở tỉnh ta? Có lẽ dễ trả lời đó là ngành tuyên giáo (viết sách truyền thống) và ngành văn hóa thông tin (sưu tầm hiện vật, tư liệu, xây dựng các Nhà hoặc Phòng Truyền thống của địa phương).
Xin đề xuất ý kiến nhỏ: các cấp ủy đảng trong văn kiện Đại hội hoặc có Nghị quyết, Chỉ thị chuyên đề về công tác lịch sử, bảo tồn bảo tàng. Chánh quyền các cấp có những biện pháp thực hiện chủ trương đó. Cụ thể: ở Ban Tuyên giáo tỉnh nên bổ sung có ít nhất 3 cán bộ chuyên về lịch sử, ở Ban Tuyên giáo cấp huyện, thành phố nên có người kiêm nhiệm phụ trách về mảng lịch sử địa phương. Bảo tàng tỉnh có trách nhiệm quan hệ dọc với người làm công tác truyền thống (bảo tồn, bảo tàng) ở các Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố về chuyên môn.
Một công việc rất bức thiết hiện nay (đã quá trễ) là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viết lịch sử và công tác bảo tồn, bảo tàng ở tỉnh và các huyện, thành phố, các ngành cấp tỉnh. Bằng cách chọn người đưa đi học chính quy ở các trường đại học có chuyên ngành về lịch sử Đảng và bảo tồn, bảo tàng. Kết hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh có kế hoạch mở những lớp tập huấn ngắn ngày ở địa phương (chú trọng các giáo viên dạy Văn, dạy Sử ở các trường phổ thông) nhằm đào tạo người viết lịch sử tại trường, tại xã mình.
Ngày tháng cứ trôi qua, đừng để phải hối tiếc vì để lịch sử mai một theo thời gian...
Nguyễn Đắc Hiền