Người chiến sĩ Công an nơi biên giới
Cập nhật ngày: 22/08/2021 06:35:28
ĐTO - Cái nắng ran rát, oi bức đã bắt đầu thu lại. Vài tia nắng yếu ớt vẫn còn len lỏi trên những tán cây. Chiều nơi vùng biên, những người chiến sĩ Công an vẫn lặng lẽ với nhiệm vụ của mình, nhìn về xa xăm, nơi đất rộng sông dài.
Đại úy Nguyễn Xuân Trường - Phó Đại đội trưởng, Phòng Cảnh sát cơ động quan sát khu vực biên giới
Đóng quân tại Cửa khẩu quốc tế Thường Phước, thuộc xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đã nhiều tháng nay, các chiến sĩ Công an được tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt của lực lượng Công an Đồng Tháp nhằm chủ động ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh từ bên ngoài, siết chặt quản lý người, phương tiện tại khu vực biên giới.
Khi trời vừa nhà nhem tối, một tổ công tác gồm lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng đã chỉnh tề quân phục, khẩn trương triển khai lực lượng đi tuần tra trên tuyến sông dọc biên giới giáp tỉnh Preyveng của Campuchia. Đêm dần buông xuống, không gian tĩnh mịch, chỉ còn nghe tiếng ca-nô rẽ theo nhịp sóng. Theo ánh đèn, các anh chăm chú quan sát, gió rít từng cơn. Trời càng khuya, cái lạnh dần thấm vào da thịt, người chiến sĩ thu mình lại. Ánh mắt các anh vẫn dõi theo khoảng không gian vô định.
Đối với người chiến sĩ nơi vùng biên, những ca tuần tra xuyên đêm là nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên, liên tục và các anh không được lơ là, chủ quan trong bất kỳ thời điểm nào. Bởi chỉ cần một phút lơ là, chủ quan thì các đối tượng sẽ lợi dụng để xuất, nhập cảnh qua biên giới trái phép trên các tuyến sông, kênh rạch, đường mòn, lối mở. Do vậy, nếu không kiểm soát tốt các đường biên thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và gia tăng các loại tội phạm như buôn lậu, mua bán người, ma túy... vào nội địa là rất cao.
Đại úy Nguyễn Xuân Trường - Phó Đại Đội trưởng, Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh chia sẻ: Bảo vệ biên giới của Tổ quốc là một nhiệm vụ thiêng liêng của người lính. Dù xa nhà đã nhiều tháng nay nhưng có đồng chí đồng đội cùng kề vai sát cánh, chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn, nhất là lãnh đạo Công an huyện Hồng Ngự, chính quyền địa phương luôn quan tâm, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác xuống thăm hỏi, trò chuyện, động viên tất cả cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ. Mỗi đồng chí trực tại đây đều chấp hành nghiêm kỷ luật kỷ cương, đoàn kết thống nhất chặt chẽ trong công tác phối hợp, tuân thủ thông điệp 5K để bảo vệ sức khỏe nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sáng sớm, tại Tổ quan sát tại Cửa khẩu quốc tế Thường Phước, nơi được bố trí bàn ghế đơn sơ, sau lưng là lều bạt tạm bợ nhưng lại hữu dụng mỗi khi có mưa giông và cũng là nơi nghỉ ngơi của các anh sau mỗi ca trực. Nhìn vào, ai cũng nghĩ nhiệm vụ của Tổ này đơn giản, vì chỉ ngồi và nhìn. Thực ra, các anh phải ngồi đúng vị trí, quan sát đúng điểm nhìn, báo cáo tình hình liên tục cho cấp trên.
Dưới sông, một Tổ công tác khác trên tàu được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ các phương tiện thủy tại khu vực biên giới. Về trưa, cái nắng gay gắt khiến người chiến sĩ nhễ nhại mồ hôi, lưng ướt đẫm nhưng sự tập trung của các anh luôn được thể hiện qua từng ánh mắt chăm chú. Thiếu tá Phạm Xuân Thịnh - Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh tâm sự: Hiện tại, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nhận nhiệm vụ bảo vệ biên giới trên đường thủy nội địa, khi gặp phải gió, bão, giông mưa, các cán bộ, chiến sĩ trực trên tàu không còn chỗ nghỉ do mọi thứ đã bị ướt hết. Mặc dù vậy, anh em cũng rất vui và tự hào khi được tham gia công tác tại đây, qua đó hiểu được cuộc sống của bà con nơi biên giới và nhất là cùng sẻ chia vất vả, khó khăn của anh em nơi tuyến đầu phòng, chống dịch tại biên giới.
Lực lượng Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp tuần tra trên sông ở khu vực biên giới
Sau những giờ công tác, người chiến sĩ giải khuây bằng những bài ca ngân nga theo tiếng đệm ghita. Với người lính trẻ, ai cũng có những phút giây chạnh lòng vì nhớ vợ, thương con, lo cha mẹ già không ai chăm sóc, nhưng có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu đối với quê hương, đất nước, nên họ đành gói gọn nỗi nhớ trong tim. Bởi thế, các anh xem biên cương là ngôi nhà chung, còn đồng đội mình là những người thân trong gia đình, cùng kề vai sát cánh trên mọi nẻo đường.
Bữa cơm của người lính nơi biên giới là lúc anh em quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe câu chuyện gia đình, niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, động viên nhau vượt qua khó khăn, gian khổ trong mọi tình huống. Nắng chiều dần tắt, những người chiến sĩ Công an cùng Tổ công tác của mình lại tiếp tục cuộc hành trình bảo vệ miền biên viễn, như những cánh chim không mỏi...
Thanh Thảo