Giải trình ý kiến của các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân
Cập nhật ngày: 20/08/2021 10:29:11
ĐTO - Tại kỳ họp lần thứ hai, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa X, UBND tỉnh đã có giải trình những kiến nghị của các Ban HĐND tỉnh qua báo cáo thẩm tra và ý kiến của đại biểu tại thảo luận Tổ.
Trong đó, đại biểu có ý kiến đề nghị tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19. UBND tỉnh cho biết, với tinh thần chủ động, khẩn trương rà soát các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 219 ngày 16/7/2021 về thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đến nay, đã có trên 41.000 lao động, 10.000 người bán vé số, hơn 108.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ. Đồng thời, tỉnh đã tiến hành rà soát trên 38.700 hộ kinh doanh cá thể, đến nay đã phê duyệt chi hỗ trợ cho 255 hộ. Hiện nay, do tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nên số lượng hộ kinh doanh cá thể đến UBND cấp xã để làm thủ tục nhận hỗ trợ còn ít.
Đối với các doanh nghiệp, tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất... Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Đồng Tháp thực hiện việc hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 4 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ chỉ đạo các ngành nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Về ý kiến cần khởi động lại công tác xuất khẩu lao động sau dịch Covid-19, UBND tỉnh cho biết, trong tháng 7/2021, tỉnh đã tạo điều kiện cho 335 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (từ đầu năm đến nay đã có 797 lao động xuất cảnh, đạt trên 53% kế hoạch). Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang phối hợp với các địa phương chuẩn bị các nguồn lực, điều kiện sẵn sàng khởi động lại công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định.
Đối với ý kiến cần xem xét, có chính sách hỗ trợ, miễn hoặc giảm thuế cho các loại hình hợp tác xã, theo UBND tỉnh, từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nộp thuế (trong đó có hợp tác xã) như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho người nộp thuế có doanh thu 200 tỷ đồng trở xuống, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, nhưng rất ít hợp tác xã có số thuế được giảm 30% và được gia hạn, do đa phần các hợp tác xã ít có số thuế phải nộp. Trong năm 2020, toàn tỉnh chỉ có 13 hợp tác xã được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền được giảm là 112 triệu đồng.
Về đề nghị ngành chuyên môn tham mưu UBND tỉnh xem xét đầu tư, bổ sung thêm trang thiết bị cho Bệnh viện và Trung tâm Y tế tuyến huyện để phục vụ nhu cầu thật sự cần thiết của người dân, nhất là máy chạy thận nhân tạo, UBND tỉnh thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có các đơn nguyên thận nhân tạo tại các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp, BVĐK Sa Đéc, BVĐK Khu vực Tháp Mười, BVĐK Khu vực Hồng Ngự, Bệnh viện Quân dân y, Trung tâm Y tế Lấp Vò và 2 bệnh viện tư nhân: Thái Hòa và Tâm Trí. Các đơn vị này hiện đang thu dung và điều trị cho tất cả bệnh nhân trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch mua sắm bổ sung thêm 17 máy thận nhân tạo (bổ sung 10 máy thận nhân tạo cho BVĐK Khu vực Tháp Mười và 7 máy thận nhân tạo cho Trung tâm Y tế Lấp Vò) bằng nguồn kinh phí sự nghiệp y tế năm 2021. Đối với các Trung tâm Y tế có giường bệnh (trừ Trung tâm y tế huyện Lấp Vò đã trang bị), dự kiến đầu tư trang bị bổ sung thiết bị chuyên môn giai đoạn 2021-2025, không có trang bị máy thận nhân tạo mà chỉ tập trung cho các thiết bị y tế khác (danh mục đã trình thông qua HĐND tỉnh). Lý do, hiện nay các Trung tâm Y tế này chưa sẵn sàng nhân lực để thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo.
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành y tế có kế hoạch đào tạo chuyên môn cho các bác sĩ, điều dưỡng về chuyên ngành thận nhân tạo cho một số đơn vị để đủ điều kiện sử dụng máy thận và sử dụng nguồn sự nghiệp y tế hằng năm để trang bị bổ sung cho các đơn vị nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
NHẬT ANH