Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác phòng cháy, chữa cháy

Cập nhật ngày: 18/08/2021 15:25:47

ĐTO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có Công văn chỉ đạo về việc thực hiện Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).


Tập huấn, thực hành công tác phòng cháy, chữa cháy
tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc

Đánh giá, qua 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 09-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) được nâng lên; ý thức chấp hành của người dân trong PCCC và CNCH chuyển biến tích cực; tình hình cháy, nổ được kéo giảm; nhiều vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn được xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản nhà nước và nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, một vài cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, người dân nhận thức chưa đầy đủ, còn chủ quan, chấp hành không nghiêm pháp luật về PCCC và CNCH. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về PCCC có nơi chưa nghiêm, chưa đủ răn đe; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ chữa cháy, CNCH còn nhiều bất cập. Lực lượng PCCC và CNCH tại chỗ của nhiều địa phương, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.

Để phát huy hiệu quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung triển khai có hiệu quả Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch số 09-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về PCCC của cán bộ, đảng viên, nhân dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác PCCC và CNCH ở địa phương, đơn vị mình; xác định công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thế thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp… phải chịu trách nhiệm trước hết về đảm bảo an toàn cháy, nổ và CNCH trong phạm vi lãnh đạo, quản lý được giao. Các sở, ban ngành tỉnh, địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH. Xây dựng quy hoạch hạ tầng PCCC giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, bất cập về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác PCCC, CNCH. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, hóa chất phục vụ công tác PCCC và CNCH. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH ngày càng chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng và thường xuyên tổ chức diễn tập, thực hành cho Nhân dân về PCCC, cứu nạn, thoát nạn. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ phát sinh cháy nổ.

Tiếp tục nhân rộng mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC” và mô hình “Chợ an toàn PCCC”; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH.

Đ.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn