Người “ở lại” vững lòng

Cập nhật ngày: 27/10/2014 13:21:36

“Hôm chuyến tàu cuối cùng đưa bộ đội ta rời bến bắc Cao Lãnh, tôi cũng có mặt ngậm ngùi tiễn đưa. Tàu chạy rồi, hồi lâu tôi mới về! Tôi đến ở nhờ nhà người quen tại kinh Sáu Mỹ. Sau đó, tôi đi vô rạch Bà Vại. Hai hôm sau, tôi theo giao liên lên Bãi Thưa huyện Hồng Ngự, nơi Tỉnh ủy Châu Đốc đóng…” - ông Bùi Quang Thạnh, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp kể lại.


Đồng chí Bùi Quang Thạnh (SN 1930) hiện đang ở phường 6, TP.Cao Lãnh

Năm 1951, tôi được Huyện ủy Cao Lãnh điều về công tác ở xã Tân An. Đến năm 1952, tôi được đồng chí Nguyễn An Tịnh - Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh cử đi học bổ túc văn hóa Trường trung học Nguyễn Công Mỹ ở Cà Mau. Năm 1954, tôi học và thi xong là thời điểm thi hành Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ. Tôi về tới Cần Thơ thì được lịnh của Trung ương giữ các đoàn học sinh lại. Giao liên chuyển tôi về Long Châu Hà, sắp xếp vào đội ngũ đi tập kết của tỉnh đi về Cà Mau. Tôi tới vàm Lình Quỳnh thì gặp hàng trăm ghe biển treo cờ đỏ sao vàng mừng hòa bình, tôi cũng được không khí tưng bừng đó cuốn hút, vui lây!

Sau đó, tôi được đưa về ngã tư Phó Sinh để học Hiệp định Giơ-ne-vơ. Học xong, tôi viết lý lịch và nêu nguyện vọng của mình. Tôi được lịnh ai từng công tác phong trào thì ở lại miền Nam, không tập kết ra Bắc. Tôi nằm trong số ở lại. Tôi đi tới Phụng Hiệp, chỗ Ủy ban Liên hiệp Đình chiến của ta đóng, được phát cho một bộ đồ bộ đội và giày vớ bộ đội. Đoàn của chúng tôi được Pháp đưa 3 chiếc xe chở đi. Sáng hôm sau, tàu có cắm cờ đỏ sao vàng đưa chúng tôi về Mỹ Quí, nơi Ủy ban Liên hiệp đóng. Bà con hai bờ kinh vẫy chào đón mừng chúng tôi.

Từ Mỹ Quí tôi đi bộ về Cao Lãnh. Tới Cao Lãnh tôi có dịp đi thăm anh em, bà con ở xã Tân An, Hòa An, Tân Thuận Tây... nhưng không về quê nhà được. Nhà tôi ở cồn Gòn (xã Tân Thuận Đông). Hiện tại cồn Lân, cồn Chài còn bị Hòa Hảo chiếm đóng. Tôi vô rạch Dầu Giữa gặp đồng chí Hai Liêm ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Đồng chí hỏi tôi: “Chú em mầy tính sao?”. Tôi nói: “Ông già tôi hoạt động năm 1930, bị bọn phản động giết. Chúng nó biết tôi. Tôi ở đây không được. Anh cho tôi đổi vùng”. Đồng chí Hai Liêm đồng ý chuyển tôi về Tỉnh ủy Châu Đốc.

Lúc bấy giờ, cồn Lân và cồn Chài còn bị địch chiếm, nhưng hàng ngày bà con, nam, nữ thanh niên thừa sơ hở của địch, bơi xuồng qua Cao Lãnh coi văn công, chiếu bóng, triển lãm... cùng vui hưởng không khí hòa bình, thăm bộ đội và người thân. Nhờ có tập kết mà dân bên cồn qua đất liền, tiếp xúc bộ đội, cán bộ ta, tạo điều kiện thuận lợi cho ta gầy dựng cơ sở cách mạng sau nầy. Hôm chuyến tàu cuối cùng đưa bộ đội ta rời bến bắc Cao Lãnh, tôi cũng có mặt ngậm ngùi tiễn đưa. Tàu chạy rồi, hồi lâu tôi mới về! Tôi đến ở nhờ nhà người quen ở kinh Sáu Mỹ rồi vô rạch Bà Vại. Hai hôm sau, tôi theo giao liên lên Bãi Thưa huyện Hồng Ngự, nơi Tỉnh ủy Châu Đốc đóng. Một tháng sau, các anh đưa tôi ra dạy học để tạo thế hợp pháp.

Năm 1956, tôi trở về Cao Lãnh, Huyện ủy Cao Lãnh cử tôi về xã Tân Thuận Đông, ở nhờ nhà cơ sở ở Cái Tắc. Hôm đám giỗ ông già, tôi qua cồn. Mới sáng, bọn lính Quốc gia đi tảo thanh lực lượng Hòa Hảo, gặp tôi hỏi giấy. Tôi đưa giấy ra. Chúng tình nghi bắt tôi đưa xuống đuôi cồn rồi giải qua Cao Lãnh. Một tuần sau, chúng dẫn tôi ra cho Đại đội Phùng nhìn mặt. Ông ta lắc đầu, nên sáng hôm sau chúng thả tôi.

Trở về xã Tân Thuận Đông, tôi được phân công phụ trách chi bộ hợp pháp và đoàn Thanh niên Lao động. Thực hiện chỉ đạo của trên, nhiệm vụ của chi bộ là tuyên truyền, vận động nhân dân viết kiến nghị gởi chánh quyền Sài Gòn đòi hiệp thương, tổng tuyển cử, đòi Ủy ban Giám sát đình chiến đóng ở Tân Châu xét xử vụ bọn lính thảm sát bà con ta ở Bình Thành (Thanh Bình). Nhân dịp địch thành lập Hội đồng xã, chúng tôi cố gắng đưa người của ta vô, như đưa anh Hiếu làm cải cách điền địa và các thanh niên như Ẩn, Dũng, Đủ, Mây... vào lập được một Tiểu đội Dân vệ xã, đồng thời khi địch bắt quân dịch, ta đưa một số thanh niên vào. Hai cuộc địch tổ chức trưng cầu dân ý để gạt bỏ Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống và sau đó bầu cử Quốc hội, chi bộ lãnh đạo nhân dân tẩy chay không đi bỏ thăm, một mặt đồng chí Bảy Nhàn - Huyện ủy viên phụ trách xã, đưa xuống con dấu trưng cầu dân ý và bầu cử Quốc hội để các đồng chí và cơ sở đóng vào giấy căn cước, phòng khi địch tra xét.

Năm 1957, anh Tường được đi điều lắng ở Sài Gòn, tôi được cử làm Bí thư Chi bộ xã Tân Thuận Đông. Tôi thường về cồn Lân, cồn Gòn gây dựng cơ sở. Tháng 3/1958, tại nhà chị Ba Đô, tôi và Thanh Hải - Bí thư Chi đoàn thanh niên đem tài liệu và họa báo từ miền Bắc gửi vô ra xem. Tôi vừa bước ra sau hè thì đụng lính đi ruồng. Chúng bắt tôi hỏi giấy. Tôi nói giấy tôi để trong nhà, để vô lấy rồi bỏ chạy. Chúng la ó rượt theo. Nhờ vậy, Thanh Hải kịp chạy thoát và chị Ba Đô nhanh trí lấy chiếc chiếu dính cứt của đứa con phủ lên mấy tờ họa báo, nên chúng vô nhà, khám xét sơ sài rồi dạt ra. Chúng rượt theo tôi. Tôi chạy cỡ 300 thước thì chạy hết nổi, nên bị chúng bắt. Chúng giải tôi về Cao Lãnh, đánh, tra hỏi về Đảng.

Cũng trong năm 1958, trước tình hình địch ráo riết lùng sục, đánh phá cơ sở, đồng chí Bảy Nhàn cho tôi đi điều lắng ở vườn cao su Xuân Lộc tạm một thời gian. Đến cuối năm 1959, tôi trở về xã Tân Thuận Đông tiếp tục hoạt động bí mật và được Tỉnh ủy Kiến Phong rút về công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy.

Dương Út (lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn