Nhà báo cần những nỗ lực mới

Cập nhật ngày: 21/06/2018 06:03:14

ĐTO - Trong môi trường truyền thông số, đội ngũ phóng viên (PV), nhà báo (NB) đứng trước áp lực cạnh tranh của các loại hình truyền thông. Phát huy vai trò bản thân, tránh bị “tụt hậu”, NB phải nỗ lực không ngừng để bắt nhịp với những thay đổi trong xã hội.


Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan: “Nhà báo tỉnh nhà không chỉ là người đưa tin nữa mà nhà báo đã sống trong lòng xã hội, hành nghề vì trách nhiệm văn hóa, vì mảnh đất và con người Đồng Tháp của tất cả chúng ta”

Rèn kỹ năng

Nếu PV, NB được đào tạo bài bản chuyên ngành sẽ thuận lợi hơn khi tác nghiệp, bởi lẽ với các môn học được đào tạo chuyên ngành giúp PV, NB có thể vận dụng khá tốt những kỹ năng hiện trường, tiếp cận nguồn tin, lấy tin, lựa chọn những thể loại phù hợp cho ra tác phẩm báo chí đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Với những PV bài bản, họ ít nhiều có được những dự đoán cho những hiệu ứng xã hội sau khi tác phẩm báo chí hoàn thành. Đối với những PV không chuyên ngành, cần một sự rèn luyện, trải nghiệm, tích lũy nhiều thời gian sau xuất phát điểm học việc, đọc tư liệu nếu được nhận vào cơ quan báo chí. Sự thích nghi với thực tế công việc tại một cơ quan báo chí và những kiến thức lý thuyết chuyên ngành từ nhà trường đôi khi chưa thể gặp nhau. Bản thân PV, NB có suy nghĩ “tạm ổn” khi có việc làm, thiếu năng động, rèn luyện bản thân trong quá trình tác nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi khai thác đề tài, chọn thể loại, tiếp cận, phỏng vấn nhân vật, sắp xếp các chi tiết từ thực tế thành một tác phẩm báo chí logic, đúng, trúng, hay. PV thiếu kỹ năng, khi tác nghiệp trong những sự kiện chính trị quan trọng, tầm cỡ, những vấn đề tạo hiệu ứng xã hội lớn sẽ bị “ngợp”. PV thiếu kiến thức về chính trị, nghị trường, “đeo bám” nguồn tin hời hợt, chọn sai nguồn tin, vị trí tác nghiệp, chưa xác định được mục đích truyền thông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm. Sự “ngây thơ” của PV, NB trong thẩm định những thông tin từ nhiều nguồn, cách thức, hình thức chuyển tải, thiếu kiểm chứng nguồn tin, chủ quan khi nghe, nhìn một chiều, không liên hệ với cơ quan chức năng trao đổi về vấn đề phản ánh, thiếu nghiên cứu các quy định, tư liệu chuyên sâu dẫn đến khi phản ánh vấn đề mang tính chủ quan, chưa chính xác; hoàn toàn sai sự thật, gây hiểu nhầm tạo dư luận xã hội trái chiều, gây hoang mang, mất lòng tin của cơ quan, địa phương, người dân đối với PV, NB.

Luôn phải làm mới

Trong những năm gần đây, đội ngũ PV, NB trong tỉnh từng bước được đào tạo theo hướng bài bản, thông qua các Kế hoạch chiêu sinh đào tạo của các Học viện, Trường Đại học chuyên ngành như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các hệ thống Học viện tại TP.Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn (KHXH&NV) TP.Hồ Chí Minh, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội tuyển sinh đào tạo hệ đại học, cao học hoặc đào tạo văn bằng II chuyên ngành Báo chí (hệ đại học) thu hút các NB, PV tham gia học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên ngành. Cùng với kiến thức chuyên ngành, trình độ lý luận chính trị cũng được các cơ quan báo chí trong tỉnh tạo điều kiện đưa PV, NB tham gia các khóa học tập trung, không tập trung. Những kiến thức về lý luận chính trị là kiến thức nền, giúp đội ngũ NB, PV tự tin với vốn kiến thức chính trị, cập nhật nhanh chủ trương trong quá trình tác nghiệp, chuyển tải thông tin. Mỗi năm, các cơ quan báo chí có kế hoạch bổ sung kiến thức, kỹ năng tác nghiệp cho đội ngũ PV, NB qua các chương trình tập huấn ngắn hạn tại Đồng Tháp, hoặc ngoài tỉnh về các lĩnh vực truyền thông.

Hiện nay, vấn đề đào tạo nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên ngành thực hiện theo lộ trình, do vậy PV, NB khi thích nghi với hoạt động truyền thông mang tính cạnh tranh đòi hỏi bản thân luôn nỗ lực. PV, NB phải có trách nhiệm với nghề, tác phẩm, nhân vật, những vấn đề khi chuyển tải đến với công chúng. Nghiêm túc tiếp thu Nghị quyết, chủ động cập nhật kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề vững vàng. PV, NB có thể chọn cho mình một phong cách viết, một lĩnh vực, mảng đề tài chuyên sâu, dành thời gian nghiên cứu, bám sát, có sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ chuyên gia am hiểu. PV, NB chủ động tích lũy đủ kiến thức để hiểu, phân tích, bình luận, đánh giá, định hướng đúng về các vấn đề cần chuyển tải. Chủ động nghiên cứu thể loại báo chí, tránh tình trạng “lạc” thể loại, tuân thủ, điều chỉnh các quy trình làm báo để có bước cải tiến phù hợp, tránh làm báo theo cảm tính, chủ quan, không chính xác, tùy tiện, dẫn đến làm suy giảm lòng tin của công chúng, tụt hậu với môi trường truyền thông trong khu vực.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn