Nước mắm nhiễm thạch tín, vai trò truyền thông và công tác quản lý nhà nước

Cập nhật ngày: 21/10/2016 22:41:52

ĐTO - Thạch tín (arsen) hữu cơ có trong cá khi làm mắm hoặc nước mắm. Còn thạch tín vô cơ là chất hóa học cực độc, được bào chế và sử dụng để diệt chuột, thậm chí có người bỏ vào thức ăn, nước uống để đầu độc kẻ thù.

Mắm cá linh, món ăn truyền thống và là đặc sản của Đồng Tháp (Ảnh tư liệu)

Do đó, khi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát có đến 67% nước mắm nhiễm thạch tín, không phân biệt thạch tín hữu cơ hay vô cơ đã gây hoang mang trên diện rộng, từ người tiêu dùng đến doanh nghiệp cung cấp, phân phối nước mắm truyền thống (cá + muối, qua một thời gian ngâm ủ).

Hậu quả trên có sự góp phần không nhỏ của một số cơ quan báo chí, chủ yếu là báo điện tử.

Trả lời phỏng vấn của vietnamnet.vn, ngày 21/10/2016, về “Thông cáo báo chí” của Vinastas, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng: bất cứ phóng viên nào viết về an toàn thực phẩm đều nhất định phải biết, chẳng cần đến sự chỉ dẫn của các nhà chuyên môn, bởi vì phóng viên viết về lĩnh vực nào đều phải có kiến thức nền về lĩnh vực đó. Trong trường hợp này, phóng viên phải nhận ra ngay sự mập mờ trong bản “Thông cáo báo chí” của Vinastas và lẽ ra họ phải lập tức đối chiếu bản QCVN 8-2:2011/BYT, xem trong đó quy định những gì, việc này chỉ cần chưa tới 5 phút tra cứu. Nếu phóng viên cẩu thả thì biên tập viên nhất định phải làm điều đó. Một thông tin liên quan đến tâm trạng của hàng chục triệu người (tiêu dùng nước mắm) và công ăn việc làm của hàng chục vạn người (sản xuất nước mắm) mà được đưa một cách cẩu thả không kiểm soát, xin nói thẳng là cơ quan báo chí đó liệu có đáng được công chúng tin cậy?

Bộ trưởng cũng đã có ý kiến về sự câu kết để tạo thành một chiến dịch truyền thông nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này, gây hại cho doanh nghiệp kia, không chỉ là sự bất lương mà còn vi phạm pháp luật.

Trước đây, cũng đã thông tin sai trái khi cho rằng ăn bưởi bị ung thư, bao trái xoài ở Đồng Tháp, Tiền Giang có hóa chất độc hại, cá điêu hồng, cá rô phi ở Đồng bằng sông Cửu Long nhiễm chất cấm... Người sản xuất lao đao, phá sản.

Sau cái gọi là “Thông cáo báo chí” của Vinastas, Bộ Y tế cho rằng thông tin đó không có căn cứ pháp lý, nhiều nhà khoa học khẳng định thông tin đó không có cơ sở khoa học.

Nước mắm truyền thống của ông cha ta vẫn an toàn, được sử dụng qua hàng trăm năm, đã và đang được xuất khẩu đến nhiều nước.

Có thể phóng viên, biên tập viên, ban biên tập vì yếu nghiệp vụ, có thể vì lợi ích nhóm.  Nhưng khi bài viết được lan truyền, phát tán trên báo chí, nhất là báo điện tử sẽ dẫn đến hậu quả cực kỳ to lớn đối với kinh tế - xã hội, kể cả quốc phòng - an ninh quốc gia

Đạo đức, trình độ, nghiệp vụ của nhà báo và ban biên tập được nâng cao, cùng sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp được tập trung hơn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những người lợi dụng quyền tự do báo chí hay những nhà báo “bẻ cong ngòi bút” vì lợi ích nhóm, cá nhân; để không còn phóng viên, biên tập tập viên, lãnh đạo ban biên tập bị thu hồi thẻ nhà báo, bị cách chức, ở tù.

Chủ trương của Đảng ta là phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ các cơ hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng không thể vì lợi ích nhóm, cá nhân để hủy hoại quyền lợi của Quốc gia, dân tộc thông qua một bài báo không đúng và sau đó được sao chép vô tội vạ trên những trang mạng khác.

Chuyện nước mắm nhiễm thạch tín đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Mong rằng vụ việc sẽ được giải quyết rốt ráo đối với những cơ quan báo chí phát tán thông tin chưa được phép công bố, không thuộc thẩm quyền của Vinastas nói riêng, để không còn chuyện bưởi, xoài, cá... và nước mắm ảnh hưởng đến tâm trạng, dư luận xã hội, quyền lợi của người sản xuất và tiêu dùng, đến an ninh quốc gia.

Đối với Đồng Tháp, mước mắm và mắm cá linh vẫn là món ăn truyền thống, đặc sản của Đất Sen hồng.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn