Ông bí thư của nông dân

Cập nhật ngày: 01/08/2019 20:25:13

Về Đồng Tháp, ngồi uống chén trà ở xa tít miệt vườn Tháp Mười, hỏi ông Sáu Hoan, bà con nông dân đều biết. Nhưng không ít người chỉ biết ông Sáu là lãnh đạo tỉnh hay xuống thăm dân, nghe chuyện của dân và bày cách cho dân làm, chứ không biết ông là Bí thư Tỉnh ủy.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan tìm hiểu quy trình sản xuất và chế biến nấm linh chi tại cơ sở sản xuất nấm Phong Nhã,
xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp (Ảnh: Minh Phú)

Nặng lòng với nông dân

Giữa năm, nắng miền Tây Nam bộ đã không còn gay gắt, bởi mưa về liên tục làm dịu đi tiết khô hanh hừng hực trước đó. Chỉ ba giờ xe chạy, rời xa đô thị náo nhiệt, bức bối, Đồng Tháp Mười hiện ra với màu sắc và hương vị đặc trưng của lúa và sen làm mát lòng người. Đặt lịch trước phỏng vấn với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, nên phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị đồ nghề tác nghiệp chu đáo, và quan trọng nhất là phải đúng giờ hẹn, bởi biết người đứng đầu tỉnh luôn bận rộn, ngập trong công việc.

Câu đầu tiên ông nói với chúng tôi, đó là về cách xưng hô - gọi anh Sáu đi cho thân mật gần gũi, không có khoảng cách của nhà báo với người được phỏng vấn. Và không lan man, ông đi vào câu chuyện của người nông dân xứ này, lam lũ quanh năm mà vẫn nghèo khổ.

Cách nói chuyện dí dỏm, chân thành của ông đã thực sự cuốn hút người đối diện, tưởng như câu chuyện không có hồi kết. Theo Bí thư Lê Minh Hoan, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là một cuộc cách mạng, mà cuộc cách mạng này phải đổi mới từ tư duy của người nông dân, từ đó mới dẫn đến thay đổi về hiệu quả, giá trị kinh tế của sản xuất nông nghiệp. Ông cho rằng, người nông dân Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung cần có sự liên kết, gắn bó với nhau trong từng lĩnh vực để phát triển kinh tế. Chính họ phải từ bỏ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đi lên sản xuất lớn, như vậy mới tạo ra sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Từ những xung đột lợi ích nhỏ đến lớn đã đẩy người nông dân càng tách nhau ra, không tin tưởng nhau đã dẫn đến hệ quả là sản xuất rời rạc, chi phí tăng cao, sản phẩm không đồng đều, mạnh ai người nấy làm. “Nông dân quê mình cần cù, chịu thương, chịu khó, sao mà vẫn nghèo khổ?”- đây cũng chính là điều ông Sáu Hoan trăn trở đằng đẵng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau này là cán bộ, được đào tạo bài bản, đi nhiều nơi học tập, công tác, câu hỏi trên luôn nặng trĩu trong đầu ông mỗi khi nghĩ về bà con, xuống với bà con.

Ông Lê Minh Hoan sinh năm 1961 tại xã Hòa An, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ông là Kiến Trúc sư. Ngày 28/4/2014, BCHĐB tỉnh Đồng Tháp họp phiên bất thường, bầu ông Lê Minh Hoan - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010- 2015; Tháng 10/2015, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020, ông Lê Minh Hoan tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Tháng 1/2016, tại Đại hội XII của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII và nay là khóa XIV, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Cách đây mấy năm, trong một lần đi tiếp xúc cử tri ở huyện Châu Thành, giờ giải lao, ngồi uống trà với bà con nông dân địa phương, ông lại đem câu hỏi này ra hỏi và chính ông giải đáp. Ông khẳng định, bà con phải liên kết với nhau, từ bỏ sản xuất nhỏ, chuyển sang sản xuất lớn, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đổi mới tư duy lạc hậu…, bằng sự vận động, tuyên truyền của mình, ông đã khơi gợi tinh thần tương tác của người nông dân lại với nhau. Cũng chính từ đây, mô hình hội quán đầu tiên của Đồng Tháp đã ra đời, để bây giờ toàn tỉnh có gần tám chục hội quán với hàng nghìn thành viên là nông dân tham gia. Mỗi hội quán có một lĩnh vực sản xuất, kinh doanh riêng, đa dạng, phong phú. Nhưng trên hết, đó là sự gắn bó của cộng đồng, tin tưởng lẫn nhau và khẳng định hiệu quả của nó. Từ mô hình hội quán, đã ra đời hơn chục hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cho đến thời điểm này. Điều này khẳng định ý tưởng và quyết tâm của Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan là đúng đắn.

Nói về giờ giấc làm việc của mình, ông Sáu Hoan tâm sự, hầu như ông không có thứ bảy, chủ nhật. Những ngày không họp hành, ngày nghỉ, thường dành thời gian cho hội quán, về với bà con, dù ở những miệt vườn tít tắp cuối tỉnh. Không coi việc đi lại này là việc phụ mà ông coi là chính. Cũng chính từ đây mà Bí thư Tỉnh ủy đã tìm hiểu được khá rõ những bí thư, chủ tịch xã nào làm việc hiệu quả hay không? Cán bộ nào gần dân hay xa dân? Cũng từ đây, ông đã phát động phong trào “Về làng” tới toàn thể cán bộ, đảng viên từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Theo ông, khi cán bộ về với dân, tìm hiểu cuộc sống của người dân, san sẻ khó khăn với người dân, lúc đó mới biết người dân cần gì? muốn gì, thiếu gì để rồi tìm cách giúp họ. “Đừng bỏ rơi người nông dân, mình cũng từ làng mà ra…”- ông Sáu Hoan trầm tư.

"Không bỏ rơi người nông dân" - suy nghĩ đau đáu ấy của người Bí thư Tỉnh ủy đã thôi thúc ông tìm ra một hướng đi mới, cách làm mới cho người nông dân trong thời đại 4.0. Với mô hình hội quán đầu tiên và phát triển rộng khắp Đồng Tháp bây giờ, ông Sáu Hoan cảm thấy phấn khởi khi đã “kích hoạt” (từ mà ông rất tâm đắc thường dùng) được người nông dân thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, cùng nhau xây dựng một tập thể mạnh mẽ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhưng vẫn mang đậm chất thương yêu, chan chứa của cộng đồng làng quê. Quan trọng nữa, là ông đã “kích hoạt” được sự thay đổi trong cách quản lý của hệ thống chính trị ở cơ sở, không còn hình thức nữa mà trở nên gần gũi, thân thuộc với người nông dân hơn, phải lấy người nông dân là trung tâm, cách thức và hiệu quả sản xuất nông nghiệp là mục tiêu. Là người gắn bó mật thiết với quê hương, với thôn quê, nên nghe ông nói chuyện về nông dân, nông thôn mãi không thấy chán,... Và đề tài này với ông như vô tận.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn (Ảnh: P. Cường)

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cho biết, ông đang có ý tưởng xây dựng “Làng thông minh” trên cơ sở của các hội quán. Ông bảo, người ta đang xây dựng đô thị thông minh, vậy tại sao mình không có làng thông minh? Ở đó sẽ gắn kết bà con, chòm xóm với nhau bằng công nghệ; đưa các loại dịch vụ về làng, như giáo dục, y tế… đến tận nhà của người nông dân. Thậm chí thương mại điện tử cũng được người nông dân tiếp cận. Ở đó, người nông dân sẽ thực hiện “ba cùng”: Cùng nhau tạo môi trường sống tốt; cùng nhau quản lý môi trường và cùng nhau thụ hưởng môi trường.

Muốn làm được như vậy, theo ông, phải có một kế hoạch phù hợp để đào tạo người nông dân từng bước tiếp cận với những kiến thức mới lạ, bằng cách lồng ghép tuyên truyền, giáo dục vào trong các buổi sinh hoạt của các hội quán. Chính ông là người đưa hạ tầng internet về cho các hội quán sử dụng, và bằng nhiều nguồn, ông đã đi xin máy tính, điện thoại thông minh…mang về phân phát cho các chủ nhiệm hội quán để tiếp cận với khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào chăn nuôi, trồng trọt và phổ biến kiến thức cho các hội viên.

Bài học từ gần dân

“Sớm mai các em xuống với bà con, họ sẽ nói rất nhiều điều thú vị cho các em nghe. Chứ chỉ mình anh nói thôi sao hết?”- Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nói với phóng viên sau khi kết thúc cuộc nói chuyện hơn hai giờ đồng hồ.

Mang cảm hứng của ông, địa điểm đầu tiên chúng tôi tới là xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh. Trên con đường bê tông rợp bóng xoài xanh mướt, ông Lê Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thuận Tây đưa chúng tôi xuống thăm “Tân Quê Hội quán”, một cộng đồng nhà nông cùng bắt tay nhau trồng xoài sạch đã nhiều năm nay. Ông Đặng Văn Những, chủ nhiệm “Tân quê Hội quán” chìa chiếc điện thoại thông minh ra khoe: “Đây là quà của ông Sáu cho tôi đó! Từ lúc có điện thoại cài đặt zalo, đã giúp tôi mời hội viên đến họp và tuyên truyền chủ trương, chính sách đến khoa học kỹ thuật cho bà con rất tiện dụng. Cán bộ ở đây rất gần dân, từ người đứng đầu tỉnh đến cán bộ xã, thôn, ai cũng năng về với dân nên tụi tôi được nhờ!”.

 “Kinh tế hợp tác là tiền đề để người nông dân tham gia vào chuỗi ngành hàng với sự dẫn dắt của doanh nghiệp, tạo ra giá trị và thu nhập cao hơn từ các hoạt động bảo quản, chế biến, thương mại dịch vụ... Vậy, sự thay đổi đó là một "cuộc cách mạng" cần được nhận thức đầy đủ từ trong cấp uỷ, chính quyền và cả xã hội.” (Lê Minh Hoan- UVBCHTW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp).

Theo ông Những, nhờ sự động viên của Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo địa phương, ông và mọi người trong ấp đã cùng nhau phát triển vườn xoài sạch, học tập kỹ thuật diệt sâu bệnh bằng sinh học, mọi người đã mua tỏi, ớt về ngâm và phun lên lá, lên cây, áp dụng công nghệ bọc trái…, từ đó sản phẩm xoài đã được doanh nghiệp An Thuận Thảo từ Bà Rịa – Vũng Tàu về tận nơi thu mua hết với giá ổn định. Ông Lê Phước Tánh, Phó Chủ nhiệm “Thuận Tân Hội quán” tiếp chúng tôi trong khuôn viên của Hội quán do gia đình ông tự bỏ tiền ra tạo dựng. Ông nói: "Phải chi cán bộ lãnh đạo ai cũng được như ông Sáu Hoan thì dân chúng tôi khỏe re!". Kể về ông Bí thư Tỉnh ủy gần dân, ông Tánh bảo kể cả ngày không hết. Ông Sáu Hoan đi xuống thăm bà con nông dân nơi đây, thấy cảnh đẹp hữu tình, trên bến dưới thuyền, cây trái xum xuê, đã nghĩ ra và bàn với mọi người làm mô hình du lịch miệt vườn kết hợp với trồng cây ăn trái. Nói là làm, ông Sáu Hoan đã đầu tư cho Hội quán của ông Tánh tủ sách, máy tính, điện thoại, cử cán bộ về tập huấn khoa học kỹ thuật, ngành nghề du lịch, cùng xuống bàn bạc với Ban chủ nhiệm “Thuận Tân Hội quán”.

Từ khi bà con phát triển thêm ngành nghề này, thôn xóm nhộn nhịp, khách vào ra tấp nập, nhưng quan trọng là thu nhập của bà con tăng lên, đời sống khấm khá, tệ nạn xã hội hầu như không có, tình làng nghĩa xóm được gắn kết lâu bền. Cùng với đó là phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh, mạnh, thực chất. Những con đường khang trang được xây dựng đến tận các ngõ xóm vùng sâu heo hút, bộ mặt nông thôn ở đây thay đổi toàn diện. Ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, nơi có phong trào làm vườn với”Cây xoài nhà tôi” nổi tiếng khắp cả nước, người nông dân đã thành lập ra Câu lạc bộ: “ Nông dân với internet”.

Ông Nguyễn Văn Truyện, người dân xã Mỹ Xương tâm sự "Cái này là do ông Bí thư Tỉnh ủy về thăm, tìm hiểu cách sản xuất của bà con nông dân, sau đó ông đã phát động thành lập ra câu lạc bộ này". Từ câu lạc bộ nói trên, người nông dân được tiếp cận với internet, rồi biết cách sử dụng, quản lý cây trồng và bán hàng trên internet, mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với trước đây. Ông Truyện cho hay, ở ấp của ông đã có người bán cây cảnh trên internet mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Trực tiếp ông Sáu Hoan tặng hai điện thoại thông minh cho người phụ trách câu lạc bộ để rồi họ hướng dẫn cho các thành viên cách sử dụng. Từ đó, phong trào tiếp cận internet phục vụ sản xuất và kinh doanh được nhân rộng ra trong toàn xã. Để rồi, ở Mỹ Xương hôm nay, người sản xuất nông nghiệp đã ý thức rất cao rằng: "Sản xuất, mua bán nông sản là trao đi sức khoẻ, nhận lại niềm tin từ người tiêu dùng".

Về miệt vườn hoa Sa Đéc, người nông dân ở đây không lạ gì ông Sáu Hoan, bởi ông là hội viên của “Hội quán Làng Hoa”. Ông Ngô Văn Hồng Em, một nông dân sống bằng nghề trồng hoa ở Sa Đéc tâm sự, là lãnh đạo tỉnh, nhưng ông Sáu Hoan hay về với bà con lắm, chắc phải do niềm đam mê thì ông ấy mới không quản ngại nắng mưa, sớm tối để về cùng bà con tìm hiểu cách thức sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, ông Sáu rất đam mê công nghệ. Ông đã tặng chúng tôi máy tính xách tay và điện thoại thông minh để cập nhật, tìm hiểu những kiến thức mới lạ áp dụng vào trồng trọt chăn nuôi. Theo ông Ngô Văn Hồng Em, người dân rất phục ông Sáu Hoan, bởi tính cách cởi mở, ham học hỏi, biết chăm lo cho cuộc sống bà con, nên ông Sáu rất có uy tín ở địa phương. Ông Hồng Em kể, bữa trước có sang thăm làng du lịch quýt hồng bên huyện Lai Vung, ông chủ vườn nhắc đến ông Sáu Hoan với niềm cảm mến và biết ơn, bởi mô hình du lịch được thành công như hôm nay là có sự quan tâm, động viên giúp đỡ rất nhiều của ông Bí thư Tỉnh ủy. Chính ông Sáu Hoan đã tạo động lực cho mô hình du lịch miệt vườn phát triển tạo công ăn việc làm cho nhiều nhân công lao động ở địa phương. Giờ đây, có rất nhiều hội quán ở Đồng Tháp, người nông dân biết sử dụng internet, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, tiếp cận thị trường để không bị thụ động trong cung cấp hàng hóa cũng như mua nguyên liệu phục vụ sản xuất.


Mô hình du lịch miệt vườn ở Lai Vung - Đồng Tháp (Ảnh: K.V)

Thậm chí nhiều nơi ở thôn quê, người ta đã dùng điện thoại thông minh để chia sẻ những bài học hay, tấm gương học tập và làm theo phong cách đạo đức Hồ Chí Minh cho nhau nghe, xem, từ đó nhân rộng ra cộng đồng. Một nhận xét chung của bà con nông dân ở Đồng Tháp, nhất là ở địa phương có những hội quán hoạt động, đó là từ khi mô hình hội quán do Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan thành lập đến nay, đây là một môi trường cụ thể để cán bộ, đảng viên được thử thách, rèn luyện. Để chuyển từ cách quản lý "quan liêu, xa dân" đến thái độ làm việc năng động, sáng tạo, gắn bó mật thiết với nhân dân của chính quyền địa phương các cấp; để khuyến khích, định hướng, kiến tạo, không can thiệp quá sâu vào công việc của người dân.

Nhìn chung, mô hình này đã góp phần thúc đẩy phát triển các loại hình hợp tác, đồng thời là trung tâm kết nối cộng đồng, phát huy tính tự quản cộng đồng, từng bước góp phần thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở; góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà còn có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Hỏi ông Sáu Hoan tâm đắc điều gì nhất kể từ khi hội quán đầu tiên được thành lập, ông cười hiền rằng, kể ra thì cũng hơi nhiều. Nhưng có điều này ông luôn tâm đắc, đó là đã tạo ra được sự gần dân của cán bộ, đảng viên. Vì đây chính là môi trường để cán bộ, đảng viên được thử thách, rèn luyện, thông qua thực tiễn, phong phú và đa dạng. Đi đến thực tế cơ sở để phát hiện và ghi nhận từng nút thắt, điểm nghẽn để có sự điều chỉnh kịp thời, đúng đắn, phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành hay xử lý công việc.

Theo K.V (dangcongsan.vn)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn