Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan tại Hội nghị sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết ĐH IX Đảng bộ tỉnh

Cập nhật ngày: 17/07/2013 15:43:04

Sáng nay 17/7, tại Hội nghị sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh, đồng chí Lê Minh Hoan – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu làm rõ một số vấn đề quan trọng được nhiều người quan tâm. Báo Đồng Tháp xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.


Thưa các đồng chí !

Theo chương trình Hội nghị, tôi xin tham gia phát biểu một số ý kiến nhằm chia sẻ thêm những thông tin, những cảm nhận trong quá trình chỉ đạo, điều hành trong nửa nhiệm kỳ qua và những vấn đề trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Phần thứ nhất: Về tình hình kinh tế - xã hội nửa đầu nhiệm kỳ

Về kinh tế: Kinh tế tỉnh nhà trong nửa nhiệm kỳ đầu gặp khó, khó hơn những gì chúng ta đã tiên liệu. Kinh tế vĩ mô luôn bất ổn dẫn đến nhiều cơ chế, chính sách thay đổi, đầu tư công bị cắt giảm. Thị trường không thuận lợi cho doanh nghiệp và người sản xuất dẫn đến trạng đình trệ sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, tạm ngưng hoạt động. Nguồn lực hạn chế nên nhiều chương trình kỳ vọng khó hoàn thành, như: xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, xây dựng nông thôn mới, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, xây dựng trụ sở xã, nâng cấp đô thị... Nhiều dự án đầu tư chậm triển khai do nhà đầu tư còn hoài nghi về sự phục hồi của thị trường. Giá cả các loại nông sản, nhất là 2 mặt hàng chủ lực là lúa gạo và cá tra thấp, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tin đồn thất thiệt làm cho thu nhập của người sản xuất không cao, đời sống một bộ phận người sản xuất sụt giảm. Những nguyên nhân khách quan và cả chủ quan đã làm cho các chỉ tiêu tăng trưởng giảm và giảm sâu.

Trong khó khăn như vậy, vẫn có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã cơ cấu lại bộ máy, sản phẩm, một số thị trường mới được khơi thông. Nhiều dự án được đưa vào hoạt động, tạo ra năng lực mới cho thời gian tới. Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo mô hình đồng bộ, khép kín từ hỗ trợ đầu vào, đến thu mua, chế biến tồn trữ, xuất khẩu. Công tác thu hút đầu tư vẫn tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực. Một số dự án đi vào hoạt động, nhiều dự án mới vẫn được khởi công. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đề xuất nhiều cơ hội mới, liên kết, hợp tác mở ra các chương trình nhiều tiềm năng.

Nhận thức của người nông dân về liên kết sản xuất được lan toả nhanh, mô hình cánh đồng liên kết đang trở thành điểm nhấn về nông nghiệp hiện nay. Mô hình hợp tác trong nông nghiệp được nâng lên, tạo điều kiện cho việc hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Nhiều mô hình sản xuất mới bước đầu có hiệu quả. Các cấp uỷ luôn bám sát các chương trình kinh tế - xã hội của Tỉnh để cụ thể hoá vào chương trình hàng động cụ thể. Sự năng động của cấp huyện đã được nâng lên, nhất là trong phát hiện các nhân tố tích cực trong xã hội.

Về văn hoá - xã hội: Chất lượng giáo dục tiếp tục được cải thiện qua kết quả tốt nghiệp THPT, các trường chuyên được xếp trong nhóm đầu trong các trường THPT trong cả nước về thành tích thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi cấp vùng, quốc gia. Chất lượng giáo dục giữa đô thị và nông thôn được thu hẹp. Một số trường dạy nghề cấp huyện đã gắn kết với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh được nâng lên, tinh thần y đức được cải thiện đáng kể. Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả được nhân rộng. Kế hoạch phát triển du lịch bắt đầu từ củng cố cơ quan quản lý chuyên ngành, đào tạo nhân lực, bắt đầu xây dựng thương hiệu, bản sắc riêng cho du lịch Đồng Tháp.

Tuy nhiên, lĩnh vực xã hội còn nhiều vấn đề quan tâm. Sinh viên ra trường chưa có việc làm gây khó khăn cho gia đình và xã hội, cần có cách nhìn nhận mới trong công tác hướng nghiệp, phân luồng, tình trạng học sinh bỏ học còn ở mức cao. Tình trạng quá tải các tuyến khám chữa bệnh chậm khắc phục, tỉ lệ tham gia BHYT tự nguyện còn thấp. Hiệu quả đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề nông thôn chưa đạt yêu cầu. Mô hình hoạt động của Trường Trung cấp nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện còn trùng giẫm, ý thức chủ động tham gia thị trường lao động của một bộ phận người dân, trong đó có thanh niên chưa cao.

An ninh trật tự ổn định, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật còn ở mức cao. Tội phạm trộm cắp gây bất an trong xã hội. Tai nạn giao thông còn ở mức cao cho thấy các giải pháp chưa hiệu quả. Việc triệt phá các vụ án cờ bạc, khai thác cát trái phép đã lấy lại niềm tin trong nhân dân, nhưng qua đó cũng cho thấy nhiều yếu kém trong quản lý địa bàn và thiếu tính quyết liệt của các cấp chính quyền và cơ quan thực thi pháp luật.

Cải cách hành chính được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Nhận thức mới về tinh thần phục vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước và trách nhiệm người đứng đầu, tính chủ động phối hợp của các ngành được nâng lên. Thông qua cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc, môi trường kinh doanh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn ở mức cao, hình ảnh địa phương được lan toả. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, nền hành chính vẫn còn nhiều ách tắc, chưa tạo ra sự thông suốt, đồng bộ trong bộ máy. Còn nhiều khúc mắc trong nhân dân và doanh nghiệp về các thủ tục đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, kê khai, nộp và hoàn thuế, khám chữa bệnh theo diện BHXH, công chứng, chứng thực, tiếp cận các chính sách an sinh xã hội...

Phần thứ hai: Về một số vấn đề hiện nay và trong nửa nhiệm kỳ còn lại

1- Về điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế

Trong nền kinh tế thị trường, qui luật cung - cầu quyết định các yếu tố sản xuất kinh doanh. Diễn biến thị trường nông sản liên tục nhiều năm luôn không thuận lợi cho các doanh nghiệp, cho các nông sản của Tỉnh. Chính sách vĩ mô theo hướng kiềm chế lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chủ trương hoãn, giãn, giảm một số loại thuế, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Nguồn lực đầu tư của Tỉnh có giới hạn trong khi các nguồn đầu tư kỳ vọng từ Trung ương bị giảm, nguồn vốn huy động từ xã hội chúng ta không chủ động được. Như vậy, cả 2 yếu tố quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế là "đầu vào" và "đầu ra" đều nằm ngoài sự chủ động của chúng ta.

Cả về lý thuyết kinh tế lẫn thực tiễn cho thấy đã đến lúc cần xem lại việc xây dựng các chỉ tiêu kinh tế. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta chuyển từ xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng dựa trên qui mô, sản lượng như đã làm, sang tập trung xây dựng các chương trình phát triển cho từng lĩnh vực kinh tế, hỗ trợ từng nhóm doanh nghiệp ngành hàng, phát triển từng nhóm sản phẩm. Trong điều hành, kịp thời nắm bắt các tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp và xã hội để hỗ trợ, tiếp sức, tháo gỡ từng điểm nghẽn. Đồng thời, chúng ta tập trung cho các chương trình kinh tế trong trung hạn và dài hạn, trong đó nhiệm vụ "tái cơ cấu nông nghiệp", "xây dựng chuỗi giá trị gia tăng theo từng nhóm ngành nông sản" là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt hàng đầu cho nửa cuối nhiệm kỳ còn lại.

2- Về cánh đồng liên kết và tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Nông nghiệp ĐBSCL, trong đó có Đồng Tháp đang gặp khó, đang đứng trước thử thách khắc nghiệt. Có nhiều nguyên nhân: do biến động cung - cầu của thị trường nông sản thế giới, do phương cách vận hành trong quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, do phương thức cắt khúc, lỗi thời giữa sản xuất và tiêu thụ, do vai trò và lợi ích nhóm từ một số doanh nghiệp...

Một trong 5 định hướng lớn trong nửa cuối nhiệm kỳ của Tỉnh ủy là xây dựng "Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Gần đây, chủ trương xây dựng cánh đồng liên kết hay nói rộng ra là vấn đề liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản đã lan toả nhanh trong người sản xuất, trong doanh nghiệp và trong cả hệ thống chính trị từ Tỉnh đến cơ sở. Đây là tín hiệu tích cực, là khởi đầu cho bước chuyển mình hướng đến nông nghiệp bền vững, khi người sản xuất trả lời được câu hỏi: "trồng cây gì? bán cho ai? bán như thế nào?" và doanh nghiệp cũng trả lời được: "mua ở đâu? mua của ai? mua như thế nào?". Để nhìn rõ hơn về các mặt tích cực, hạn chế việc chạy theo phong trào xây dựng cánh đồng liên kết như nhiều phong trào chúng ta đã vận hành trong thời gian qua, tôi xin trình bày thêm những góc nhìn của mình để các đồng chí chia sẻ:

- Mô hình cánh đồng liên kết gồm 3 yếu tố cấu thành: (1) hạ tầng cơ sở đồng bộ hướng đến hiện đại, (2) tổ chức lại sản xuất theo hình thức kinh tế hợp tác, (3) liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định. Tôi muốn nhấn mạnh đến cả 3 yếu tố trên, trong đó đặc biệt là yếu tố "tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác". Nói cách khác, đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ là "điều kiện cần", còn để thành công trong cánh đồng mẫu lớn phải có "điều kiện đủ" là tổ chức lại sản xuất hợp tác và có doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ.

Để phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị tham gia vào xây dựng cánh đồng liên kết và tái cơ cấu nông nghiệp của Tỉnh, tôi đề nghị: (1). Ban Dân vận Tỉnh uỷ nghiên cứu Đề án tổ chức sinh hoạt của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong các cánh đồng liên kết, (2). Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức các hoạt động truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền về "giá trị" của việc chuyển đổi quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, bổ sung chương trình đào tạo cán bộ của Trường Chính trị nhằm cập nhật những kiến thức, chủ trương mới trong nông nghiệp, nông thôn, (3). Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tham gia thực hiện nâng cao năng lực cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở, trong đó có luân chuyển, bố trí lại cán bộ đủ sức tổ chức hiệu quả, sáng tạo chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện chủ trương xây dựng quan hệ sản xuất mới. Như vậy song hành với kêu gọi doanh nghiệp vào hợp đồng tiêu thụ trong cánh đồng liên kết, trách nhiệm tổ chức lại sản xuất là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của chính quyền và cả hệ thống chính trị chúng ta.

- Cánh đồng liên kết có những điều kiện nhất định về qui mô sản xuất, hệ thống hạ tầng, tính tương đối đồng nhất trong loại hình sản xuất. Tôi muốn nêu điều này để chúng ta xây dựng cánh đồng liên kết phải phù hợp đặc điểm riêng của từng địa phương. Nói cách khác, sẽ không có mô hình chung, không thể mặc "đồng phục" cho tất cả cánh đồng liên kết cho cả Tỉnh. Các địa phương phía Nam, nơi diện tích sản xuất nhỏ, manh mún, đan xen giữa lúa, màu và cây ngắn ngày phải khác với các địa phương phía Bắc, nơi đã có hạ tầng tương đối đồng bộ, qui mô đồng ruộng lớn. Các địa phương thay vì trông chờ vào mô hình cánh đồng liên kết của Tỉnh, cần nhận diện ra nét đặc thù, sự khác biệt của mình, nhận diện cả cơ hội lẫn thách thức, cả thuận lợi lẫn rủi ro khi đối diện với nền kinh tế thị trường và nhất là tâm lý, tập quán sản xuất của người dân. Nói cách khác, sẽ không có cánh đồng liên kết chung cho cả Tỉnh, cũng như nông nghiệp Đồng Tháp sẽ đi lên bằng cách riêng của mình, người Đồng Tháp làm cánh đồng liên kết theo kiểu Đồng Tháp, vừa có những điểm tương đồng với các địa phương khác trong Vùng, vừa dựa trên đặc thù của chúng ta.

Sau 30 năm khai phá Đồng Tháp Mười, chúng ta đã phát triển nông nghiệp đi hết chiều rộng và đang lúng túng khi đưa ra viễn cảnh đưa nông nghiệp đi vào chiều sâu, tăng trưởng dựa vào năng suất, chất lượng thay cho dựa vào qui mô, sản lượng. Cánh đồng liên kết sẽ là đáp án nếu chúng ta vận hành hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, cánh đồng liên kết không thể đạt được qua 1, 2 mùa vụ, mà phải mất nhiều năm, trải qua nhiều bước đi, vừa làm, vừa rút ra kinh nghiệm để kiến nghị bổ sung cơ chế, chính sách, vừa làm vừa tổ chức lại sản xuất, vừa từng bước nâng dần chất lượng các hình thức kinh tế hợp tác.

- Tôi xin trình bày thêm suy nghĩ của mình về các bước đi để tiến tới hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo chặt chẽ, điều kiện tiên quyết cho mô hình sản xuất hàng hoá (sự vận động qua 6 bước):

(1). Doanh nghiệp thu mua theo mùa vụ thông qua thương lái, đây là cách làm phổ biến hiện nay dẫn đến nhiều hệ luỵ cho người sản xuất và nền nông nghiệp;

(2). Doanh nghiệp chuyển từ thu mua mùa vụ thông qua thương lái sang thu mua theo hợp đồng đặt hàng;

(3). Doanh nghiệp chuyển từ hợp đồng thu mua theo hợp đồng sang doanh nghiệp đầu tư nguyên liệu đầu vào như: giống, vật tư, phân bón, tín dụng;

(4). Doanh nghiệp chuyển từ đầu tư nguyên liệu đầu vào sang đầu tư hệ thống lò sấy, kho dự trữ ở các hợp tác xã;

(5). Doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu khoa học để tạo ra chất lượng giống tốt hơn, huấn luyện nông dân thay đổi qui trình sản xuất tốt hơn để tăng năng suất, giảm giá thành, tiến tới xây dựng thương hiệu;

(6). Người sản xuất tham gia cổ phần cùng với doanh nghiệp để cùng chia sẻ lợi ích trong chuỗi giá trị gia tăng của ngành hàng. Đây là bước cuối cùng để xây dựng các tổ hợp công - nông nghiệp trong tương lai.

Với những kết quả ban đầu của mô hình Công ty Lương thực Tân Hồng, Công ty TNHH Võ Thị Thu Hà, Doanh nghiệp Cẩm Nguyên và nhiều doanh nghiệp khác, chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng có cách làm nông nghiệp theo kiểu Đồng Tháp. Vấn đề ở đây là chúng ta phải chủ động trong từng bước đi, phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, trước nhất là củng cố, nâng cao chất lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất trong từng cánh đồng liên kết. Chính phủ đang có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào cánh đồng mẫu lớn, khi đó sẽ tạo ra sự kích thích lớn cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào cánh đồng liên kết, vào liên kết sản xuất và tiêu thụ. Tôi nghĩ rằng, đây là giai đoạn chuyển đổi phương thức sản xuất, chuyển từ mô hình sản xuất kinh tế hộ sang kinh tế hợp tác, bài toán liên kết sản xuất - tiêu thụ chỉ là giai đoạn đầu để hướng đến quan hệ sản xuất mới.

3- Về đổi mới công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp

Chúng ta cần hiểu về bản chất của kinh tế thị trường, thị trường luôn có độ co giãn cung cầu trong từng thời điểm nhất định. Theo cách làm cũ, chúng ta quy hoạch để tạo ra sản phẩm rồi mới tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nói cách khác chúng ta đã cắt khúc giữa sản xuất và tiêu thụ. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp không chỉ là qui mô nuôi trồng, mà phải trả lời được các câu hỏi: trồng cây gì, nuôi con gì, bán cho ai, bán như thế nào? Chúng ta không thể cắt khúc giữa quy hoạch sản xuất (nguồn cung) và thị trường (nguồn cầu). Ngay khi quy hoạch chúng ta phải tính đến hình thức hợp tác trong sản xuất và định hướng thị trường tiêu thụ. Chính thị trường thông qua doanh nghiệp sẽ quyết định chất lượng nông sản, qui mô và thời vụ sản xuất. Do đó, chúng ta sẽ chuyển từ "Quy hoạch sản xuất" thành các "Chương trình phát triển từng loại nông sản" có thế mạnh, trong đó, quy hoạch chỉ là một nội dung, các nội dung còn lại bao gồm: tổ chức lại sản xuất, định hướng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, công tác tiếp thị, truyền thông, qui trình quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, GAP sẽ là những hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo cho các chương trình phát triển hiệu quả.

4- Về lề lối làm việc của hệ thống chính trị cơ sở; nâng cao vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội; tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình tổ dân phòng liên kết theo hướng cộng đồng tự quản với sự tác động của hệ thống chính trị cơ sở.

Qua thực tiễn trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND Tỉnh càng nhận thức vai trò, tầm quan trọng, những tích cực và những bất cập trong bộ máy cấp xã hiện nay. Kết quả công bố chỉ số quản trị điều hành và hành chính công cấp tỉnh, một chỉ số đánh giá mức độ cảm nhận của người dân về năng lực điều hành, quản lý của chính quyền chủ yếu ở cấp xã, cho thấy còn nhiều hạn chế đối với cấp này. Những lúng túng trong chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều nguyên nhân từ bên trên, nhưng trong đó có nguyên nhân từ tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở. Năng lực, lề lối, kỹ năng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức nhìn chung bị hụt hẫng. Sự sao chép, rập khuôn, trông chờ vào chủ trương của cấp trên; các chương trình vận hành không gắn với điều kiện cụ thể của địa phương mình; sự phối hợp trong hệ thống chưa đồng bộ, đôi khi còn chồng chéo, rối rắm; chưa tạo ra tính chủ động của người dân tham gia vào các vấn đề xã hội, từ đó làm hạn chế hiệu quả nhiều chương trình của địa phương.

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND Tỉnh xác định là hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng, cải tiến lề lối làm việc, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức, thí điểm luân chuyển các chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND cấp xã, trước hết là 30 xã nông thôn mới. UBND Tỉnh cũng nhận thức rằng nhiệm vụ này sẽ không dễ dàng, sẽ có những trở ngại, ngay từ trong nhận thức của các ngành, các cấp, đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức, những người đang thụ hưởng chính sách tiền lương, phụ cấp thấp như hiện nay. Do đó, UBND Tỉnh sẽ có những bước đi cẩn trọng, trước tiên là tập trung quán triệt trong nội bộ về sự cần thiết, các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể trong từng năm.

Về tổ dân phòng khuyến học, tổ dân phòng liên kết và mô hình tự quản cộng đồng

Tính tự quản được hình thành do yêu cầu khách quan vì không phải bất kỳ hành vi nào của con người, bất kỳ quan hệ xã hội nào cũng do pháp luật điều chỉnh. Ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, con người còn tự điều chỉnh hành vi của mình theo quy phạm tập quán, đạo đức, tôn giáo... Tự điều chỉnh hành vi của mỗi người chính là cơ sở tự quản. Cộng đồng dân cư tự quản một số công việc như: tự giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ, tự bàn biện pháp bảo vệ các công trình, cơ sở hạ tầng, như: hố ga, cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, tham gia giảm nghèo, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Mô hình tổ dân phòng - liên kết được Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh tổng kết và nhân rộng từ mô hình tổ dân phòng - khuyến học của huyện Cao Lãnh. Tuy nhiên, việc triển khai ra toàn Tỉnh chưa đủ mạnh, trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng UBND Tỉnh sẽ phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh uỷ có kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động mô hình này. Tôi đề nghị các cấp uỷ huyện quan tâm lãnh đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị chuyển hoạt động của mình về các tổ dân phòng liên kết, tạo ra sinh khí mới trong các cộng đồng dân cư, có thể là một trong những giải pháp khắc phục bệnh hành chính hóa mà chúng ta đã nhận ra.

Kính thưa các đồng chí!

Những vấn đề tôi vừa trình bày không có vấn đề nào dễ dàng cả, không một giải pháp nào có thể giải quyết trọn vẹn những bất cập trong nền kinh tế, trong các vấn đề xã hội. Xuất phát điểm của chúng ta rất thấp, tập quán sản xuất, tư duy quản lý, cách nghĩ, cách làm luôn có sức ì không thể thay đổi trong một sớm, một chiều, trong một, hai mùa vụ. Những hoạt động kinh tế, xã hội luôn đan xen giữa mặt tích cực lẫn tiêu cực. Những bất cập trong tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức có quá nhiều nguyên nhân nên cũng không thể trong thời gian ngắn có thể hoàn thiện được ngay. Nhưng theo tôi, chúng ta phải bắt đầu, ai bắt đầu sớm, có cách làm phù hợp sẽ về đích sớm.

Xin cám ơn và chúc các đồng chí mạnh khoẻ, thành công trong công việc và cuộc sống!

LÊ MINH HOAN
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn