Phát biểu của đồng chí Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh

Cập nhật ngày: 06/12/2017 16:20:15

ĐTO - Nhân kỳ họp thứ 6 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khoá IX, đồng chí Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp có bài phát biểu tại kỳ họp. Báo Đồng Tháp Online trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan phát biểu tại Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IX (Ảnh: Phú Thuận)

Kính thưa: Chủ toạ kỳ họp,

Thưa: Quý vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa cử tri và bà con nhân dân tỉnh nhà!

Vậy là, chúng ta đã qua 5 kỳ họp HĐND tỉnh. Điều đó nhắc nhở rằng, chúng ta đã đi được gần nửa chặng đường của nhiệm kỳ. Qua mỗi kỳ họp, chúng ta đã trưởng thành hơn, bổ sung nhiều kinh nghiệm hơn trong hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh. Hoạt động chất vấn, giám sát đã thúc đẩy bộ máy hành chính năng động hơn, sâu sát hơn. Nhiều góc khuất của xã hội, nhiều kiến nghị của cử tri đã được đưa lên bàn nghị luận. Những quyết sách lớn của tỉnh đã đi vào chiều sâu và thu được những kết quả ban đầu quan trọng. Bên cạnh đó, còn nhiều mục tiêu, chỉ tiêu còn phải phấn đấu cao độ trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Tại Kỳ họp này, tôi xin phát biểu tập trung về một vấn đề có tầm quan trọng sống còn trên con đường phát triển của tỉnh nhà. Đó là: "Nông nghiệp và chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới".

Thưa quý vị đại biểu,

Chúng ta đã triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp được khoảng 3 năm. Chúng ta đã phát hiện ra những điểm nghẽn, những trở lực, những khó khăn. Có những điểm nghẽn đã vượt qua được, có những nút thắt còn đang lúng túng tìm giải pháp. Chúng ta tự tin rằng, mình đã tìm đúng hướng, đi đúng đường và đã đạt được kết quả ban đầu. Những nội dung, mục tiêu của Đề án được tóm tắt trong 6 vấn đề: "Hợp tác, Liên kết, Thị trường, Giảm chi phí, Tăng chất lượng, Chế biến tinh". Đối chiếu với những gì mà nông nghiệp cả nước gặp phải trong thời gian qua như phải "giải cứu" nhiều loại nông sản, cho thấy, chúng ta đã tìm ra đúng giá trị cốt lõi từ những điều ấy. Tôi xin trao đổi để làm rõ hơn 6 vấn đề trên.

Trong nhiều bảng báo cáo, nông sản của chúng ta luôn bị đánh giá có sức cạnh tranh kém, nhưng chưa có những lý giải thấu đáo, đầy đủ về nguyên nhân của tình trạng nêu trên. Nông sản cạnh tranh kém vì chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành cao. Nông sản cạnh tranh kém vì chất lượng không đồng đều, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đây, chúng ta phấn khởi khi một vài nông sản như xoài, nhãn, cam quýt,... đã xuất khẩu được, nhưng đồng thời cũng lo ngại khi đã có nhiều lô hàng bị từ chối vì không đáp ứng quy định của nhà nhập khẩu, vi phạm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất cấm khác.

Giải pháp tháo gỡ 2 nút thắt "chi phí cao" và "chất lượng kém" như trên sẽ không thể làm được nếu người nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Sản xuất nhỏ thì chi phí cao. Sản xuất tự phát thì sẽ không tuân thủ một quy trình chung để bảo đảm chất lượng, độ đồng đều cho nông sản. Sản xuất riêng lẻ thì ngay người sản xuất sẽ tự cạnh tranh với nhau. Cạnh tranh với nhau thì người sản xuất muốn mua trước, mà để được mua trước thì phải mua giá cao hơn. Cạnh tranh với nhau thì người sản xuất muốn bán trước, mà để được bán trước thì phải bán giá thấp hơn. Vậy là, thiệt cả 2 đầu mua và bán. Cạnh tranh với nhau thì người sản xuất có thể cắt giảm quy trình canh tác để giảm chi phí. Cạnh tranh lẫn nhau thì người nông dân có thể dùng những hoá chất độc hại để nông sản được lớn hơn, đẹp hơn. Những điểm đó đều là điểm liệt trên thị trường, gây thiệt hại ngay cho người sản xuất. Nông nghiệp thiếu bền vững là ở chỗ đó.

Thưa quý vị đại biểu, những phân tích trên cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác. Hay nói cách khác, kinh tế hợp tác bao gồm tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) là cứu cánh duy nhất giúp tháo gỡ khó khăn cho người nông dân và cả nền nông nghiệp. Rất tiếc vì nhiều lý do, cả khách quan từ người nông dân, đến chủ quan ngay từ trong bộ máy, kinh tế hợp tác của chúng ta chậm chuyển đổi, hoạt động không đúng bản chất. Chính vì vậy nhiều THT, HTX chưa thật sự là "bà đỡ" cho mục tiêu giảm chi phí và nâng cao chất lượng. Nguyên lý của kinh tế hợp tác là tận dụng sức mạnh khi "mua chung, bán chung". Mua chung là mua sỉ, mua sỉ thì giá rẻ, mua được tận gốc tránh được hàng gian, giả, kém chất lượng. Bán chung thì nhờ vào sức mạnh số đông để đàm phán với mức giá tốt nhất.

Kinh tế hợp tác như hiện nay chưa đóng vai trò là một mắc xích gắn người sản xuất với thị trường thông qua liên kết với doanh nghiệp. Mỗi mùa vụ là có những hợp đồng liên kết đổ vỡ và thường doanh nghiệp là người dễ bị quy kết là nguyên nhân chủ yếu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận ứng tiền trước cho nông dân, nhưng sau khi thu hoạch thì chất lượng nông sản không đúng với cam kết, hoặc khi giá cả tăng lên thì người nông dân bán ra thị trường. Chúng ta phải công bằng cho cả người nông dân và cho cả doanh nghiệp. Liên kết không thành công dẫn đến hệ luỵ là nông sản vẫn trôi nổi, có mùa thắng nhưng có vụ lại thua. Chúng ta phải giúp cho mối liên kết ngày càng bền vững hơn bằng cách tạo dựng lòng tin cho cả 2 chủ thể là doanh nghiệp và người sản xuất. Doanh nghiệp không thể liên kết với từng hộ sản xuất mà phải thông qua THT, HTX, với điều kiện những tổ chức này phải thật sự vì lợi ích của người nông dân chứ không chỉ đại diện cho một nhóm lợi ích nào đó.

Thưa quý vị đại biểu, HTX là chuyện cả thế giới đã làm hàng trăm năm nay. Sức mạnh của HTX đã được minh chứng ngay ở các quốc gia tiên tiến. Chúng ta thì chậm chạp và hay biện minh rằng người nông dân thiếu tính hợp tác. Điều đó cũng có phần đúng, nhưng cái chính là chúng ta chưa thật sự hành động. Đây đó trong bộ máy vẫn chưa thẩm thấu hết ý nghĩa, lợi ích của kinh tế hợp tác. Nguyên nhân là trong một thời gian dài tư duy của ngành nông nghiệp hầu như chỉ đơn thuần là "sản xuất nông nghiệp". Sản xuất nông nghiệp thì lấy sản lượng là mục tiêu hàng đầu. Bước qua nền kinh tế thị trường nhưng chúng ta lại chậm thay đổi tư duy kinh tế tương ứng.

Tư duy "kinh tế nông nghiệp", lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu. Mà lợi nhuận là bài toán trừ giữa doanh thu và chi phí, vậy, giảm được chi phí bao nhiêu thì đồng nghĩa lợi nhuận tăng bấy nhiêu. Chúng ta không phủ nhận tăng năng suất để tăng sản lượng cũng góp phần tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, sản lượng lại phụ thuộc vào cung cầu của thị trường. Thị trường thông qua xu thế người tiêu dùng là ngày càng ăn ít, nhưng phải ngon, phải bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nông sản phải có thương hiệu và truy xuất được nguồn gốc.

Kinh tế nông nghiệp là hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Chuỗi ngành hàng được bắt đầu từ giống, quy trình canh tác, cho đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, phân phối,... Chuỗi ngành hàng tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn, khắc phục tình trạng bán nông sản thô nhiều rủi ro, giá trị thấp. Lại một lần nữa, những khâu trong chuỗi như vậy chỉ có được khi có HTX đủ mạnh và có sự liên kết với doanh nghiệp. HTX An Phong - Mỹ Hoà giảm chi phí sản xuất nhờ thay đổi quy trình canh tác; HTX Tân Bình triển khai mở rộng diện tích trồng lúa hướng đến hữu cơ; THT sản xuất quýt sạch Vĩnh Thới liên kết với Vineco, HTX Xoài Mỹ Xương, THT xoài Hoà An liên kết với Công ty Long Uyên là những mô hình cần được nhân rộng.

HTX sản xuất nông sản an toàn An Hoà vừa mới được thành lập theo đúng Luật HTX năm 2012 là tín hiệu vui trong quá trình nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác. Quá trình tuyên truyền, vận động được tư vấn đầy đủ, bài bản. Phương án sản xuất kinh doanh của HTX bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh, chăm lo phúc lợi cho các thành viên và góp phần hỗ trợ cộng đồng. Phương án được bàn bạc dân chủ, nhiều vòng, là ý chí của tất cả 120 thành viên. HTX có sự tham gia của cả doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra. Mấy ngày gần đây, HTX Mỹ An, HTX Phú Điền vừa được thành lập mang lại niềm tin mới trong tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh nhà. Vậy là, trong HTX vừa mang tính "hợp tác, liên kết", vừa là một chuỗi ngành hàng thu nhỏ. Tất nhiên, mọi chuyện "Vạn sự khởi đầu nan", cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ. Nói chung là còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng ta có niềm tin và các địa phương cần nghiên cứu nhân rộng phù hợp.

Thưa quý vị đại biểu,

Nền nông nghiệp chúng ta không chỉ rủi ro khi không đủ sức cạnh tranh trong hội nhập, mà còn bị thách thức bởi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên nước. Đất đai đã có hướng suy giảm chất dinh dưỡng, dẫn đến những vụ mùa gần đây năng cây trồng có biểu hiện sụt giảm dần. Hệ quả là nông dân phải sử dụng nhiều phân thuốc. Tình trạng này lại dẫn đến dịch bệnh nhiều hơn, rồi lại phải tiếp tục lạm dụng phân thuốc nhiều hơn. Cái vòng lẫn quẩn đó làm tăng chi phí sản xuất và dẫn đến nhiều hệ luỵ khác. Quýt Lai Vung bị chết nhiều trong mùa vụ vừa qua, hoặc tình trạng quýt bị bệnh chai đầu múi, xoài mau hư khi vận chuyển đi xa phải chăng có nguyên nhân sử dụng phân thuốc không đúng khuyến cáo của các nhà khoa học và của doanh nghiệp tiêu thụ.

Kế hoạch hành động nông nghiệp tỉnh nhà thích ứng với biến đổi khí hậu cần là và phải là nhiệm vụ cấp bách trước khi phải trả giá. Giảm diện tích đất trồng lúa, cắt bớt lúa 3 vụ để đan xen các loại cây trồng, vật nuôi khác ít sử dụng nước phải được đánh giá hiệu quả và tổ chức nhân rộng phù hợp. Những mô hình lúa - màu, lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, chuyển đổi phù hợp diện tích đất lúa thành đất vườn đang chứng minh sự nhanh nhạy của người nông dân. Bên cạnh đó, đã xuất hiện sự xung đột giữa người nông dân đan xen những mô hình trên từng cánh đồng. Ngành nông nghiệp cần nhanh chóng tiếp cận với những thay đổi hàng ngày đó. Chậm chạp là chuyển từ rủi ro ở ngành hàng này sang rủi ro ở ngành hàng khác, thậm chí gây ra bất ổn trong nông thôn. Cam, quýt và một số trái cây khác giảm giá mạnh trong thời gian gần đây cho thấy, việc chuyển đổi đất lúa thành vườn cây ăn trái cho thấy đã có rủi ro do mất cân bằng cung - cầu. Tình trạng mở rộng nhanh diện tích trồng lúa nếp không phải chúng ta không dự báo trước rủi ro và quả thật đã giảm giá mạnh trong vụ vừa rồi. Đó là những lý do mà Đề án tái cơ cấu đặt ra: Phải lấy "thị trường" để quyết định sản xuất "cái gì, bao nhiêu" và "như thế nào".

Thưa quý vị đại biểu,

Những điều tôi đã trình bày ở trên không phải chúng ta không biết. Tuy nhiên, lối nghĩ cũ đã bám dính, từ người sản xuất, doanh nghiệp đến bộ máy chuyên ngành quá lâu. Nó cũng giống như đã dùng quen một món ăn với khẩu vị cũ, bây giờ thay đổi sẽ không tránh khỏi khó khăn. Nó đòi hỏi phải chứng minh món ăn mới ngon hơn, sạch hơn và có lợi cho sức khoẻ hơn. Sức khoẻ đó chính là tính bền vững của nền nông nghiệp, là thu nhập được tăng lên cho người nông dân. Tôi cũng từng chia sẻ rằng, không thể vụ trước vụ sau là mọi việc "đâu vào đó", nhưng cũng không thể để mọi việc "đâu còn đó". Muốn vậy, cả hệ thống phải cùng thay đổi nhận thức và hành động. Thay đổi để kích hoạt người sản xuất, doanh nghiệp thay đổi. Nhưng cũng cần biết rằng, đây đó trong xã hội đang có sự thay đổi tích cực, không trông chờ hệ thống chuyển động mói làm theo.

Chúng ta khoan bàn về việc phải đưa khoa học công nghệ vào sản xuất; khoan trách cứ nhau sao không hỗ trợ vốn cho HTX; khoan bàn chuyện quảng bá tìm đầu ra cho nông sản; khoan nói về lợi ích của công nghệ bảo quản, chế biến nông sản. Những chuyện đó là cần thiết, là việc phải làm. Nhưng trước hết, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh lại 2 nút thắt "chi phí cao, chất lượng kém" của nền nông nghiệp tỉnh nhà. Đó là hệ quả của cách sản xuất nhỏ lẻ, tự phát từ trồng trọt đến chăn nuôi. Phải có kinh tế hợp tác đủ mạnh, hoạt động vì lợi ích của người nông dân, mới tái cơ cấu nông nghiệp thành công. Muốn vậy, một lần nữa, tôi kêu gọi cả hệ thống, trong đó, có các vị đại biểu hãy là người góp phần tuyên truyền cho quyết sách phát triển kinh tế hợp tác. Giám sát, chất vấn tại mỗi kỳ họp, suy cho cùng, cũng để chúng ta đạt được sự đồng thuận của xã hội, trước hết là đồng thuận phát triển kinh tế hợp tác.

Thưa quý vị đại biểu,

Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Nông thôn mới phải là "nông thôn hài hoà, người dân thay đổi, biết tự lực, hợp tác với nhau trong cuộc sống" - Đây là điều kiện cần để tiến tới hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng chính là tiền đề phát triển kinh tế hợp tác. Và ngược lại, có nhiều THT, HTX mạnh chính là điều kiện cần để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, tăng thu nhập cho người nông dân. Như vậy, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới phải từ người nông dân, do người nông dân, vì người nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới không thể thành công nếu chỉ dừng lại ở các nghị quyết, kế hoạch, khẩu hiệu. Cả hệ thống phải đến từng cộng đồng dân cư, đến tận cánh đồng, thửa ruộng, mảnh vườn, ao cá để tuyên truyền, vận động, chia sẻ với bà con.

Từ trước đến nay, chúng ta hay nghĩ rằng tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của riêng ngành nông nghiệp. Điều đó chỉ đúng một phần. Cần phải xem đây là cuộc cải tổ ý thức, là cuộc cách mạng trong nông nghiệp và trong người nông dân. Đã là cuộc cách mạng thì phải tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống, đồng lòng trong cả hệ thống, phải kiên trì, bền bỉ. Đã là cuộc cách mạng thì tất cả phải hướng đến cùng một mục tiêu, bắt đầu là hướng người sản xuất làm cho được việc giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng nông sản. Không có có sự lựa chọn nào khác. Tôi muốn nhấn mạnh nhiều lần điều trên để thấy rằng, chúng ta không thể loay hoay, chậm chạp. Các cấp ủy, chính quyền các cấp phải xem phát triển kinh tế hợp tác là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là sự sống còn, là nút thắt đầu tiên phải được mở ra.

Thưa quý vị đại biểu,

Tất nhiên, mỗi kỳ họp HĐND không chỉ để bàn về lĩnh vực nông nghiệp vì nông nghiệp chỉ là một trong nhiều vấn đề kinh tế - xã hội. Còn biết bao nhiêu việc cần bàn, cần mổ xẻ, cần quyết định. Nhưng Đồng Tháp trong nhiều năm nữa vẫn là tỉnh nông nghiệp, do đó, tôi đề nghị chúng ta cùng đặt thứ tự ưu tiên để tìm lời giải cho bài toán nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nếu tiếp tục biện minh hoặc than phiền thì chúng ta sẽ chẳng thay đổi được gì cả!

Thưa cử tri và bà con nhân dân tỉnh nhà,

Tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri, sinh hoạt trong các hội quán, tôi thường chia sẻ rằng, chúng ta cần "tự cứu mình trước khi trời cứu". Như phân tích ở trên, "chi phí cao" và "chất lượng kém" là nút thắt mà chính bà con là người phải tháo ra để đảo ngược lại thành "chi phí thấp" và "chất lượng cao". Những bà con nơi khác đã làm và làm được, không lý gì mình không làm và không làm được. Một khi bà con sẵn lòng tháo nút thắt, cả hệ thống sẽ cùng đồng hành tháo với bà con.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc sức khoẻ quý vị đại biểu, các vị khách quý!

ĐTO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn