Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực

Cập nhật ngày: 13/01/2022 14:07:59

ĐTO - Các sở, ban, ngành và địa phương đã chủ động phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực của tỉnh. Bước đầu hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung có liên kết với doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ; áp dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc; triển khai các hoạt động hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối với các nhà phân phối để tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản trong và ngoài tỉnh.

Các sở, ngành, đơn vị liên quan kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ đối với 3 ngành hàng chủ lực theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh là lúa gạo, xoài và hoa kiểng; thực hiện hỗ trợ áp dụng khoa học và công nghệ vào truy xuất nguồn gốc đối với các ngành hàng lúa gạo, xoài, chanh không hạt. Nhiều sản phẩm nông sản đặc thù của các địa phương đã được hỗ trợ tư vấn phát triển bao bì, nhãn hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại và được cấp nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý như: chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, sen Tháp Mười, nhãn Châu Thành, chanh Cao Lãnh, hủ tiếu Sa Đéc, cá tra giống Hồng Ngự, khô Phú Thọ,...

Ngành chức năng tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý và kết nối thị trường nông sản và kỹ năng khai thác thông tin về sản xuất, thị trường trên Internet cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức 20 lớp tập huấn liên quan đến quản lý, phát triển hợp tác xã, hội quán; phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; thương mại điện tử,...; triển khai các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức sản xuất theo quy trình sản xuất đạt chuẩn, gắn với mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đối với các ngành hàng chủ lực như: xoài, nhãn, mít, thanh long, chanh không hạt,...

Ngành nông nghiệp đã ban hành hướng dẫn đề cương cho các địa phương áp dụng xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực gắn với vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn các huyện, thành phố đến năm 2025; triển khai các quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi - thủy sản, thuốc thú y - thủy sản, các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước, các rào cản kỹ thuật trong thương mại của các nước nhập khẩu nông sản để người sản xuất nắm, điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngành chức năng phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm trên các đối tượng cây trồng như: cây lúa (5ha) tại huyện Tam Nông, chuẩn bị xuống giống 0,3ha ớt tại huyện Thanh Bình, cây hoa kiểng tại TP Sa Đéc nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững...; phối hợp xây dựng vùng sản xuất chanh không hạt đạt tiêu chuẩn, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc liên kết với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ thu mua sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang EU 24,6ha tại huyện Cao Lãnh và mở rộng diện tích liên kết sản xuất tiêu thụ (huyện Thanh Bình, huyện Lai Vung) với diện tích 79,6ha.

Để hỗ trợ các hợp tác xã phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt chất lượng và đảm bảo ổn định đầu ra, Công ty TNHH MMMega Market Việt Nam liên kết với Hợp tác xã xoài Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh) và Hợp tác xã Nông sản hữu cơ An Phú Thuận (huyện Châu Thành) để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm đưa vào tiêu thụ trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Tỉnh triển khai việc cấp mã số vùng trồng cây ăn trái và cơ sở đóng gói, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm (đã thực hiện cấp 99 mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu sang Trung Quốc với diện tích 4.937,5ha và 58 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước phát triển với diện tích 1.121ha và 12 mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu; hướng dẫn sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, LocalGAP): diện tích đạt chứng nhận GAP là 482,3ha (VietGAP lúa 40,05ha, rau màu 31,4ha, cây ăn trái 431,1ha), diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất trồng trọt ban đầu 604,62ha (lúa 530,38ha, rau màu 71,5ha và cây ăn trái 2,72ha). Đơn vị chức năng cũng hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực gắn với vùng sản xuất trọng điểm đến năm 2025, với các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: huyện Châu Thành xây dựng vùng sản xuất khoai lang với diện tích 436ha; huyện Tháp Mười đầu tư vùng sản xuất cá sặc rằn với diện tích 250ha; huyện Lai Vung xây dựng vùng sản xuất cây có múi với diện tích 4.377ha và huyện Lấp Vò xây dựng vùng sản xuất trọng điểm khoai môn với diện tích 126ha ở xã Mỹ An Hưng A...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn