Phát triển Tây Nguyên vững mạnh từ sức mạnh khối đại đoàn kết

Cập nhật ngày: 20/07/2012 07:43:45

Trong hơn 10 năm qua (2001 - 2011), với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc, vùng Tây Nguyên đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ và liên tục, duy trì được tốc độ phát triển cao (mức tăng trưởng bình quân gần 12%/năm). Thu nhập bình quân đầu người so với cả nước được thu hẹp khoảng cách khá nhanh (bằng 67% mức bình quân cả nước), đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Ngành nông nghiệp của Tây Nguyên có những chuyển biến vượt bậc, theo hướng mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh cây công nghiệp dài ngày có nhu cầu thị trường cao (như cà phê, cao su, chè, dược liệu...), tạo ra khối lượng hàng hóa lớn có lợi thế cạnh tranh; hình thành một số mô hình nông nghiệp công nghiệp cao. Sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc bước đầu phát huy thế mạnh. Kinh tế trang trại phát triển nhanh, từng bước hội nhập theo hướng sản xuất hàng hóa. Kinh tế lâm nghiệp chuyển từ khai thác gỗ rừng tự nhiên là chính sang trồng mới, khoanh nuôi, giao khoán bảo vệ rừng, kết hợp với khai thác lâm sản, góp phần duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 54%, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường...

Dịch vụ sản xuất, tiêu dùng của nhân dân và các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch đều phát triển nhanh. Đặc biệt, tiềm năng du lịch bước đầu được chú ý khai thác, doanh thu ngày càng tăng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển. Hệ thống đường sá được đầu tư xây dựng, nâng cấp, hình thành mạng lưới rộng khắp. Các công trình thủy lợi được xây dựng, hạ tầng đô thị được đầu tư, từng bước hiện đại hóa mạng lưới bưu chính viễn thông, hoàn chỉnh lưới điện và hệ thống cấp nước; hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng.

Cùng với chính sách phát triển miền núi trong cả nước, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về đất đai, nhà ở, giao rừng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc. Chính phủ đã dành nguồn lực khá lớn từ Chương trình 168, 135 và các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn và định canh định cư cho đồng bào DTTS gắn với việc tổ chức lại sản xuất. Chương trình 132, 134 về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào là một trong những chủ trương đột phá, có ý nghĩa về kinh tế, xã hội sâu sắc đã được triển khai liên tục từ năm 2002 đến nay đã giải quyết 639ha đất ở cho 15.470 hộ và 29.200ha đất sản xuất cho 56 ngàn hộ. Riêng Chương trình 134 đã làm mới, sửa chữa 58.249 căn nhà, cấp nước sinh hoạt cho 78 ngàn hộ, giải quyết 5.726ha đất sản xuất cho 16.934 hộ.

Công tác giảm nghèo được triển khai liên tục, rộng khắp, bằng nhiều giải pháp và đạt những kết quả quan trọng; riêng trong vùng DTTS công tác này được lồng ghép nhiều dự án, chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, tạo được bước đột phá trên một số lĩnh vực và đang trở thành những phong trào hiệu quả như mô hình liên kết với doanh nghiệp, thu hút lao động DTTS vào các nông lâm trường, vay vốn hỗ trợ lãi suất trồng cao su tiểu điền, đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ... Nhờ vậy, mỗi năm vùng DTTS giảm được gần 5% hộ nghèo. Chất lượng giảm nghèo được nâng lên, từ chỗ giải quyết vấn đề ăn mặc, cứu đói, cứu rét đã tiến đến giải quyết vấn đề đất đai, việc làm; từng bước cải thiện hạ tầng, nhà ở và đời sống văn hóa, tinh thần để giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục - đào tạo cũng đạt được nhiều thành tựu, thành lập mới và mở rộng nhiều trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và nuôi dạy trẻ khuyết tật. Mạng lưới trường, lớp của bậc học mẫu giáo và phổ thông được phân bố hợp lý, hình thành nhiều trung tâm học tập cộng đồng. Cả 5 tỉnh đều có chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS với khả năng cao nhất. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất của ngành Y tế tăng gấp 3 lần, hình thành hệ thống y tế rộng khắp, 100% xã có trạm y tế. Đời sống văn hóa ở buôn làng được quan tâm xây dựng, phát huy văn hóa truyền thống, kế thừa có chọn lọc những giá trị tiêu biểu, loại bỏ dần hủ tục, hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Mức độ hiểu biết, đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau giữa cộng đồng các dân tộc được củng cố; phong trào tương trợ, kết nghĩa phát triển rộng khắp. Hàng ngàn cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cán bộ, nhân dân vùng đồng bào Kinh đã đóng góp công sức, tiền của giúp đỡ các buôn, làng DTTS tại chỗ phát triển, ổn định đời sống. Mối quan hệ Kinh - Thượng và đoàn kết dân tộc được củng cố, phát triển.

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên ngày càng toàn diện và bền vững, đòi hỏi phải kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, chăm lo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS. Trong đó, cần khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng và đất đai vì sự bền vững không chỉ của Tây Nguyên mà còn của cả khu vực và cho các thế hệ mai sau.

T.Dương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn