Thương binh Nguyễn Văn Lời
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Cập nhật ngày: 18/07/2012 14:04:23

Bằng ý chí và nghị lực, ông Nguyễn Văn Lời (Sáu Dũng) sinh năm 1951, thương binh 2/4 ở ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông, thị xã SaĐéc đã vượt khó vươn lên để trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Năm 1967, khi vừa 16 tuổi, Nguyễn Văn Lời (quê Long Hưng, Lấp Vò) tham gia vào lực lượng Bộ đội địa phương huyện Lấp Vò. Trải qua nhiều trận đánh ác liệt với địch, năm 1975 khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, ông trở về địa phương cùng tổng cộng 17 vết thương trên người (tỷ lệ thương tật đến 61%).


Thương binh Nguyễn Văn Lời với mô hình nuôi gà nòi thịt

Trong năm 1975, ông được Đảng phân công về Tân Khánh Đông, thị xã SaĐéc làm Bí thư Đảng ủy xã. Trong quá trình công tác tại đây, ông và cô thôn nữ Nguyễn Thị Phụng đem lòng yêu nhau, năm 1976 hai người thành hôn. Vợ chồng ông được gia đình bên vợ cho cất tạm căn nhà tre, vách lá để ở. Không có mảnh đất “cấm dùi” và 5 người con gái cứ lần lượt ra đời, cuộc sống của vợ chồng người thương binh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhưng với bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, ông Lời bàn với vợ phải quyết chí vươn lên.

Ban ngày, ông cùng vợ đi làm thuê, cuốc đất mướn, mua khoai về nấu bán. Tối đến, ông cặm cụi ngoài đồng giăng lưới, cặm câu bắt cá đến 1-2 giờ khuya để cải thiện cuộc sống. Với bản tính siêng năng, vợ chồng ông từng bước vượt qua khó khăn, nuôi nấng, chăm lo các con ăn học nên người. Từ căn nhà tre lá trước kia, gia đình ông mua đất cất được nhà cây, sau đó lại cất được nhà tường khang trang. Đồng thời dành dụm mua gần 8 công đất ruộng dùng để trồng hoa kiểng và làm lúa.

Nhớ về thời gian khó của mình, ông Nguyễn Văn Lời thổ lộ: “Lúc tôi nghỉ làm việc kinh tế gia đình khó khăn lắm, nhưng tôi quyết chí không nhờ địa phương giúp đỡ. Tôi tranh thủ làm bất kể ngày giờ, có lúc thèm một giấc ngủ trưa mà không dám, ngã lưng nằm một lúc là nhớ lại cảnh gia đình, thế là lại đi làm tiếp”.

Ngoài người con gái lớn là Nguyễn Thị Kim Liên (sinh năm 1976) vì hoàn cảnh gia đình thời đó khó khăn chỉ học đến lớp 7 rồi nghỉ phụ giúp gia đình, 4 người con còn lại đều được ông Lời chăm lo đi học và có nghề nghiệp ổn định.

Ông là một trong những cá nhân điển hình trong việc làm kinh tế giỏi ở địa phương. Mỗi năm, mô hình hình trồng hoa kiểng và nuôi gà nòi của ông mang lại cho gia đình trên 200 triệu đồng. Từ hai mô hình trên, ông đã truyền đạt kinh nghiệm sản xuất để nhiều hộ dân trong xã áp dụng thành công.

Dũng cảm, kiên cường và lập nhiều chiến công trong thời chiến, thương binh Nguyễn Văn Lời đã được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn