Quân dân Long Châu Sa, Long Châu Hà trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Cập nhật ngày: 07/05/2014 06:25:27
Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, quân Pháp buộc phải điều thêm nhiều lực lượng viễn chinh ở Nam bộ tập trung cho đồng bằng Bắc bộ. Trung ương Cục đã chỉ thị cho các tỉnh Nam bộ đẩy mạnh triệt để chiến tranh du kích và công tác địch ngụy vận; tích cực tấn công địch nhằm tiêu hao, tiêu diệt và cầm chân địch, không cho chúng chi viện đến chiến trường chính.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch
tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)
Trên địa bàn miền Tây Nam bộ, từ năm 1953, quân Pháp liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Địch triển khai tới 168 đồn bót và thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét, đánh phá các căn cứ cách mạng của ta. Trước tình hình đó, các tỉnh tích cực phát triển phong trào nhân dân du kích chiến tranh, đẩy mạnh hoạt động tiến công ở vùng sau lưng địch, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng kế hoạch tác chiến. Phương hướng chính là tập trung sức đánh sâu, đánh mạnh vào vùng địch hậu, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá cơ sở kinh tế, cơ sở hậu cần, buộc địch phải đối phó ngay tại sào huyệt của chúng.
Tỉnh ủy Long Châu Sa, Long Châu Hà chỉ đạo cho các cơ quan Quân - Dân - Chánh thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục, cùng nhân dân cả nước tiến công địch khắp nơi, quân dân liên tục chuyển mạnh sang tấn công, phát triển giao thông chiến, mở các cuộc tấn công địch, từ tháp canh, lô cốt, tiến lên đánh đồn và cứ điểm của địch bằng lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích xã, ấp. Tiểu đoàn 311 liên tục mở các cuộc tấn công địch từ Sa Đéc đến biên giới Cao Miên, vượt sông Cửu Long phối hợp với các lực lượng khác. Đại đội 1035 và lực lượng Tịnh Biên, tỉnh Long Châu Hà thọc sâu vào vùng địch tạm chiếm. Tiểu đoàn 307 khuếch trương thắng lợi, tích cực giúp đỡ, hướng dẫn lực lượng địa phương và dân quân du kích tiếp tục bao vây địch ở Xẻo Rô, Tắc Cậu và các lô cốt trong khu vực.
Đồng thời ta kêu gọi, vận động binh sĩ địch mang súng đầu hàng hoặc bỏ súng trở về gia đình làm ăn. Tinh thần binh sĩ ngụy hoang mang cực độ. Ta vừa tác chiến vừa xây dựng lực lượng. Phong trào nhân dân du kích chiến tranh phát triển mạnh, thanh niên hăng hái tòng quân vào các đơn vị bộ đội chủ lực như Tiểu đoàn 307 và Tiểu đoàn 410. Trong vòng một tháng, các đơn vị đã thu hơn 100 tân binh. Lực lượng địa phương quân và du kích được tăng quân số và trưởng thành nhanh chóng.
Nhìn chung, trong những tháng đầu năm 1954, địch đối phó rất yếu ớt do không có lực lượng tiếp viện. Chúng chỉ tìm cách cố thủ ở những vị trí quan trọng và các cứ điểm. Trước sức tấn công mạnh mẽ của quân và dân ta, địch càng bất lực và đối phó bị động; binh lính hoang mang, mất tinh thần chiến đấu. Vùng giải phóng rộng lớn được mở rộng ra, bộ đội, du kích làm hậu thuẫn cho cơ quan Dân - Chánh - Đảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Quần chúng tập hợp lại làm mít - tinh, hô khẩu hiệu “Ủng hộ Điện Biên Phủ”, “Pháp rút về nước”,... những hoạt động quân sự, chính trị đã tác động rất lớn đến tinh thần hàng ngũ địch, hàng loạt đồn bót, địch đã bỏ chạy đầu hàng ta. Riêng tỉnh Long Châu Sa đã vận động, giáo dục 386 tên đào ngũ, 295 tên giải ngũ, rã 11 trung đội, 5 đại đội rã gần hết, giải tán 70 tề, trị sự và 53 đại đội bảo an đoàn tan rã.
Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, là thắng lợi vĩ đại của lực lượng vũ trang và nhân dân ta. Đây là chiến thắng của sự phối hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng trên quy mô cả nước. Quân và dân miền Tây Nam Bộ đã phối hợp chặt chẽ với chiến trường chung, đẩy mạnh hoạt động tiến công địch, trong đó có sự hy sinh, đóng góp của quân dân 2 tỉnh Long Châu Hà, Long Châu Sa, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang, đáp ứng kịp thời những yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra.
Đ.D (TH)