Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú (1/5/1904-1/5/2014)
Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng
Cập nhật ngày: 30/04/2014 10:17:25
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, là con ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát, quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, mới 4 tuổi đã mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ, Trần Phú sớm có ý thức tự lập, vượt khó để vươn lên trong cuộc sống. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã dồn hết tâm trí cho học tập. Năm 1922, sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Trường Quốc học Huế, Trần Phú về dạy học ở TP.Vinh và tham gia hoạt động cách mạng ở Hà Tĩnh, sáng lập Hội Phục Việt, sau đổi tên là Hội Tân Việt cách mạng Đảng.
Bia tưởng niệm đồng chí Trần Phú tại Nghĩa địa Đô thành, nay là
Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, Quận 10. TP.HCM (ảnh Internet)
Năm 1926, Trần Phú được cử sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng. Là học trò xuất sắc, tin cậy của Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú được kết nạp vào nhóm bí mật Cộng sản đoàn và được đưa đi học ở Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva. Với tư chất thông minh, từng là thầy giáo, lại có tinh thần ham học, ham hiểu biết, Trần Phú được bầu làm Bí thư chi bộ cộng sản Việt Nam tại trường; tốt nghiệp loại xuất sắc, được đánh giá cao về tư duy lý luận. Chính những năm học tập nghiên cứu lý luận, tham gia hoạt động thực tiễn cách mạng, Trần Phú có bước trưởng thành vượt bậc, đủ sức gánh vác nhiệm vụ do Đảng phân công về nước hoạt động. Trong thời gian này, Trần Phú bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.
Đầu năm 1930, Trần Phú về nước, được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời, được giao trọng trách thảo Luận cương chính trị của Đảng. Đây là văn kiện đặc biệt quan trọng và nổi tiếng của Đảng ta, lần đầu tiên nước ta có một bản Luận cương chính trị trình bày sâu sắc mang tính lý luận về những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam. Luận cương xác định tính chất cuộc cách mạng Đông Dương là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, do giai cấp công nhân lãnh đạo, có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, giành độc lập dân tộc, chống phong kiến, thực hiện người cày có ruộng, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua thời kỳ tư bản. Tháng 10/1930, Hội nghị thứ nhất của Trung ương Đảng họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua bản Luận cương và nhất trí cử đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư của Đảng.
Với cương vị là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, Trần Phú đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đồng chí giành nhiều thời gian và công sức cho công tác xây dựng; kiện toàn cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới xứ ủy, tỉnh ủy và cơ sở, nhất là các nơi quan trọng bị địch khủng bố, đàn áp. Ngày 19/4/1931, Trần Phú bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Bắt được Tổng Bí thư của Đảng, thực dân Pháp dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man và dụ dỗ, mua chuộc, nhưng với ý chí của người cộng sản, đồng chí không hề khuất phục, không khai nửa lời, một lòng một dạ bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, giữ vững khí tiết người cộng sản. Sự tra tấn dã man của kẻ thù đã làm đồng chí kiệt sức và hy sinh ngày 6/9/1931. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí gởi đến đồng chí, đồng bào lời nhắn nhủ: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!
Đồng chí Trần Phú là người con ưu tú, người cộng sản kiên cường, người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và là nhà lãnh đạo xuất sắc của nhân dân ta, đã hy sinh oanh liệt cho sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta những di sản quý báu, những bài học có ý nghĩa sâu sắc đối với các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta hiện nay và mãi sau này; là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản tận tụy, hy sinh cho Đảng, cho cách mạng; là phẩm chất cách mạng thủy chung, thương yêu đồng chí, đồng bào; là khí phách kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng nền tảng chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng ta.
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương đất nước phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, với không ít những khó khăn, thử thách cần phải vượt qua. Chính tấm gương Trần Phú – người cộng sản kiên cường, nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta là những bài học vô cùng sâu sắc và quý giá cần được vận dụng và nêu cao trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Hoan Huyền