Quan tâm tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh
Cập nhật ngày: 10/01/2023 11:36:45
ĐTO - Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 20 ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ với nhiều hình thức phong phú. Điển hình như: tuyên truyền thông qua các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước; hội thảo, tọa đàm, giao lưu gặp gỡ, nói chuyện chuyên đề lịch sử; phát động cuộc thi tìm hiểu lịch sử đảng bộ địa phương.
Ông Lê Minh Trung - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử tỉnh nói chuyện chuyên đề về lịch sử hình thành vùng đất và người Cao Lãnh do Huyện ủy Cao Lãnh tổ chức vào tháng 6/2022
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống và cách mạng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, đội viên và Nhân dân trong tỉnh. Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp thực hiện công tác giáo dục truyền thống lịch sử địa phương ngoài nhà trường giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2021 - 2023. Hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn tài liệu sinh hoạt chi bộ, trong đó có nội dung tuyên truyền về lịch sử Đảng, công tác xây dựng Đảng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với ngành chức năng, các địa phương và cộng tác viên chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết dứt điểm các vụ việc, vấn đề bức xúc trong Nhân dân, hạn chế tối đa các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí các vụ việc nhạy cảm xảy ra ở địa phương để báo chí đưa tin phản ánh đầy đủ, chính xác, định hướng dư luận, không để kẻ địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá.
Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng trong tầng lớp thanh thiếu nhi được triển khai có hiệu quả trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: hội nghị, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, đối thoại, hoạt động về nguồn, tuyên truyền trên Website, mạng xã hội, hội thi “Theo Đảng ta đi”, cuộc thi trực tuyến “Đấu trường tri thức”. Đáng ghi nhận, tại cuộc thi trực tuyến “Đấu trường tri thức” trong tuần thứ 7 của năm 2020 với chủ đề thi “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng” tìm hiểu nội dung lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; những nhân vật lịch sử, những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam thu hút hàng ngàn thí sinh tham gia. Hay, trong tuần 1 của cuộc thi trực tuyến “Đấu trường tri thức” năm 2021 với chủ đề thi “Tự hào Đồng Tháp sen hồng” tìm hiểu lịch sử truyền thống cách mạng và lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp thu hút hơn 10.600 thí sinh tham gia.
Liên quan đến công tác giáo dục lịch sử Đảng, các Huyện ủy, Thành ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Trung tâm Chính trị cấp huyện đưa nội dung “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tỉnh Đồng Tháp” do Trường Chính trị tỉnh biên soạn vào chương trình giảng dạy cho các lớp trung cấp chính trị hành chính. Nhiều nội dung về lịch sử địa phương được đưa vào chương trình giảng dạy các lớp sơ cấp lý luận chính trị, lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và lớp đảng viên mới. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt việc tích hợp nội dung giảng dạy lịch sử địa phương ở trường phổ thông; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo, về nguồn, thi tìm hiểu về lịch sử địa phương... Đồng thời tổ chức cho học sinh tìm hiểu, chăm sóc người có công cách mạng, giữ gìn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa địa phương.
Thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (2000 - 2020), các công trình Hồi ức, Hồi ký lịch sử của các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện quy trình nghiên cứu, biên soạn công trình lịch sử theo “cơ chế đặt hàng” đề tài khoa học và công nghệ. Tiếp tục phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cho cán bộ phụ trách công tác lịch sử các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Các sở, ban, ngành tỉnh cũng khẩn trương thực hiện biên soạn lịch sử truyền thống hoặc biên niên sự kiện lịch sử của đơn vị, ngành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đơn vị, ngành đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp. Tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử địa phương trong các trường, trung tâm chính trị và các trường phổ thông.
Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 20, dù gặp nhiều khó khăn, nhất là từ năm 2020 đến đầu năm 2022 trước diễn biến của dịch Covid-19 rất phức tạp, thậm chí có thời điểm tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, nhưng các cấp, ngành trong tỉnh đã nỗ lực, thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Cụ thể, các địa phương, đơn vị đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản được 70 công trình lịch sử tiêu biểu như: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 1927 - 2000 gồm 3 tập: tập 1 (1927 - 1954), tập 2 (1954 - 1975) và tập 3 (1975 - 2000); Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Lai Vung (1929 - 2015); Lịch sử truyền thống Đảng bộ huyện Tháp Mười (1930 - 2020); Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Châu Thành (1930 - 1954); Lịch sử Công an Đồng Tháp (1945 - 1954), Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị lực lượng vũ trang Đồng Tháp (1975 - 2015)...
|
DŨNG CHINH