KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU RA QUỐC HỘI VIỆT NAM (6/1/1946 - 6/1/2016)

Quốc hội Việt Nam - 70 năm hình thành và phát triển

Cập nhật ngày: 06/01/2016 12:59:31

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tiếp xúc cử tri

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Cuộc Tổng tuyển cử bầu được 333 đại biểu, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử mở ra một thời kỳ mới, đất nước ta có Quốc hội, Chính phủ thống nhất, bản Hiến pháp tiến bộ và hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam trải qua 13 khóa hoạt động, thông qua 5 bản Hiến pháp với nhiều đổi mới về tổ chức, hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước. Căn cứ vào từng thời kỳ tương ứng với việc ra đời của các bản Hiến pháp, có thể phân chia quá trình phát triển của Quốc hội nước ta thành 4 thời kỳ.

1. Thời kỳ 1946 - 1960: tại kỳ họp thứ nhất, để tập hợp các lực lượng đại diện các đảng phái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị và được toàn thể Quốc hội chấp nhận mở rộng thành phần Quốc hội thêm 70 đại biểu không qua bầu cử, nâng tổng số đại biểu Quốc hội khóa I lên thành 403 đại biểu. Tại kỳ họp thứ hai (từ ngày 28/10 - 09/11/1946), Quốc hội thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp 1946. Hiến pháp khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Quốc hội lập hiến do toàn dân bầu ra ngày 6/1/1946 trở thành Quốc hội lập pháp và kéo dài nhiệm kỳ hoạt động đến năm 1960.

Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã tổ chức 12 kỳ họp, xem xét và thông qua bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật và 50 nghị quyết. Đánh giá công lao to lớn của Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những đại biểu của nhân dân”.

2. Thời kỳ 1960 - 1980: trong thời kỳ này, Quốc hội có 5 khóa hoạt động.

- Quốc hội khóa II (1960 - 1964) được bầu ngày 8/5/1960, tổng số có 453 đại biểu. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

- Quốc hội khóa III (1964 - 1971) được bầu ngày 26/4/1964, tổng số có 453 đại biểu, do hoạt động trong thời chiến, nên nhiệm kỳ của Quốc hội kéo dài trong 7 năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, nhân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Quốc hội khóa IV (1971 - 1975) được bầu ngày 11/4/1971, tổng số có 420 đại biểu. Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công, nổi dậy của quân và dân ta đánh đổ chế độ thực dân mới ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước.

- Quốc hội khóa V (1975 - 1976) được bầu ngày 6/4/1975, tổng số có 424 đại biểu. Quốc hội khóa V ra đời trong bối cảnh miền Nam vừa mới giải phóng (30/4/1975) và hoạt động chưa đầy 2 năm nhưng đã quyết định được nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước.

- Quốc hội khóa VI (1976 - 1981) được bầu ngày 25/4/1976 là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, tổng số có 492 đại biểu. Quốc hội quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc ca là bài Tiến quân ca; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội.

Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội đã họp 7 kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 12/1980), Quốc hội thông qua bản Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980. Đây là bản Hiến pháp thứ 3 được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới.


Cử tri đóng góp ý kiến về các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước

3. Thời kỳ 1980 - 1992

Thẩm quyền của Quốc hội trong việc thực hiện ba chức năng: lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Ngoài ra, Quốc hội có thể định cho mình những nhiệm vụ và quyền hạn khác, khi xét thấy cần thiết. Trong thời kỳ này, Quốc hội trải qua 2 khóa hoạt động.

- Quốc hội khóa VII (1981 - 1987) được bầu ngày 26/4/1981; tổng số có 496 đại biểu. Quốc hội đã triển khai thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: thành lập các cơ quan nhà nước ở Trung ương; thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm...

- Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992) được bầu ngày 19/4/1987; tổng số có 496 đại biểu. Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khóa VIII xem xét, thông qua tại kỳ hợp thứ 11 (năm 1992). Kế thừa và phát triển các bản Hiến pháp trước đây, ngoài việc thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Hiến pháp 1992 đã thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tạo cơ sở pháp lý đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới.

4. Thời kỳ 1992 đến nay

Quốc hội đã có những đổi mới cơ bản, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng là cơ quan đại biểu dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong thời kỳ này, Quốc hội trải qua 5 khóa hoạt động.

- Quốc hội khóa IX (1992 - 1997) được bầu ngày 19/7/1992, tổng số có 395 đại biểu. Hoạt động của Quốc hội góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

- Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) được bầu ngày 19/5/2002, tổng số có 498 đại biểu. Trong nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên đáng kể, có 120 đại biểu hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và ở 64 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Quốc hội khóa XII (2007 - 2011) được bầu ngày 20/5/2007, tổng số có 493 đại biểu. So với nhiệm kỳ trước, số lượng các ủy ban của Quốc hội khóa XII tăng lên thành 9 ủy ban với việc Quốc hội thành lập mới Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tài chính và ngân sách. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng được tăng cường với 145 đại biểu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội.

- Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016) được bầu ngày 22/5/2011. Đây là lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong cùng một ngày với quy mô lớn. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thành tựu lớn nhất trong hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp năm 2013.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đánh dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên trong gần 70 năm hoạt động của mình, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, lần đầu tiên Quốc hội ban hành nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Văn phòng Quốc hội cũng được tổ chức lại theo hướng đổi mới mô hình tổ chức bộ máy giúp việc có tính chuyên nghiệp, hiệu quả, hợp lý để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại lịch sử hình thành và phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội nước ta đã đạt được trong 70 năm qua; góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội.

Với đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân trong và ngoài nước, Quốc hội nước ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thanh Trúc (lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn