Ngày làm việc thứ 21, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV
Quyết liệt xây dựng Chính phủ kiến tạo, điều hành kinh tế đất nước phát triển bền vững
Cập nhật ngày: 19/11/2017 07:36:10
Dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 18/11, các đại biểu QH chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình. Buổi chiều, QH đã nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo, giải trình về một số vấn đề mà nhiều đại biểu QH và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu QH.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TRẦN HẢI
Khẩn trương xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế lớn
Buổi sáng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn của nhiều đại biểu QH về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính; đặc biệt nhiều đại biểu phản ánh về quá trình xét xử một số vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng đã và đang được cử tri và nhân dân rất quan tâm.
Ðại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề nghị Chánh án TAND tối cao làm rõ đến nay đã phát hiện bao nhiêu vụ án có dấu hiệu bỏ lọt mà HÐXX các cấp khởi tố tại tòa để chống bỏ lọt tội phạm. Chánh án TAND tối cao cho biết, về mặt chức năng nhiệm vụ, ngoài tuyên án, tòa có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại tòa và kiến nghị khởi tố. Dù luật cho phép nhưng yêu cầu phải đủ điều kiện mới khởi tố. Với sự cân nhắc cẩn trọng, Hội đồng thẩm phán thông thường lựa chọn giải pháp kiến nghị Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra khởi tố điều tra, hơn là khởi tố tại tòa, trừ các vụ có dấu hiệu rất rõ. Theo thống kê mới chỉ có 12 vụ khởi tố tại tòa. Quá trình khởi tố tại tòa, cấp xét xử phải theo dõi kết quả của quyết định khởi tố này. Thí dụ vụ Oceanbank, Tòa án đã có kiến nghị khởi tố về khoản thất thoát của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Cơ quan điều tra sau đó có khởi tố vụ án này.
Tại phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chánh án TAND tối cao nói rõ và giải thích cụ thể với cử tri về thông tin tại phiên tòa xét xử vụ Châu Thị Thu Nga, khi chủ tọa yêu cầu bị cáo không khai việc "chạy" vào QH.
Chánh án TAND tối cao cho biết: Khi có dư luận, báo chí cho rằng HÐXX không cho bị cáo khai cụ thể như vậy là giấu giếm, vi phạm tố tụng... TAND đã yêu cầu kiểm tra kỹ thuật phòng xét xử, yêu cầu chủ tọa báo cáo giải trình, gặp luật sư. Trong hồ sơ vụ án có tất cả tài liệu như lời khai của Châu Thị Thu Nga, quyết định tách án của Cơ quan điều tra, biên bản đối chất của Nga và các đối tượng liên quan. Việc chủ tọa không cho khai tiếp, có nghĩa là vụ án này được tách ra theo quy định của luật cho phép. Trên thực tế, tòa án đã tách án trong nhiều trường hợp. Nếu trong phiên tòa có tình tiết mới xuất hiện, không có quyết định tách án thì trách nhiệm của HÐXX là làm rõ ngay, nhưng nếu tách án và đã có quyết định thì HÐXX được phép không đề cập nữa. Ðây là quy định trong luật và là thông lệ bình thường.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử
Trong phiên chất vấn thuộc lĩnh vực tòa án, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Viện trưởng KSND tối cao Lê Minh Trí tham gia báo cáo giải trình làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Năm 2017, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý hơn 91 nghìn vụ án, hơn 129 nghìn bị can, đã xử lý 74.105 nghìn bị can, đạt tỷ lệ 80,86% số vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng đã được khám phá nhanh chóng. Các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn do Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo đã được chỉ đạo tập trung điều tra mở rộng, kịp thời xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Bộ trưởng Công an đã tham gia trả lời, làm rõ những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm những vấn đề về công tác đấu tranh, xử lý về tội phạm tham nhũng; giải quyết oan, sai trong hoạt động điều tra phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm. Theo đó, công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng trong thời gian qua còn có một số hạn chế, chưa đạt được mong muốn của Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Nguyên nhân do các vụ án tham nhũng thường do nhiều đối tượng thực hiện có tổ chức, thời gian xảy ra khá lâu mới bị phát hiện. Hành vi tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau, đối tượng tham gia có quan hệ chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín trong phạm vi nhất định, các đối tượng thường cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ nên công tác điều tra rất khó khăn, thời gian điều tra phải kéo dài. Việc điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài thường phải thông qua các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự liên quan đến nhiều cơ quan chức năng cũng dẫn đến thời gian kéo dài. Khó khăn nữa là do công tác giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, kế toán, xây dựng còn nhiều bất cập, vướng mắc. Thời gian giám định dài, một số cơ quan cá nhân được trưng cầu giám định với nhiều lý do khác nhau đã từ chối giám định hoặc kéo dài thời gian giám định. Trình độ chuyên môn của một số giám định viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu và phải trưng cầu giám định nhiều lần, dẫn đến thời hạn điều tra một số vụ kéo dài, thậm chí có những vụ chưa xử lý được. Hơn nữa, văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn thiếu, chưa chặt chẽ, dẫn đến khó thống nhất đánh giá chứng cứ, đường lối xử lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần...
Về vấn đề tội phạm tham nhũng bỏ trốn trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc cơ quan công an chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng nêu trên là thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Sau khi một số đối tượng bỏ trốn, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung truy bắt. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật...
Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí đã tham gia phát biểu giải trình liên quan ý kiến của đại biểu Lê Thị Nga và một số đại biểu về một số vụ án tham nhũng bị kéo dài trả lại hồ sơ để điều tra lại nhiều lần. Ðồng chí cho rằng, những quy định mới trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và những quy định mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đặt ra những yêu cầu mới về quan điểm nhận thức áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như các cấp tố tụng, liên quan đến nhiều kiến thức, liên quan đến chủ thể tội phạm tham nhũng, tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý của Nhà nước, doanh nghiệp... Những lĩnh vực này mới và yêu cầu của luật cũng đòi hỏi phải nhận thức và năng lực, trình độ và trách nhiệm của cán bộ của các cơ quan tố tụng, trong đó có ngành kiểm sát. Trong khi năng lực, kiến thức về kinh tế, tài chính và quản lý nhà nước của người tiến hành tố tụng còn hạn chế. Việc nhận thức và áp dụng pháp luật của các cơ quan tố tụng ở các bộ, kể cả điều tra, kiểm sát viên và thẩm phán có thể còn khác nhau...
Quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực, điều hành kinh tế phát triển bền vững
Ðầu giờ làm việc buổi chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ đã báo cáo, giải trình về một số vấn đề được các đại biểu QH và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn (Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng đăng trên số báo ra hôm nay).
Sau đó, Thủ tướng trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Ðại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ băn khoăn về sự phân hóa giàu nghèo ngày càng cao trong xã hội và vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong thời điểm hiện nay. Trả lời nội dung này, Thủ tướng cho biết, mục tiêu cao nhất của Ðảng, Nhà nước trong nhiều năm qua là không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân và đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, người nghèo vẫn còn nhiều, thu nhập của người dân còn thấp. Ðể giảm sự phân hóa giàu nghèo, còn rất nhiều việc phải làm, trọng tâm là: Tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế nhất là đối với người nghèo, người có công với nước; đẩy mạnh tạo việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, nhất là ở nông thôn, miền núi.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục xã hội hóa các hoạt động xóa đói, giảm nghèo. Về vai trò của kinh tế tư nhân, Thủ tướng khẳng định: Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Nhà nước sẽ tạo điều kiện để kinh tế tư nhân bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ các nhà đầu tư; giảm các loại chi phí, nhất là chi phí không chính thức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển bền vững cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị: Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hãy nói không với các chi phí không chính thức, nói không với tệ nạn đút lót, hối lộ.
Một trong những nội dung được đại biểu QH và cử tri quan tâm trong thời gian qua là hiệu quả của các dự án BOT giao thông. Vấn đề này được đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt ra trong phiên chất vấn. Thủ tướng cho biết: Chủ trương phát triển hạ tầng giao thông nước ta thông qua xã hội hóa, kêu gọi đầu tư là đúng đắn và có vai trò quan trọng. Trong thời gian qua, các dự án BOT giao thông đã có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai còn nhiều bất cập, chồng chéo, ồ ạt, thiếu giám sát, thiếu kiểm tra và có nhiều sai phạm đang được xử lý. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện các dự án BOT giao thông; tăng cường kiểm soát mức đầu tư, thời gian thu phí, mức phí; tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi để thu hút nhiều nguồn lực tham gia.
Ðại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đã đề nghị Thủ tướng giải thích cụ thể hơn về nội dung của Chính phủ kiến tạo. Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết, để xây dựng thành công một Chính phủ kiến tạo có rất nhiều nội dung, nhiều công việc phải làm. Trọng tâm của Chính phủ kiến tạo là phải biết chủ động thiết kế chính sách, xây dựng chính sách phù hợp, đáp ứng tốt tình hình phát triển của đất nước và thế giới. Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, cho doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng y tế, giáo dục với mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân hiệu quả hơn. Ðó còn là một Chính phủ năng động, nói đi đôi với làm, gần dân, sát dân, đề cao trách nhiệm cá nhân…
Ðại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) gửi đến Thủ tướng hai câu hỏi về chủ trương phát triển đô thị thông minh và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Khẳng định đây là những nội dung quan trọng, Thủ tướng cho biết: Ðô thị thông minh cần bảo đảm nhiều tiêu chí khác nhau, trọng tâm là: Nâng cao hiệu quả quản lý; nâng cao chất lượng các dịch vụ công phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; bảo vệ môi trường sống trong sạch, không ùn tắc giao thông; chính quyền sát dân, gần dân và vì nhân dân. Trong thời gian qua, có một số thành phố đã và đang từng bước triển khai xây dựng đô thị thông minh và đạt những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trong thực tế còn nhiều khó khăn về hạ tầng cơ sở; nguồn lực tài chính; nguồn nhân lực trình độ cao…
Thủ tướng lưu ý, các địa phương không nên xây dựng đô thị thông minh theo phong trào mà cần nghiên cứu cụ thể về các điều kiện cần thiết có đủ hay không mới triển khai. Ðối với tính tự chủ, độc lập của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, đây là vấn đề rất quan trọng trong giai đoạn hội nhập nhanh và sâu rộng hiện nay; đồng thời khẳng định: Tính độc lập và tự chủ của nền kinh tế Việt Nam ngày càng được tăng cường. Ðể tiếp tục giữ vững tinh thần đó, cần tiếp tục xây dựng cơ cấu kinh tế đất nước phù hợp, an toàn, bền vững, có năng lực cạnh tranh cao, phát triển cân đối giữa các lĩnh vực. Qua đó, vững vàng trước các biến động của kinh tế thế giới và không phụ thuộc vào quốc gia nào.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Thị Cẩm Ðào (Sóc Trăng) về việc "năm nào cũng phải giải cứu hàng nông sản" do chưa làm tốt việc phân phối hàng hóa dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ chỉ giải cứu hàng nông sản trong trường hợp thật sự cấp thiết, bởi hoạt động kinh doanh, sản xuất phải tuân theo quy luật thị trường. Nguyên nhân dư thừa là do vấn đề mất cân đối cung - cầu, Chính phủ đã chỉ đạo nâng cao chất lượng quy hoạch, xác định sản phẩm chính của từng vùng kinh tế trọng điểm để xây dựng cơ cấu hợp lý, tổ chức sản xuất theo hướng giảm trung gian, bám sát thị trường và tổ chức tốt hệ thống tiêu thụ, phân phối... Thời gian tới, ngành nông nghiệp và công thương cần phối hợp chặt chẽ tổ chức tốt sản xuất gắn với tiêu thụ, làm tốt công tác thông tin định hướng, tích cực xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều đại biểu quan tâm những giải pháp hữu hiệu đẩy lùi nạn "tham nhũng vặt" đang diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, gây bức xúc dư luận xã hội. Thủ tướng cho biết, Ðảng, Nhà nước ta coi nhiệm vụ chống tham nhũng rất quan trọng, đã thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng. Vừa qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều việc, từ xây dựng thể chế tới điều tra, truy tố, xét xử. Chính phủ cũng đang tiếp tục hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần làm cho cán bộ, công chức "không thể, không dám, không muốn tham nhũng". Ðồng thời, nghiên cứu nâng tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, xem đây là một trong những giải pháp cần thiết để hạn chế nạn "tham nhũng vặt".
Nhiều đại biểu phản ánh chủ trương cải cách thủ tục hành chính chưa được thực hiện mạnh mẽ ở nhiều nơi, thậm chí có nơi cải cách thủ tục hành chính còn đi cùng với việc ban hành thêm những thủ tục, giấy phép "con" bám vào lợi ích cục bộ của ngành, tổ chức, đơn vị mình, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng cho biết, cả nước hiện có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và 4.200 điều kiện kinh doanh. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phải loại bỏ ít nhất một phần ba số điều kiện kinh doanh để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, hạn chế tiêu cực. Bên cạnh đó, Chính phủ chuẩn bị ban hành nghị định quy định rõ hơn về nội dung này, thiết lập nhiều kênh thông tin để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp, nơi nào cố tình "vẽ" thêm điều kiện kinh doanh sẽ bị xử lý nghiêm.
Phát biểu ý kiến kết luận toàn bộ phần chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau ba ngày làm việc, Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Chánh án TAND tối cao đã trả lời bốn nhóm vấn đề được QH chất vấn, các Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành liên quan tham gia giải trình, làm rõ thêm những vấn đề liên quan nội dung chất vấn. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng báo cáo một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn. Các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi và xây dựng, đại biểu QH thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc trách nhiệm, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, tích cực tranh luận. Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án TAND tối cao nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ nhiều vấn đề, thẳng thắn làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm, cam kết tập trung chỉ đạo khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, còn những vấn đề, nội dung liên quan nhiều ngành, lĩnh vực, cần có thời gian nghiên cứu để có giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn.
Chủ tịch QH nhấn mạnh, QH ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao trong trả lời chất vấn, trong chỉ đạo điều hành khắc phục hạn chế, yếu kém, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc ổn định và thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội. Tuy nhiên, một số nội dung được QH chất vấn, giám sát chuyển biến chậm, chưa đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân. Do vậy, cần có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá mạnh mẽ khắc phục hạn chế, yếu kém tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Nguyên tắc hoạt động của Tòa án là công khai minh bạch và việc công khai bản án cũng nằm trong thực hiện nguyên tắc này. Thông qua việc công khai bản án, chúng tôi đề cao trách nhiệm của thẩm phán để mỗi khi thẩm phán đặt bút viết bản án thì biết rằng sau đó người dân sẽ phán xét về bản án mà mình đưa ra cho nên phải cẩn trọng hơn trong áp dụng pháp luật, cẩn trọng hơn trong sử dụng câu viết, lời lẽ kể cả văn phạm, ngữ pháp. Đây cũng là một cơ chế để người dân và các cơ quan dân cử giám sát hoạt động của tòa án và cũng là một kênh thông tin để qua đó Tòa án đánh giá chất lượng thẩm phán...
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình
|
Hiện nay, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp. Riêng năm 2017, tài sản thu hồi chiếm 29% số lượng tiền và 50% số lượng đất đai, tài sản. Nguyên nhân cơ bản là do nhiều đối tượng tham nhũng có tổ chức, thời gian khá lâu mới bị phát hiện. Các vụ án tham nhũng thường được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và trong thời gian dài. Đối tượng biết trước hành vi phạm tội bị xử lý cho nên tìm mọi cách tẩu tán tài sản, dẫn đến công tác xác minh, thu hồi tài sản có nhiều khó khăn. Một số tài sản đã chuyển trái phép ra nước ngoài, chuyển tiền và bất động sản ở nước ngoài và quá trình thu hồi cần có sự phối hợp, hợp tác quốc tế, trong khi về tư pháp cũng có sự khác biệt giữa các nước, cho nên gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm
|
PV (NDĐT)