Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Cập nhật ngày: 07/01/2013 05:02:03
Một trong những nội dung quan trọng được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra trong Chương trình hành động thực hiện các kết luận và Nghị quyết Hội nghị TW 5 khóa XI là tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TW 3 khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí" trong thời gian tới.
5 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh đạt được kết quả bước đầu quan trọng, có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động. Về cơ bản, tham nhũng, lãng phí đã được ngăn chặn, đẩy lùi. Việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, giám sát hoạt động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên (CB, ĐV). Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí khi phát hiện đều được các tổ chức đảng có thẩm quyền và cơ quan chức năng xem xét, xử lý đúng theo quy định.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, diễn ra trên một số lĩnh vực nhạy cảm như: Quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước, tín dụng ngân hàng, thương mại... Bên cạnh đó, một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chậm đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý; chưa kiểm tra, giám sát nội bộ thường xuyên; công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức thiếu chặt chẽ. Nhận thức về phòng, chống tham nhũng của một bộ phận CB, ĐV chưa sâu sắc; tính chiến đấu, tính tự giác chưa cao; thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Năng lực của đội ngũ làm công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, các cấp ủy cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng, phải dành thời gian để đánh giá, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kết quả thực hiện Quy định về trách nhiệm của Bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, Quy định về những điều đảng viên không được làm.
Thực hiện nghiêm các quy định, cơ chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác tổ chức, cán bộ phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chấp hành tốt các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch các lĩnh vực hoạt động theo pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách, nhất là mua sắm, đầu tư công và chi tiếp khách. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, ngân hàng, nhất là những hoạt động dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển... Thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm túc các quy định về giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, giám định chất lượng công trình xây dựng... để phục vụ kịp thời, có hiệu quả việc xử lý hành vi tham nhũng. Tập trung thanh tra, kiểm tra đối với một số lĩnh vực trọng điểm như: Quản lý sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản, đầu tư, mua sắm công, thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công, ngân hàng thương mại và công tác cán bộ.
Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng, hành vi tham nhũng, lãng phí.
Hoan Huyền