Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
Cập nhật ngày: 13/07/2015 12:30:42
Những năm qua, thực hiện chủ trương về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý vốn vay các đối tượng chính sách và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương nâng cao vai trò lãnh đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH); sự phối hợp của các hội đoàn thể nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH ngày càng chặt chẽ. Từ đó, hoạt động tín dụng CSXH phát huy tốt hiệu quả trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Từ 2007, vốn tín dụng chính sách ở Đồng Tháp đã giúp cho 64.547 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 31.586 lao động, hỗ trợ xây dựng 18.299 căn nhà vượt lũ trong cụm, tuyến dân cư và 10.692 căn nhà cho hộ nghèo... góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi, các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng CSXH; sự phối hợp trong việc lồng ghép các chương trình dạy nghề nông thôn, chuyển giao, tập huấn khoa học kỹ thuật với công tác tín dụng chính sách chưa nhịp nhàng; vẫn còn một số hộ làm ăn không hiệu quả, sử dụng vốn sai mục đích, bỏ đi khỏi địa phương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm nghèo thiếu bền vững.
Trong thời gian tới, để phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH cần phải thực hiện thường xuyên. Các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân phải hiểu rõ hơn về vai trò của tín dụng CSXH trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH gắn với với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm kết hợp với chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để giảm nghèo bền vững và làm giàu.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác này. Mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân bổ sung nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là trong công tác huy động tiền gởi tiết kiệm.
Các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả. Ngân hàng CSXH tập trung củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cùng quyết tâm tạo sự chuyển biến về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa nhân văn của tín dụng CSXH, từ đó tiếp tục phát huy và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi, các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoan Huyền