Thanh Bình

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công cách mạng

Cập nhật ngày: 14/02/2014 04:54:35

Toàn huyện Thanh Bình có 2.147 gia đình chính sách, trong đó có 39 Mẹ Việt Nam anh hùng, 1.042 liệt sĩ, 247 thương bệnh binh, 406 người có công, 75 đối tượng bị địch bắt tù đày, 268 người hoạt động kháng chiến, 60 người nhiễm chất độc hóa học và 10 cán bộ lão thành cách mạng hoạt động trước Cách mạng tháng 8/1945... Tuy còn gặp khó khăn về nhiều mặt, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể huyện, các cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn luôn xác định việc thực hiện chính sách thương binh liệt sỹ và người có công, công tác đền ơn đáp nghĩa là trách nhiệm, nghĩa vụ và có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc.

Tân Thạnh là xã vùng ven của huyện Thanh Bình, dân số đông, đời sống nhân dân tuy có phát triển nhưng chưa bền vững. Trải qua 2 cuộc chiến tranh, toàn xã có 283 gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng. Đa số các gia đình này có cuộc sống khó khăn, vì vậy công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thạnh đặc biệt quan tâm. Năm 2013, xã đề nghị về trên xây dựng và sửa chữa 22 căn nhà tình nghĩa theo Quyết định số 22 của Chính phủ với số tiền 922 triệu đồng, cấp 3 sổ hỗ trợ đời sống cho gia đình chính sách từ nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa.

Tượng tự, xã Tân Phú cũng đã phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh chăm lo đến đời sống của các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công cách mạng trong việc thực hiện chế độ chính sách ưu đãi người có công. Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền từ xã đến ấp trên địa bàn Tân Phú chăm lo vật chất, tinh thần cho các gia đình và thực hiện tốt chính sách ưu đãi bằng những việc làm cụ thể.

Chị Lê Thị Bích Lan - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: “Phong trào đền ơn đáp nghĩa được địa phương xác định là việc làm thường xuyên, liên tục nên thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Trong năm, địa phương đã sửa chữa 7 căn nhà và cất mới 7 căn cho những gia đình chính sách, hộ nghèo và gia đình khó khăn về nhà ở để những hộ chính sách neo đơn, khó khăn phần nào ổn định cuộc sống...”.

Theo thống kê, hằng năm, Thanh Bình chi trên 14 tỷ đồng thực hiện chế độ ưu đãi. Bên cạnh đó, chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo đối với con em người có công cũng được huyện quan tâm; chế độ chăm sóc sức khỏe người có công cũng được mở rộng. Toàn huyện đã xây dựng 14 căn nhà tình nghĩa cho hộ chính sách nghèo số tiền 630 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2013, huyện được tỉnh phân bổ xây dựng 167 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 53 căn nhà cho các đối tượng chính sách theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, huyện đã xây dựng 114/167 căn và số hộ còn lại đang tiếp tục xây dựng và sửa chữa.

Ông Trần Quang Vinh - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Các chính sách ưu đãi người có công đã thực sự đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là đối tượng chính sách và đã khơi dậy truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân toàn huyện để cùng Nhà nước thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công.

Chính quyền huyện Thanh Bình hiện đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa chăm sóc người có công, đặc biệt là phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể, các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đến cuối đời và chỉ đạo 100% các xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sỹ, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của người có công.

Lê Văn Thơm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn