Tiếp tục triển khai các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới
Cập nhật ngày: 24/11/2023 17:45:24
ĐTO - Như Báo Đồng Tháp Online thông tin, chiều ngày 24/11, tại tỉnh Đồng Tháp, các đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp; Lê Thị Kim Loan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp tiếp tục chủ trì Hội thảo “Triển khai thực hiện Hệ giá trị Quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Đồng chí Thái Thúy Xuân - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phát biểu tham luận tại phiên thứ hai của Hội thảo
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tập trung trình bày các tham luận để làm sâu sắc thêm những nội dung chủ yếu liên quan đến phát huy Hệ giá trị Quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ - Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) triết lý văn hóa đặc trưng của cư dân người Việt ĐBSCL nói riêng, Nam Bộ nói chung đó là các triết lý: Thuận thiên - Khoan dung - Khai phóng. Cả 3 triết lý ấy hình thành và phát triển dựa trên mô thức nhận thức, dựa trên kinh nghiệm truyền thống và trải nghiệm.
Để có thể chủ động thích ứng với những biến đổi của môi trường tự nhiên (biến đổi khí hậu, biến đổi dòng sông Mekong) và môi trường xã hội (hiện đại hóa), bộ 3 triết lý ấy cần được thay đổi. Ngoài 2 hằng số bất biến của căn tính văn hóa Việt Nam là lòng ái quốc (trong ứng xử với Quốc gia) và tinh thần hiếu thuận (trong ứng xử với gia đình), người Việt ở ĐBSCL cần phải tích lũy (hoặc được trang bị) nhiều hơn và sâu sắc hơn về tri thức khoa học, năng lực tiếp cận kỹ thuật - công nghệ, hiểu biết văn hóa và hiểu biết pháp luật để tự điều chỉnh tư duy, phong cách, lối sống, góp phần điều chỉnh triết lý văn hóa và tính cách văn hóa của chính mình.
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học thảo luận việc triển khai Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với thực tiễn vùng đồng bằng sông Cửu Long
Đồng chí Thái Thúy Xuân - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang cho rằng, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người, đặc biệt là Nghị quyết số 33 ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tỉnh An Giang luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Việc xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết thúc Hội thảo
Phát biểu kết thúc hội thảo, đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, qua một ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ và rất tâm huyết, Hội thảo khoa học đã thành công tốt đẹp. Hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tham gia viết tham luận, phát biểu tại Hội thảo. Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến cho thấy, Hội thảo tiếp tục khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai thực hiện các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng ĐBSCL.
Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham gia Hội thảo
Trong đó, nhấn mạnh lấy chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng, hệ giá trị Quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, chi phối các hệ giá trị khác. Đồng thời xác định các hệ giá trị, thống nhất xây dựng, ban hành và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị trong đời sống thực tiễn thông qua sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của toàn thể nhân dân, góp phần thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững.
D.Chinh-P.Lộc