Tinh gọn bộ máy, biên chế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (tiếp theo và hết)
Cập nhật ngày: 09/01/2018 15:12:10
Bài 2: Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Năm 2017, các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tinh gọn đội ngũ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Mục tiêu cao nhất là cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Bài 1: Quyết tâm cao, hiệu quả thấp
Nhằm từng bước đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã đi đầu, tổ chức thi tuyển chức danh vụ trưởng
Quyết liệt thực hiện “ba giảm”
Sắp xếp, kiện toàn tổ chức theo hướng ba giảm (đầu mối, cấp trung gian, cấp phó) được các cấp ủy tập trung chỉ đạo triển khai. Trên tinh thần kiên quyết nhưng linh hoạt cách làm, theo đồng chí Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, quan điểm của Thành ủy là không giảm cơ học, mà tập trung giảm nơi thừa, năng lực yếu, sáp nhập những đơn vị có chức năng nhiệm vụ gần nhau; tăng thêm cho nơi thiếu dựa vào khung vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp, trên nguyên tắc không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Với tinh thần cấp trên làm gương, ba đơn vị đã làm điểm là Ban Tổ chức Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố và Văn phòng HĐND thành phố.
Theo đó, tới giữa năm 2017, Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp, kiện toàn 20 đơn vị khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể; giảm 13 đầu mối phòng, ban, chín đơn vị sự nghiệp, giảm 34 cán bộ cấp trưởng, 27 cấp phó phòng, ban và tương đương. Cán bộ dôi dư sau sắp xếp được bảo lưu phụ cấp chức vụ cho hết thời gian bổ nhiệm. Khối các cơ quan trực thuộc UBND thành phố đã giảm 52 phòng, ban, 26 trưởng và 116 phó phòng. Các đơn vị sự nghiệp thuộc sở sau sắp xếp đã giảm từ 401 xuống 208 đơn vị…
Hà Nội cũng được coi là địa phương đi đầu thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách từ xã tới thôn, tổ dân phố theo hướng sắp xếp, kiện toàn, sáp nhập thôn, tổ dân phố, thống nhất, đồng bộ hệ thống chính trị ở cơ sở. Qua đó đã giảm 2.030 thôn, tổ dân phố với gần 5.400 chức danh không chuyên trách, từ đó giảm chi ngân sách khoảng 37 tỷ đồng/năm.
Có ý kiến cho rằng, để giảm đầu mối, chấn chỉnh tình trạng thừa quản lý thiếu chuyên viên, cần mạnh tay “cắt ghế”, nhất là ở một số địa phương, đơn vị thời gian qua để xảy ra "lạm phát" cấp phó, tuyển dụng tràn lan. Từ Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 đến Nghị quyết số 39- NQ/TW ngày 17/4/2015 của Trung ương đều yêu cầu, quy định rõ số lượng cấp phó phù hợp trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, tính đến tháng 12/2016, chỉ có cấp phó của bộ và tương đương là giảm so với năm 2011, còn lại cấp phó các tổng cục, cục, vụ, sở, ngành, phòng chuyên môn thuộc sở, phòng chuyên môn cấp huyện đều tăng. Đứng trước yêu cầu thực hiện nghiêm về số lượng lãnh đạo cấp phó, nhiều đơn vị, địa phương đã chủ động các giải pháp để bảo đảm đúng quy định.
Ban Tổ chức Thành ủy TP.Hồ Chí Minh thông tin: Các ban đảng của thành phố đều thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó, trong đó, Ủy ban Kiểm tra và Ban Tuyên giáo Thành ủy còn thiếu cấp phó so với quy định. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, có đơn vị thừa cấp phó như Văn phòng UBND thành phố, các sở: Nội vụ, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng có sở đang thiếu so với quy định như Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp và Ban Dân tộc. Ở các lĩnh vực khác, cấp quận, huyện phần lớn bảo đảm số lượng đúng quy định. Thành phố sẽ tiếp tục các phương án sắp xếp phù hợp, tuy nhiên cũng kiến nghị cần xem xét tới điều kiện đặc thù cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và quy mô của thành phố.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trương Thanh Phong, qua rà soát số lượng cấp phó tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, về cơ bản bảo đảm số lượng. Với 20 cơ quan chuyên môn và hai cơ quan hành chính cấp tỉnh có 54 người giữ chức vụ cấp phó (bình quân đạt 2,7 vị trí/cơ quan); 137 phòng chuyên môn thuộc sở có 162 người giữ vị trí cấp phó (bình quân 1,18 vị trí/phòng). Ở các đơn vị cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập… đều bố trí không quá hai vị trí lãnh đạo cấp phó cho một đơn vị. Tuy nhiên, về quy định số lượng cấp phó đối với các cơ quan hành chính trực thuộc UBND tỉnh, hiện nay chưa có sự thống nhất về số lượng cấp phó phòng, chi cục từ các bộ chủ quản, gây khó cho quá trình thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan.
Khuyến khích tự chủ và khoán chi
Một trong những giải pháp nhằm giảm gánh nặng biên chế và ngân sách là khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển dần sang cơ chế tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế. Đồng thời, không công chức hóa viên chức sự nghiệp, thực hiện chế độ hợp đồng lao động dịch vụ thay cho việc cấp biên chế thường xuyên. Kinh nghiệm của Hà Nội sau khi thí điểm tại một số đơn vị thuộc Sở Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, cho thấy, việc tự chủ đã tạo không khí và động lực mới. Điển hình như Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Hòe Nhai…
PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ, mô hình tự chủ không chỉ giúp Nhà nước giảm chi ngân sách thường xuyên, tác phong phục vụ của nhân viên y tế chuyên nghiệp hơn, mà chính người bệnh được thụ hưởng quyền lợi từ thái độ và chất lượng phục vụ. Hà Nội cũng đã áp dụng chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước đến toàn bộ các đơn vị dự toán cấp huyện. Qua đó, các đơn vị chủ động tiết kiệm biên chế, kinh phí hành chính, có thêm nguồn thu để cải thiện chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Tất Thành Cang, tinh thần là việc nào tư nhân đảm nhiệm tốt thì mạnh dạn giao, Thành ủy chủ trương tách bộ phận hành chính, phục vụ, các đơn vị kinh tế của Đảng ra khỏi bộ máy. Cắt giảm tối đa xe công, tổ chức hội nghị… chuyển sang hình thức ký hợp đồng với các công ty có chức năng hoạt động trong từng lĩnh vực; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng giảm đầu mối, tăng chức năng, nhiệm vụ cho các bộ phận. Ban Thường vụ Thành ủy đã soạn thảo một loạt đề án và sớm triển khai. Theo đó, sẽ tách bạch chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực và phân định rõ quản lý nhà nước với phục vụ, thừa hành; tăng đấu thầu, xã hội hóa các hoạt động công ích, hành chính sự nghiệp…
Để đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, Chính phủ đã thống nhất về nguyên tắc phân cấp thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở bảo đảm việc làm ổn định và thu nhập tăng thêm. Kết quả triển khai cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, ngành cho thấy những chuyển động tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của Chính phủ thì vẫn còn chậm so tiến độ.
Giảm về lượng, tăng về chất
Câu hỏi gây không ít băn khoăn đó là, trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, quy mô dân số không ngừng tăng, tỷ lệ thuận với khối lượng công việc và mức độ phức tạp đặt ra cho công tác quản lý, điều hành, yêu cầu tinh giản biên chế có vì thế mà trở nên bất cập? Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Tân, quá trình này không đơn thuần là giảm đầu mối, giảm biên chế mà là rà soát chức năng, nhiệm vụ phù hợp đặc điểm, tình hình của từng đơn vị, nâng cao chất lượng sử dụng nhân lực. Mục tiêu cuối cùng là chất lượng thực thi công vụ. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy chủ trương cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức theo yêu cầu tăng cường chất lượng, khắc phục tình trạng cơ cấu mất cân đối, thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, chuyên gia đầu ngành, cán bộ có trình độ cao, có khả năng dự báo, xử lý tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh.
Đối với các cơ quan tham mưu Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục hoàn thiện đề án nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm thực tiễn. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, trên cơ sở đề án vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, nghiên cứu cải cách chế độ công vụ, công chức, xác định cơ cấu ngạch công chức; bố trí đúng người, đúng việc, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, chức vụ công chức, viên chức từ thành phố đến địa phương.
Để tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, yếu tố con người vẫn giữ vị trí then chốt. Trong đó, cần sự thay đổi mạnh mẽ về chất. Năm qua cũng ghi dấu đột phá trong tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Sau Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội Vụ tổ chức thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện chủ trương đổi mới của Bộ Chính trị.
Điển hình như Quảng Ninh, Tỉnh ủy yêu cầu tất cả các vị trí bổ nhiệm mới, bổ nhiệm vị trí cao hơn đều phải qua thi tuyển. Tại TP.Hồ Chí Minh, một số quận, huyện đã chủ động thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, phó chủ tịch UBND xã (quận Gò Vấp, huyện Cần Giờ); hoặc trình bày đề án (Ban Tổ chức Thành ủy, quận 2, quận 3, quận 10). UBND thành phố đã phê duyệt đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và đã tổ chức thực hiện thí điểm tại Sở Tư pháp. Sở Nội vụ tham mưu nghiên cứu đề án thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, mở rộng thêm các chức danh mới giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương. Đây là những cách làm mới, sáng tạo, dân chủ, công khai nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ năng lực gánh vác nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Song song với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không thể thiếu những yếu tố, điều kiện bảo đảm hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Đó là thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của các bộ, ngành và địa phương, tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận điện năng...
Việc triển khai xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử tại các địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. TP.Hải Phòng triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền điện tử tại các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng. Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành dự án xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm hành chính công tại các huyện, thị xã, thành phố; triển khai chứng thư số của tổ chức tới 42 cơ quan, đơn vị và 2.187 chứng thư số của cá nhân thuộc 36 cơ quan, đơn vị. TP.Hồ Chí Minh triển khai hệ thống mạng đô thị băng thông rộng (MetroNet) tại 683 điểm kết nối các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã và thị trấn, phục vụ hiệu quả việc vận hành, liên thông hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành các cấp. TP.Đà Nẵng tiếp tục mở rộng mô hình “phường, xã điện tử” và hoàn thiện mô hình “quận, huyện điện tử”... Tính trong 5 năm, số cơ quan hành chính thuộc các bộ, ngành trung tâm đã có bản công bố ISO đạt hơn 1.000 đơn vị; tại địa phương con số này đạt gần 1.700 đơn vị...
Tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thật sự là cuộc “đại phẫu” trong cả tư duy và hành động. Đây là vấn đề con người và quyền lợi, do đó sẽ không ít cản trở, thách thức. Nhưng trên hết vẫn phải vì một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng xu thế phát triển xã hội và điều kiện hội nhập. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm cao và hành động quyết liệt hơn nữa ở tất cả cấp, ngành, địa phương, đơn vị, nhằm cải tổ nền hành chính trì trệ, cồng kềnh; góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, nâng các chỉ số cạnh tranh của địa phương cũng như năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2016, trong tổng số 30.219 đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước được giao tự chủ tài chính từ năm 2015, có 109 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 1.878 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 12.841 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Các đơn vị còn lại do Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động.
|
Bài, ảnh: TIỂU PHƯƠNG, MINH ANH và ANH TUẤN/NDĐT