Tôn trọng Quốc kỳ - Tôn trọng đất nước và dân tộc
Cập nhật ngày: 02/09/2016 20:28:59
ĐTO - Lịch sử từng ghi lại rất nhiều tấm gương của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thà chịu hy sinh, tù đày, tra tấn nhưng không dẫm lên lá cờ đỏ sao vàng; trong căn cứ kháng chiến, lúc nào cũng có lá cờ đỏ sao vàng; lễ kết nạp đảng, đoàn trong vòng vây của kẻ thù vẫn có lá cờ đỏ sao vàng dù chỉ nhỏ cỡ bàn tay...
Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh tung bay trong khởi nghĩa Nam kỳ (1940).
Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập, đoạn mở đầu Chương trình Việt Minh đã nêu: Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ ngôi sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ.
Bài thơ “Không ngủ được”, Bác Hồ viết “... Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh".
Ngày 2/3/1946, phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thống nhất lá cờ đỏ với ngôi sao vàng 5 cánh là Quốc kỳ. Lá cờ đỏ sao vàng đã được qui định là Quốc kỳ nước ta từ Hiến pháp 1946 cho đến Hiến pháp 2013.
Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng cho tính triệt để chiến đấu cách mạng, cho xương máu của đồng bào trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì độc lập tự do; tượng trưng của khối đại đoàn kết dân tộc.
Hiện nay, việc treo Quốc kỳ tại trụ sở cơ quan đã trở thành nề nếp, nhiều nơi tổ chức chào cờ đầu tuần như ờ huyện Cao Lãnh.
Kỷ niệm hoặc chào mừng các sự kiện quan trọng, như Quốc khánh 2/9, mỗi người chúng ta rạo rực khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước nhà dân, cả ở vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, có cơ quan, có nhà dân chưa quan tâm đúng mức đến lá cờ Tổ quốc khi treo cờ bạc màu, để rách nát. Có thể vô tình, nhưng việc đó là sự xúc phạm đến những hy sinh của cha anh đã dùng máu của mình để tô thấm màu cờ, để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Tôn trọng Quốc kỳ đồng nghĩa với tôn trọng đất nước và dân tộc.
Hữu Ý