Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tầm phong cách Hồ Chí Minh rất rõ
Cập nhật ngày: 23/07/2024 05:28:31
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), khẳng định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 57 năm tuổi Đảng, 30 năm làm Ủy viên Trung ương Đảng, 27 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 13 năm làm Tổng Bí thư, đồng chí đã dồn hết tâm lực và tâm huyết đặc biệt cho vai trò người đứng đầu Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nhân dân dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng văn hóa Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, chiều 15/11/2017 (Ảnh: VIẾT CHUNG)
Quyết liệt trong đấu tranh chống những hư hỏng trong Đảng
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, với 3 nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng phải được nhận thức trên cả 2 phương diện, vừa là nhà lãnh đạo có uy tín lớn, đồng thời cũng là nhà lý luận, nhà khoa học toàn tâm toàn ý với sự nghiệp khoa học, tường tận những vấn đề của Nhân dân, đất nước. Những điều đó kết hợp chặt chẽ trong con người Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Là một chính khách, một nhà lãnh đạo, một nhà khoa học, cống hiến lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ từ khi đồng chí làm Tổng Bí thư ở Đại hội Đảng lần thứ XI: kiên định, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường phát triển của cách mạng Việt Nam gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội (CNXH), con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn từ khi thành lập Đảng. Tính kiên định đó thể hiện rất rõ, đồng chí Tổng Bí thư tập trung vào bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 ở Đại hội XI. Cương lĩnh có nhiều điểm mới, nhiều vấn đề rất lớn, là sản phẩm của bản lĩnh chính trị, quyết tâm chính trị, đồng thời cũng là sản phẩm của nghiên cứu khoa học về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Sau này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát triển thành bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đây chính là sự tổng kết quá trình đổi mới gắn liền với con đường XHCN mà Bác Hồ đã lựa chọn. Đó là cống hiến rất lớn của Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nhân dân dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng văn hóa Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, chiều 15/11/2017 (Ảnh: VIẾT CHUNG)
Kế đến, là tính hành động. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức coi trọng hành động, kết hợp giữa nói và làm, chỉ đạo hết sức quyết liệt việc hành động. Nhiều lần đồng chí nhắc đường lối đã có rồi, chủ trương có rồi nhưng tổ chức thực hiện thì yếu, nên đồng chí tập trung vào tổ chức thực hiện như: thực hiện Cương lĩnh; thực hiện những quan điểm, đường lối; thực hiện những nghị quyết của Trung ương. Đó là điểm nổi bật của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tư tưởng hành động.
Thêm nữa, là sự kết hợp tầm nhìn chiến lược với tư cách một người lãnh đạo, một chính khách nhưng đồng thời đi sâu vào những vấn đề cụ thể, không chỉ dừng lại ở những định hướng chiến lược. Đồng chí Tổng Bí thư rất coi trọng chỉ đạo thực tiễn. Thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng, kết hợp giữa tầm nhìn, tư duy chiến lược với những hành động cụ thể cũng là một vấn đề nổi bật, quan trọng của Tổng Bí thư.
Tấm gương kiểu mẫu về đạo đức Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư là một tấm gương kiểu mẫu về đạo đức, đúng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vì vậy, đồng chí rất quyết liệt trong đấu tranh chống những hư hỏng trong Đảng. Với những sai phạm, tiêu cực trong Đảng, đồng chí tập trung xử lý triệt để, hiệu quả. Gần 3 nhiệm kỳ tính từ Đại hội Đảng XI đến nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có cống hiến rất lớn, với tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN).
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Từ việc quyết liệt PCTN, tiêu cực đã làm cho nội bộ Đảng ta ngày càng trong sạch, thống nhất, đoàn kết hơn; hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn. Việc xử lý cán bộ chủ chốt, cấp cao trong thời gian qua đã chứng minh điều đó, thể hiện tính triệt để, quyết liệt trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Điều đó cũng thể hiện quan điểm không chấp nhận trong đội ngũ lãnh đạo có sự hư hỏng, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, để đi đến chuẩn mực đạo đức của cán bộ. Xây dựng Đảng về đạo đức đã trở thành vấn đề rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rất đúng với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Đồng chí Tổng Bí thư đã quyết tâm chấn chỉnh sai phạm, hư hỏng trong Đảng, trong cán bộ, xây dựng một đội ngũ cán bộ xứng tầm với nhiệm vụ phát triển đất nước hiện nay. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên chúng ta đưa xây dựng Đảng về đạo đức vào văn kiện của Đại hội XIII, xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tầm phong cách Hồ Chí Minh rất rõ. Chúng ta đang học tập phong cách Hồ Chí Minh, mà phong cách Hồ Chí Minh là kết hợp giữa nói và làm, khiêm tốn, giản dị, gần gũi cộng sự, gần gũi Nhân dân, luôn luôn thể hiện tình thương yêu đồng chí, đồng bào... Những điều này thể hiện trong con người Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất rõ. “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chính khách, một nhà lãnh đạo theo phong cách Hồ Chí Minh, có rất nhiều phẩm chất của Bác Hồ. Kể cả trong việc sử dụng cán bộ, nếu qua một thời gian, nếu “không ổn” là thay thế ngay, không để kéo dài. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nhân dân dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng văn hóa Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, chiều 15/11/2017 (Ảnh: VIẾT CHUNG)
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc mà lịch sử đã lựa chọn. Yêu cầu khắc nghiệt của sự nghiệp đổi mới cả về đối nội, đối ngoại, cả về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh đã đặt lên chương trình nghị sự của Đảng, của các nhà lãnh đạo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được lựa chọn và đã hết lòng hết sức cho sự nghiệp phát triển, đổi mới của đất nước, nhất là trong bối cảnh hơn thập kỷ gần đây, khi có cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, khi hội nhập quốc tế phát triển, thế giới đứng trước những khủng hoảng, đất nước có nhiều thách thức khó khăn. Trong bối cảnh đó, người chèo lái con thuyền phải có bản lĩnh, trí tuệ và gương sáng về đạo đức, phải là gương sáng về đạo đức thì mới quy tụ được ý chí của toàn Đảng và khát vọng độc lập tự do, phát triển đất nước, khát vọng hạnh phúc của toàn dân.
“Điều quan trọng nhất của người lãnh đạo phải là tập hợp được. Nếu tập hợp không được sẽ gây ra những chia rẽ, phân tâm đối với sự nghiệp của Đảng, Tổ quốc; đoàn kết trong nước và quốc tế, đó là cái tầm của tư duy chiến lược, nếu chỉ có tầm nhìn hẹp thì không thể đáp ứng đòi hỏi của lịch sử. Đồng chí là nhà lãnh đạo của Đảng, của đất nước, Nhân dân ta, đóng góp quan trọng trong quá trình đổi mới đất nước”, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
|
Theo PHAN THẢO (SGGP)